pnvnonline@phunuvietnam.vn
Giúp trẻ hình thành kỹ năng tự phục vụ: "1 mũi tên trúng nhiều đích"
Tạo cho trẻ môi trường để rèn kỹ năng tự phục vụ, trước hết:
Tạo cho trẻ biết làm công việc đơn giản
Nhìn Hoàng Ly (6 tuổi, Biên Hòa, Đồng Nai) quét dọn nhà cửa, lau chùi phòng tắm và phòng vệ sinh một cách khéo léo ít ai ngờ rằng khi học mầm non, mẹ Ly thường xuyên nghe cô giáo phàn nàn về chuyện ăn uống của con. Dù đã gần 5 tuổi nhưng bé Ly vẫn chưa biết cách cầm muỗng và tự xúc cơm trong chén đưa vào miệng.
Những ngày tháng hè để Ly bước vào lớp 1, cha mẹ cháu đã kiên nhẫn hướng dẫn và luyện tập để Ly tự xúc cơm ăn giống như các bạn khác. Không những thế vì khơi dậy được nhu cầu muốn thể hiện và khẳng định mình, mẹ Hoàng Ly còn dạy con tự tay làm những việc nhà đơn giản như quét dọn nhà cửa, tự mặc áo quần, tự chuẩn bị đồ dùng khi đi học và đi chơi…
Rèn luyện kỹ năng tự phục vụ cho bé là một việc khó nhưng nếu giáo dục trẻ càng sớm thì việc hình thói quen sẽ càng bền vững. Vì thế nếu thật sự thương con mình, đừng ngại để trẻ được trải nghiệm và động tay động chân để làm những công việc đơn giản nhẹ nhàng mà mục đích trước hết là tự phục vụ bản thân mình.
Trước đó, không phải gia đình không dạy bé thực hiện kỹ năng tự phục vụ đơn giản, nhưng do ông bà xót thương cháu còn nhỏ nên đã giáo dục trẻ chưa nhất quán. Cha mẹ thì muốn con tự làm, nhưng khi ở với ông bà lại được phục vụ từ A đến Z nên Ly lóng nga, lóng ngóng.
Biết được lý do rèn kỹ năng tự phục vụ cho con chưa được đến nơi đến chốn nên chưa hình thành được những thao tác cần thiết trong đời sống hàng ngày để tự phục vụ mình. Nếu không hướng dẫn thì trẻ dễ trở thành người thụ động, thiếu kỹ năng làm việc và nguy hại hơn là để cho người khác phải phục vụ cho mình, nhất là khi bước vào tuổi trưởng thành.
Đối với trẻ, việc rèn luyện kỹ năng tự phục vụ không phải là những công việc quá to tát mà chỉ là những thao tác đơn giản như vệ sinh cá nhân, rửa mặt, đánh răng, rửa tay chân, tự gấp áo quần… Ngoài ra, cần giúp trẻ hình thành thói quen biết tự giác sắp xếp đồ dùng cá nhân như để dép ngay ngắn, dọn đồ gọn gàng sau khi chơi...
Giáo dục giá trị nhân văn cho trẻ
Không ít trẻ vì quá được bảo bọc, cưng chiều, cha mẹ và ông bà hoặc người giúp việc làm thay hết mọi việc nên trẻ có thói quen dựa dẫm, phụ thuộc và ỷ lại, chỉ biết trông chờ người khác phục vụ. Thiếu kỹ năng tự phục vụ sẽ dẫn đến hệ lụy trẻ ngại lao động, lười biếng, thụ động và khó khăn khi tham gia vào các hoạt động của tập thể. Thực tế cho thấy không chỉ có trẻ mầm non mà ngay đến cả học sinh khi đã ngồi trên ghế nhà trường cũng có nhiều khoảng trống trong kỹ năng tự phục vụ. Vì thiếu kỹ năng này nên trẻ khó có thể thiết lập các mối quan hệ cũng như bày tỏ tình cảm của mình với mọi người. Trẻ biết tự phục vụ sẽ biết nghĩ cách để làm vui lòng người khác.
Trong quá trình nuôi dưỡng, giáo dục và chăm sóc con, cha mẹ thường lo lắng tìm cách cho trẻ học thêm hết môn này đến môn khác mà quên mất việc rèn cho trẻ có thêm kỹ năng tự phục vụ cho chính bản thân. Khi vào học ở bậc phổ thông, các em dù muốn hay không đều phải tự lo liệu để phục vụ mình. Nếu có được tâm lý sẵn sàng thì trẻ sẽ vững vàng, dễ dàng nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống hơn và luôn biết làm chủ bản thân mình.
Khi trẻ được rèn các kỹ năng, trẻ không chỉ biết cách tự chăm sóc, phục vụ bản thân, cha mẹ cần dạy cho trẻ biết cách phục vụ người khác mà trước hết là ông bà, cha mẹ trong nhà. Trước khi đến trường phải biết tự sắp xếp sách vở, đồ dung học tập, tự mặc áo quần, đi giày dép, mang cặp; đến bữa ăn phải biết dọn bát đũa, ăn xong biết mời người lớn dùng nước, dùng tăm; biết phụ cha mẹ dọn dẹp nhà cửa...
Những việc làm này còn giúp trẻ có thêm niềm vui, biết yêu thương mọi người, hình thành trách nhiệm với bản thân và người khác; đẩy lùi tính lười biếng, ích kỷ và nhỏ nhen khi nào cũng chỉ biết nghĩ cho cá nhân mình mà thôi. Rèn cho trẻ kỹ năng tự phục vụ được ví như hình ảnh "một mũi tên bắn ra trúng nhiều đích", trẻ vừa biết tự chăm sóc bản thân, sẽ tự tin hơn khi bước vào cuộc sống. Đồng thời, trẻ sẽ biết cách thể hiện sự quan tâm, chia sẻ đến người khác. Đó là mục tiêu không chỉ gia đình mà nhà trường đang hướng tới để giáo dục trẻ thành người có nhân cách toàn diện.