pnvnonline@phunuvietnam.vn
GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú: Học ở Bác từ những điều rất nhỏ
Nhà văn Trình Quang Phú chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách “Theo dấu chân Người”. Ảnh: L.Q.V
+ Cảm hứng nào khiến ông bỏ ra nhiều năm tìm tư liệu và viết "Theo dấu chân Người?".
- Vào khoảng năm 1996 - 1997, lúc cuốn "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" in lần thứ nhất, tôi đã đem sách tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cả hai ông đều khuyên tôi viết về thời gian Bác Hồ ở nước ngoài. Ông Phạm Văn Đồng đặc biệt nhấn mạnh:
30 năm Bác Hồ ở nước ngoài có bao nhiêu kho tư liệu quý và hấp dẫn, hãy cố gắng khai thác những tư liệu, những câu chuyện đó. Lúc bấy giờ, tôi nghĩ khó quá bởi tư liệu ấy ở rất nhiều nơi trên thế giới, rất mông lung. Và tôi chọn cách dễ hơn là biên soạn cuốn "Đường Bác Hồ đi cứu nước".
Cuốn sách cũng có những tư liệu, những câu chuyện Bác Hồ đi từ quê hương đến Bến Nhà Rồng, rồi từ Bến Nhà Rồng đi khắp 5 châu. Cuốn sách sưu tầm và biên soạn này cũng được ông Võ Nguyên Giáp viết lời hoan nghênh ngay trang đầu, ở lần in thứ 2 và nhiều độc giả đón nhận. Đến nay đã in tới 17 lần.
Từ việc biên soạn cuốn sách "Đường Bác Hồ đi cứu nước", tôi đã hình dung ra thật cụ thể cuốn sách "Theo dấu chân Người" sau này và luôn đau đáu suy nghĩ: Cuốn sách này mới chỉ là biên soạn chưa phải của mình viết ra và tôi quyết tâm việc viết cuốn sách của riêng mình.
Nhiều công việc cuốn đi, lần lữa, đến nay, cuốn sách được ra đời năm 2024 - kỷ niệm 100 năm Bác Hồ đến Quảng Châu, Trung Quốc.
+ Khi viết thể loại văn học truyện ký, khác với những cuốn sách biên soạn, kể chuyện trước đây, ông có gặp áp lực gì với những nhà văn đã từng viết tiểu thuyết rất thành công về Bác Hồ?
- Tôi không gặp áp lực gì đáng kể. Có những thông tin những câu chuyện về Bác các nhà văn đã viết rồi có thể khiến mình ít nhiều chao đảo về mặt tư liệu nhưng việc phải đi tìm được cái gốc của nó là gì, như thế nào để viết và quyết định viết theo cách của mình, theo tôi khá thú vị.
Tất cả những trang sách khác chỉ là tham khảo hoặc gợi ý. Còn nếu vì người khác đã viết thành công mà thấy áp lực thì tôi nghĩ sẽ khó mà viết được.
+ Dấu ấn sâu đậm nhất trong đời viết văn của nhà văn Trình Quang Phú là viết về Bác Hồ. Đâu là lý do khiến ông tâm huyết với đề tài này?
- Chính nhà văn Sơn Tùng là người truyền cảm hứng viết về Bác cho tôi. Trong đêm gặp nhau ở rừng Trường Sơn năm 1968, hai anh em đã nói chuyện về đề tài Bác Hồ và đã hứa với nhau, sau trận chiến này nếu còn sống sẽ viết về Bác. Nhưng điều giục giã tôi viết về Bác lớn hơn chính là yêu cầu của chiến trường.
Vào những năm 1960, quân và dân giải phóng miền Nam rất mong có những câu chuyện về Bác Hồ, vì vậy những tác phẩm viết về Bác đầu tiên của tôi là những bài viết rất ngắn để gửi cho Đài Phát thanh Giải phóng. lúc bấy giờ, tôi làm ở Vụ Tuyên truyền đối ngoại của Ban miền Nam.
Tôi cũng được có cơ hội đi theo những đoàn miền Nam ra thăm Bác, chứng kiến được những cảnh, những câu chuyện xúc động, thấy mọi người yêu thương Bác và Bác yêu thương những con cháu miền Nam như thế nào nên cảm động ghi lại. Từ những bài viết ngắn, về sau nâng lên thành những tập truyện ký như "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng".
+ Có một câu hát nổi tiếng: "Nghĩ về Bác lòng con trong sáng hơn"; còn với nhà văn Trình Quang Phú, một đời viết về Bác Hồ, ông có những cảm nhận thế nào khi viết về Bác, nghĩ về Bác?
- Không hiểu thế nào, từ khi còn bé, đi làm liên lạc, tôi đã coi Bác Hồ như một ông Thánh. Bác là gì đó vừa rất gần gũi nhưng cũng đầy cao sang, một lý tưởng mà mình trân quý. Vào cuối năm 1954, lúc đó tôi chỉ 14 tuổi thôi, đi thiếu sinh quân, cùng với vài bạn được Thiếu tướng Nguyễn Chánh - Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm đơn vị khen và tặng hình Bác Hồ.
Tấm hình cắt ra từ báo Nhân Dân, dán trên một cái bìa dày nhưng rất quý vào thời điểm đó. Từ đó về sau bỗng dưng những câu chuyện đẩy đưa, thời thế đẩy đưa mà có cơ hội gặp, tiếp xúc và viết về Bác Hồ. Và tình cảm về Bác bao giờ cũng đầy trân quý như thời trong sáng ngày xưa.
Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy mình học được Bác Hồ từ những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống. Bác rất chú ý những chi tiết nhỏ. Câu nói của Bác thường ngắn, nói rất ít nhưng điều đọng lại rất lớn.
- Cảm ơn ông đã chia sẻ!
GS.TS - nhà văn Trình Quang Phú hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông. Từ đầu những năm 1960, ông đã bén duyên với trang viết, nhận được giải Nhì thể loại ký sự của báo Cứu Quốc.
Ông gặt hái nhiều giải thưởng văn học như: Tác phẩm "Ký sự xứ người" đoạt giải thưởng văn học Mê Kông năm 2022 và Giải Sáng tạo TPHCM năm 2023. Tác phẩm "Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng" đoạt giải A cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" giai đoạn 2021-2025 của Ban Tuyên giáo Trung ương…