Hà Nội cấm xe máy: Không hiểu tại sao Sở GTVT làm gấp rút như vậy?

15/03/2019 - 07:46
Theo đề án, đến năm 2025 Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm hạn chế xe máy tại một số tuyến đường trong nội đô. Đến năm 2030 thì sẽ tiến hành thực hiện hạn chế xe máy trên diện rộng. Đề án đã được HĐND TP. thông qua, nhưng không hiểu tại sao Sở Giao thông vận tải lại gấp rút thực hiện như vậy”.

Liên quan đến thông tin sẽ cấm đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương khi tuyến đường sắt đi vào hoạt động, trao đổi với PNVN, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ngạc nhiên, bởi không hiểu tại sao lại Sở Giao thông vận tải Hà Nội “gấp rút” như vậy.

Theo ông Liên, việc hạn chế tiến tới cấm xe máy nằm trong Đề án hạn chế tiến tới giảm dần xe máy đã được đưa ra lấy ý kiến các Sở, Ban, Ngành và được đồng ý. Theo đề án, dự kiến, đến năm 2025 Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm hạn chế xe máy tại một số tuyến đường trong nội đô. Đến năm 2030 thì sẽ tiến hành thực hiện hạn chế xe máy trên diện rộng. Đề án đã được HĐND TP thông qua và bước vào quá trình chuẩn bị.

Ông Bùi Danh Liên,Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

 Ông Liên cho rằng, hạn chế xe máy là chủ trương lớn, cần phải có thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng thì mới có thể triển khai được. Ví như phải chuẩn bị bến bãi gửi xe tại các trạm trung chuyển để người dân dân có chỗ gửi xe máy… Nhưng hiện giờ, Hà Nội hạ tầng giao thông công cộng chưa được bao nhiêu. Trong khi đó, hai tuyến đường dự kiến cấm đều là tuyến đường xương sống, hàng ngày có rất nhiều phương tiện xe máy qua lại. Nếu cấm 1 tuyến đường thì người dân sẽ đổ sang đi tuyến còn lại, gây ra tắc cục bộ. Hiện nay, giờ cao điểm đã tắc rồi thì sau này sẽ còn kinh khủng hơn nữa. Tại tuyến đường lớn đã thế, các ngõ nhỏ thì phương tiện cộng cộng có đi lại được không? Đó là chưa kể, khi cấm xe máy, những gia đình có thu nhập khá cũng xe mua ô tô rồi lại tắc đường. “Tôi không hiểu sao Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại đẩy nhanh tiến độ như vậy”, ông Liên nói.

Về lý do xe máy làm ô nhiễm môi trường, ông Liên cho rằng chỉ đúng một phần. Bởi ngoài xe máy còn có nhiều yếu tố khác gây ô nhiễm, trong đó có ô tô. Thậm chí, ô tô còn tiêu thụ nhiên liệu nhiều hơn. Hơn nữa, ô tô chiếm không gian lớn hơn, gấp 5-6 lần xe máy nhưng chở được ít người hơn. Trên các hình ảnh chụp đưa lên mạng ta thấy, ô tô cũng là thủ phạm tắc đường khi họ đi lấn làn, thậm chí chen cả lên vỉa hè. “Tại sao Hà Nội không cấm ô tô, lại đổ lỗi cho xe máy. Tôi cho rằng Hà Nội chỉ cấm xe máy là có phần ưu ái cho ô tô”, ông Liên nói.

Ô tô hay xe máy là nguyên nhân gây tắc đường?

 Theo ông Liên, muốn hạn chế xe máy thì phải chuẩn bị thực hiện từng bước rồi mới triển khai, chứ không trông sang Trung Quốc hay Singapo. Bởi những quốc gia này họ chỉ cấm khi đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về hạ tầng, đồng thời ý thức người dân cao. Vì vậy, Hà Nội hãy so sánh với Thái Lan, nơi mà chính quyền vẫn để xe máy và ô tô tồn tại song song. Người dân, thấy phương tiện nào thuận tiện thì sử dụng.

Về vấn đề kinh phí để đầu tư phương tiện công cộng khi cấm xe máy, ông Liên cho rằng không đáng lo ngại. Bởi khi đã thực hiện, Hà Nội sẽ trích ngân sách ra triển khai. Nếu không dùng ngân sách thì cũng có thể xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp tư nhân tham gia. “Tôi chỉ đồng ý cấm một số xe máy đã quát nát, xả khói đen sì chứ không thể cấm tất cả xe máy. Vì vậy, trước khi đưa ra quyết định, Hà Nội cần phải chuẩn bị kỹ càng các phương án và nhận được sự đồng thuận của nhân dân”, ông Liên chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm