pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hà Nội: Căng thẳng gia đình trong chiến dịch "ôn thi vào lớp 10"
Ảnh minh họa
"Ma trận" thuốc tăng cường trí nhớ
Hầu như năm nào, đến mùa thi, thị trường thuốc bổ não cũng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều phụ huynh nháo nhào hỏi nhau kinh nghiệm làm thế nào để bồi bổ cơ thể, đồng thời tăng trí nhớ cho con. Trong các hội nhóm, họ đưa ra kinh nghiệm của bản thân về chế độ dinh dưỡng nhưng cũng không quên "xui" nhau mua thuốc "tăng trí nhớ".
Qua khảo sát, trên thị trường hiện nay rao bán rất nhiều loại thuốc "tăng cường trí nhớ". Nguồn gốc xuất xứ cũng hết sức đa dạng, từ hàng trong nước cho đến những hàng nhập khẩu, xách tay từ Mỹ, Australia... Có những sản phẩm như Brain Fuel, Focus R, Ginkgo B with Vinpocetine vốn dĩ vẫn mặc định cho người lớn tuổi, người mắc rối loạn tuần hoàn não… thì nay đã được người bán gắn thêm chức năng "tăng cường trí nhớ" cho sĩ tử.
Đến phố Phương Mai (Q.Đống Đa, Hà Nội), nơi có nhiều cửa hàng bán thiết bị y tế và thuốc Tây, khi nghe tới ai có ý muốn mua "thuốc bổ não, tăng tập trung" cho học sinh ôn thi, các nhân viên nhà thuốc giới thiệu rất nhiệt tình. Một điều đặc biệt, tại cửa hàng bán thuốc này nhân viên cho rằng, đây là thuốc bổ não nên không cần đơn của bác sĩ.
Chị Nguyễn Thanh Tâm (huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng đi tìm thuốc tăng trí nhớ cho con. Chị Tâm chia sẻ: "Cháu nhà tôi năm nay cuối cấp 2, cháu phải học nhiều và rất căng thẳng. Thương con tôi cũng chỉ biết nấu những món ngon và mua thuốc bổ cho con uống. Tôi được một người bạn từng có con đỗ đại học mách nước làm những món bổ dưỡng, tốt cho trí nhớ như ăn cá thu, cá hồi… Bên cạnh đó tôi còn ép con uống các loại thuốc bổ mà thấy họ quảng cáo là "bổ não", tăng trí nhớ. Mỗi tháng tiền thuốc "tăng trí nhớ" cho cháu cũng xấp xỉ 3 triệu đồng, toàn thuốc nhập từ Mỹ. Biết là tốn kém lắm nhưng tôi cũng không tiếc, miễn sao con có chế độ tốt nhất".
Theo chị Tâm, thuốc "tăng trí nhớ" chủ yếu chị mua trên mạng, vì thấy quảng cáo rất hay. Các sản phẩm chủ yếu được quảng cáo là hàng xách tay từ Mỹ, Australia. Đúng như lời chị Tâm, các loại thuốc "tăng trí nhớ" xách tay chủ yếu bán trên mạng Internet. Như trên trang "muathuoctot." có quảng cáo: "Bạn muốn bổ sung chất dinh dưỡng cho não để chống chọi với những kỳ thi căng thẳng sắp tới? Bạn muốn bổ sung nhiều vitamin để tăng cường trí nhớ? Thực phẩm chức năng bổ não, tăng cường trí nhớ cho học sinh và người già - F… phân phối chính hãng từ Mỹ chính là giải pháp tốt nhất cho bạn".
Khi mạng Internet ngày càng trở nên phổ biến với mọi người thì cũng là lúc các bậc phụ huynh như lạc vào "ma trận" với các loại thuốc bổ não. Và khi ấy rất nhiều gia đình đã "nhắm mắt" mua thuốc cho con với ý nghĩ đã là thuốc bổ thì "không bổ chỗ này thì bổ chỗ khác".
Sử dụng các loại thuốc bổ não, an thần hay tăng cường tuần hoàn não thường khiến người dùng có đầu óc tỉnh táo, tập trung cao độ trong thời gian rất ngắn. Tuy nhiên, nguyên tắc của các loại thuốc kích thần kinh là sau giai đoạn kích thích sẽ là sự ức chế, mệt mỏi. Trường hợp sử dụng liên tục, kéo dài còn khiến người dùng phụ thuộc thuốc, thậm chí có thể gây teo não và nhiều tác dụng phụ khác. Các loại thuốc bổ não chỉ dùng với trường hợp thiếu hụt cần bổ sung theo sự chỉ dẫn, kê đơn của bác sĩ.
Có thể thấy, các bác sĩ, chuyên gia về dinh dưỡng đều khẳng định hiện chưa có loại thuốc nào có thể giúp học sinh tăng trí nhớ hay tăng khả năng học tập. Trên thị trường có những loại thuốc bổ não, điều trị sự suy giảm trí nhớ ở người già, người đột quỵ, chấn thương sọ não, Alzheimer... Chính vì thế, trước những "ma trận" mà người bán bày ra, các gia đình cần phải tỉnh táo, cân nhắc thật kỹ trước khi sử dụng cho con em mình.
Con ôn thi, cả nhà phải "đi nhẹ, nói khẽ"
Chị Thu Hà ở quận Ba Đình, Hà Nội, có con thi vào lớp 10 công lập năm nay đã đầu tư cho con đi học thêm nhiều nơi với tiêu chí "đánh nhầm còn hơn bỏ sót". Cố gắng "chạy" theo con nhưng lại có tuổi nên thời gian này, chị Hà thường xuyên rơi vào cảnh mất ngủ, đau đầu với tâm lý thấp thỏm nếu không may con trượt sẽ không biết phải làm sao.
"Những ngày này, khi con đang tập trung ôn thi, dù chồng thích nghe nhạc nhưng tôi không cho phép mở to. Cả gia đình cũng không được ồn ào, lớn tiếng khi con ở nhà, chẳng cần biết con đang học hay đang chơi, miễn là không được làm ảnh hưởng tới tâm lý và việc học của con. Thậm chí, trước đây gia đình tôi thường tụ họp bạn bè, người thân mỗi tuần một lần nhưng từ ngày con ôn thi vào lớp 10, vợ chồng tôi đã cắt hẳn những buổi ăn uống, giao lưu với bạn bè, gia đình để con có không gian yên tĩnh học tập", chị Hà chia sẻ.
Vợ chồng chị đã vài lần to tiếng vì cứ thấy chồng đi làm về là chị lại nhắc nhở anh phải "đi nhẹ, nói khẽ" cho con còn học. Những ngày căng thẳng này, trong nhà chị Hà chỉ còn tiếng bước chân nhẹ nhàng của các thành viên và tiếng cậu con trai lớp 9 thi thoảng cười phá lên khi hoàn thành bài tập. Ngay cả bé út, 4 tuổi cũng được chị Hà cũng gửi sang nhà bà ngoại một thời gian để có không gian yên tĩnh khi con cả ôn thi.
"Việc ăn uống, tôi cũng rất cẩn thận làm những món vừa nhiều chất, vừa đảm bảo dễ tiêu hóa, giúp con có thêm năng lượng. Cũng có những lúc cáu lắm mà vẫn phải cố nhịn khi lạch cạch nấu nướng cả ngày cuối tuần mà tới lúc bê lên phòng, con lại chê không ăn", chị Hà chia sẻ.
Chỉ còn vài tuần nữa kỳ thi vào 10 diễn ra, trước sự căng thẳng của "cuộc đua" vào lớp 10 công lập, ở giai đoạn nước rút, việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và thể chất cho các sĩ tử là vô cùng quan trọng. Vì vậy dù áp lực, phụ huynh và thầy cô cần giúp các em vượt qua giai đoạn này một cách nhẹ nhàng hơn, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho những thử thách phía trước.