GS Nguyễn Minh Thuyết: 'Chúng tôi không tự vẽ chương trình để khen mình!'

03/05/2018 - 21:12
Đó là chia sẻ của tổng chủ biên chương trình, sách giao khoa phổ thông – GS Nguyễn Minh Thuyết, khi nhận định về quá trình thực nghiệm chương trình mới vừa được triển khai trong một tháng qua. Phụ nữ VN ghi lại ý kiến đánh giá của ông tại cuộc họp báo về nội dung trên diễn ra chiều 3/5 tại Hà Nội.

- Giáo sư có thể đánh giá tổng quan về thời gian thử nghiệm chương trình mới tại một số trường thời gian qua?

Đây là đợt thực nghiệm kéo dài trong một tháng, mục đích nhằm đánh giá tác động và kiểm nghiệm mức độ phù hợp, tính khả thi của dự thảo các chương trình môn học trong chương trình GD phổ thông mới, từ đó góp phần hoàn thiện dự thảo để hội đồng Quốc gia thẩm định có cơ sở tiến hành thẩm định môn học.

thuyet.JPG
GS Nguyễn Minh Thuyết có nhìn nhận lạc quan về đợt thử nghiệm chương trình mới vừa qua. Ảnh: Nguồn vietnamnet

Sau đợt thực nghiệm, có ba điều chúng tôi kết luận được, đó là tuy thực nghiệm lần đầu tiên nhưng đem lại kết quả tốt để hoàn thiện chương trình, làm sao để mỗi giáo viên nắm được phương pháp mới, có phương pháp mới có thể dạy tốt. Thứ hai, việc thực nghiệm rất nghiêm túc, đáp ứng mục tiêu đề ra. Và cuối cùng là có nhiều bài học bổ ích trong việc hoàn thiện chương trình và tập huấn giáo viên, cán bộ sắp tới.

Thực sự chúng tôi không vẽ ra để tự khen mình. Một tháng thử nghiệm vẫn còn nhiều bài học không thành công. Chính điều này mang lại nhiều bổ ích cho chúng tôi trong việc điều chỉnh chương trình thực sự nhẹ nhàng hơn cho học sinh.

- Vì sao vẫn còn có nhiều tiết học không thành công, thưa Giáo sư?

Đợt thực nghiệm cho thấy một số môn học vẫn thiên về trang bị kiến thức, trong quá trình học vẫn có những chương, mục, nội dung mang tính hình thức. Thứ nữa là vẫn còn tình trạng quá tải, đặc biệt là về lượng. Cụ thể là trong khoảng thời gian cho phép một tiết học nhưng vẫn đòi hỏi HS làm nhiều việc quá, dẫn đến thiếu thời gian.

Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều tiết học thành công vì thầy cô nắm vững được nội dung vấn đề, đặc biệt có phương pháp đổi mới, và bài soạn cũng vừa đủ thời lượng, nội dụng không quá tải, quá sức với cả thầy và trò.

- Qua thực nghiệm, Giáo sư đánh giá như thế nào về đội ngũ giáo viên, khi mà trước đây, lo ngại lớn nhất của chương trình chính là tâm lý ngại đổi mới của thầy cô?

Có một thực tế là ở nơi nào học sinh đã quen và chủ động tìm hiểu khám phá kiến thức, luyện tập và vận dụng thì tiết học diễn ra tốt. Giáo viên nào đầu tư cho bài giảng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì tiết học cũng hiệu quả hơn. Giữa các cấp học cũng có sự khác biệt về đội ngũ giáo viên, cụ thể là thầy cô tiểu học tôi đánh giá là có sự tích cực rõ nét trong đổi mới, trong khi đó khối giáo viên trung họ bị cuốn hơi nhiều thời gian vào các kỳ thi nên không có sự chú tâm bằng.

Qua đợt này, chúng tôi càng nhận thấy rõ về đội ngũ giáo viên là nội dung không “đáng sợ” bằng phương pháp. Nếu thầy cô giáo có phương pháp để làm cho tiết học sinh động, nhẹ nhàng hơn thì nội dung bài học rõ ràng rất tốt.

lop-1.jpg
Chương trình mới sẽ triển khai cho học sinh lớp 1 vào năm học 2019 - 2020. Ảnh minh họa

- Chương trình thì chỉ có một nên thử nghiệm thuận lợi. Nhưng Giáo sư nghĩ gì về phương án thử nghiệm sách giáo khoa (SGK) khi có nhiều bộ sách khác nhau?

Chắc chắn sẽ phải có phương án thực nghiệm SGK phù hợp. Vấn đề là thực nghiệm vào lúc nào? Theo kinh nghiệm các nước, ngay trong quá trình soạn thảo sách là thử nghiệm luôn để điều chỉnh kịp thời các nội dung. Đối với chương trình mới, bộ SGK mà bộ phải chịu trách nhiệm biên soạn thì chúng tôi đã kiến nghị, tham mưu là bộ chỉ đạo trực tiếp phần thực nghiệm. Còn các tổ chức cá nhân khác thì phải tự tổ chức thực nghiệm sách mà họ biên soạn, bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ các đơn vị này cách thức thực nghiệm cũng như kết nối các đầu mối.

- Từ nay đến lúc triển khai chính thức chương trình mới cho lớp 1 chỉ còn hơn một năm. Những công việc nào sẽ được ưu tiên để có thể kịp tiến độ, thưa Giáo sư?

Công việc hiện tại chúng tôi đang tập trung làm là hoàn thiện chương trình, việc thức đến 2 – 3h sáng để trao đổi mail với nhau là chuyện bình thương. Sau khi hoàn thiện, chúng tôi sẽ chuyển đến hội đồng quốc gia thẩm định.

Sau khi hội đồng thẩm định có ý kiến, nếu thuận lợi thì thông qua, nhưng tôi nghĩ để được thông qua, cũng phải “bật lên bật xuống”, nhanh thì cũng phải một tháng, sau đó Bộ trưởng mới ký quyết định ban hành. Nếu chỉ cần một chương trình môn học được thông qua thì Bộ trưởng khó ban hành được.

Một đầu việc rất quan trọng nữa là công tác tập huấn cho giáo viên. Lâu nay, thầy cô giáo thường có một đặc điểm là ít quan tâm đến chương trình, mà chủ yếu chỉ chú ý đến sự thay đổi nội dung SGK thôi. Nhưng giờ cái lõi là chương trình nên tập huấn chủ yếu là về chương trình.

Chúng tôi đang tích cực hoàn thiện chương trình lớp một. Chỉ có 6 môn học thôi nên cũng không quá khó để hoàn thiện khâu viết sách trong khoảng hơn 1 năm tới. Cố gắng để chương trình ban hành kip thời, trong đó phụ thuộc một phần vào tiến độ của đội ngũ viết sách.

- Xin cám ơn Giáo sư!

Thực nghiệm chương trình học – việc làm đầu tiên trong lịch sử cải cách giáo dục

GS Nguyễn Minh Thuyết cho hay, việc thực nghiệm này được xem là lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử cải cách giáo dục nước ta. “Trong 3 lần cải cách  giáo dục lớn, chúng ta chỉ đổi SGK dựa trên chương trình cũ nên không thực nghiệm chương trình. Vì thế đây là việc làm rất mới, trong đó SGK thực nghiệm sau chương trình, trên cơ sở xác định nội dung, yêu cầu, kiến thức của chương trình rồi mới thực nghiệm sách” – GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Đợt thực nghiệm diễn ra trong khoảng một tháng, sau 6 tháng chuẩn bị các khâu. Phạm vi thực nghiệm gồm một số trường thuộc 6 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Cần Thơ. Mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường THCS và 3 trường THPT.

Cấp tiểu học có 147 tiết, cấp THCS có 129 tiết, tấp THPT có 96 tiết, tổng cộng có 372 tiết. Nội dung đợt thực nghiệm còn lấy phiếu khảo sát giáo viên (online) với 37 phiếu, phỏng vấn sâu giáo viên liên quan đến chương trình mới. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm