Hà Giang: Những khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người

Anh Đào (Thực hiện)
15/09/2024 - 15:09
Hà Giang: Những khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người

Phụ nữ huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, trong một buổi tư vấn pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Giang Nguyễn Thị Thanh Huyền, hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người tại Hà Giang vẫn còn gặp phải khá nhiều khó khăn.

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN về thực trạng công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người ở tỉnh Hà Giang hiện nay, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết:

Tại Hà Giang, Trung tâm Trợ giúp pháp lý là một trong những đơn vị phối hợp với các cơ quan để thực hiện việc hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân bị mua bán người. Trung tâm hiện nay có 20 biên chế, trong đó số trợ giúp viên trực tiếp tham gia làm công tác hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân là 14 người. Ngoài ra Trung tâm còn có đội ngũ các cộng tác viên là các luật sư tham gia cộng tác để cùng thực hiện trợ giúp pháp lý cho nạn nhân. 

Hà Giang: Những khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Giang.

Đối với nạn nhân của tội phạm mua bán người, ngay khi cơ quan điều tra tiếp nhận vụ việc có nạn nhân của hành vi mua bán người thì sẽ liên hệ, thông báo tới Trung tâm trợ giúp pháp lý. Trung tâm sẽ xác định diện đối tượng. trong trường hợp nạn nhân thuộc diện đối tượng trợ giúp thì sẽ cử người để hỗ trợ nạn nhân trong toàn bộ quá trình  giải quyết vụ việc mua bán người.

- Trong quá trình thực tế làm công tác trợ giúp cho nạn nhân thì bà thấy thực trạng hiểu biết của nạn nhân về quyền lợi của mình sau khi bị trở thành nạn nhân như thế nào?

Với đặc thù là một tỉnh miền núi, lại là biên giới, nạn nhân của tội phạm mua bán người ở Hà Giang đa phần đều là phụ nữ, trẻ em gái người dân tộc thiểu số. Các nạn nhân hầu hết không biết hoặc chưa thông thạo tiếng phổ thông, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật rất thấp. Do đó, việc tiếp cận hỗ trợ nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Trong quá trình chia sẻ, hướng dẫn nạn nhân, cán bộ trợ giúp pháp lý phải thông qua phiên dịch...

Tuy nhiên, theo tôi khó khăn lớn nhất ở đây là rào cản từ phía người bị hại. Với nhóm nạn nhân của hành vi mua bán người thì khi trở về, họ thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, nên việc tiếp xúc với để họ cung cấp, trao đổi thông tin ban đầu khá là khó khăn. Vì vậy, người làm công tác trợ giúp phải tạo được sự tin tưởng để nạn nhân có tâm lý thoải mái thì họ mới có thể cung cấp thông tin. 

Hà Giang: Những khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người- Ảnh 2.

Ttruyền thông về trợ giúp pháp lý tại các xã trên địa bàn huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

- Trong quá trình hỗ trợ, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân thì có trường hợp nào để lại cho bà nhiều trăn trở?

Có trường hợp nạn nhân dưới 16 tuổi. Khi em này được giải cứu trở về, qua quá trình làm việc với cơ quan chức năng, chúng tôi thấy em gái bị lừa bán một cách rất đơn giản. Bắt đầu chỉ là quen biết qua điện thoại, noi chuyện qua phần mềm trên mạng xã hội như Zalo, Facebook. Tiếp theo đối tượng bày tỏ mong muốn gặp mặt. Sau khi gặp mặt là đối tượng đã thuyết phục và đưa nạn nhân sang bán tận Lào Cai. Khi được giải cứu trở về, nạn nhân đã được hướng dẫn, được tiếp cận, hỗ trợ ban đầu. Sau đó, nạn nhân được hỗ trợ đi học nghề, học văn hóa và lấy chồng, xây dựng gia đình. Nhưng khi xây dựng gia đình xong, có một đứa con thì vụ án này lúc ấy mới được đưa ra xử lý. Gia đình chồng quay ra trách móc, nói rằng em ấy đã bị bán đi như thế, bán cho nhiều người, rồi là làm vợ của người nọ người kia. Chồng và gia đình chồng đã có lời lẽ xúc phạm khiến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc và em ấy phải ly hôn, trở về nhà bố mẹ sinh sống, mang theo con của mình. Ở Hà Giang có không ít trường hợp như thế khiến tôi rất trăn trở, đau lòng.

Ở Hà Giang, nạn nhân đa phần là trẻ em gái, phụ nữ dân tộc thiểu số. Qua quá trình công tác, tôi nhận thấy, nạn nhân mua bán người rất cả tin. Do vậy khi đối tượng xấu chỉ cần rủ rê, tán tỉnh, hứa hẹn sẽ đưa về làm vợ là nạn nhân đã bằng lòng đi theo dù chỉ mới quen biết. Điều đó khiến cho các đối tượng thực hiện hành vi mua bán người dễ dàng hơn. Một vấn đề nữa là khi nạn nhân được giải cứu hoặc tự trở về được rất tự ti, không muốn chia sẻ và trình báo sự việc. Lý do là khi bị lừa bán, nhiều trường hợp phải làm công việc mại dâm hoặc có trường hợp làm vợ của gia đình nhiều người nên rất mặc cảm.

Hà Giang: Những khó khăn trong công tác trợ giúp pháp lý cho nạn nhân mua bán người- Ảnh 3.

Hội viên phụ nữ huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang tại một buổi tuyên truyền pháp lý liên quan đến mua bán người.

- Vậy chị em là nạn nhân của mua bán người thì cần phải làm gì để được tiếp cận và hỗ trợ pháp lý?

Đối với nạn nhân của mua bán người, khi được giải cứu hoặc tự trở về, việc đầu tiên là phải trình báo với cơ quan chức năng. Hiện nay, các cơ quan sẽ phối hợp với nhau và thông báo đến Trung tâm trợ giúp pháp lý. Ngay khi nhận được thông tin, chúng tôi sẽ cử cán bộ tìm hiểu, triển khai công tác trợ giúp pháp lý theo quy định nếu đúng đối tượng trợ giúp

-Xin cảm ơn bà!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm