Hà Nội: Chốt kiểm soát ùn ứ, người dân lo ngại dịch bệnh

H.Y
09/08/2021 - 17:35
Hà Nội: Chốt kiểm soát ùn ứ, người dân lo ngại dịch bệnh

Chốt kiểm soát thuộc phường Ngọc Khánh (43 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình, Hà Nội) sáng 9/8.​ Ảnh: VOV

Nhiều chốt kiểm soát trong ngày hôm nay (9/8) đã phải tăng cường nhân lực hoặc "xả trạm" cho xe đi qua, xử lý ùn tắc, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chỉ nhắc nhở, chưa xử phạt

Ngoài mẫu giấy đi đường theo quy định, từ ngày 9/8, TP Hà Nội yêu cầu người dân lưu thông trên đường phố phải có thêm lịch trực/lịch làm việc, văn bản phân công nhiệm vụ.

Thực hiện chỉ đạo này, ngày 9/8, hàng trăm chốt kiểm soát cơ động khắp TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra giấy tờ đi đường của người dân. Sự việc dẫn đến tình trạng ù ứ giao thông ở nhiều chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Thậm chí, nhiều chốt phải tăng cường nhân lực hoặc "xả trạm" cho xe đi qua, tránh ùn tắc, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Theo các cán bộ làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát, do công văn chỉ đạo vào tối hôm trước (chủ nhật, ngày 8/8) nên hôm nay (9/8), hầu hết người đi đường đều chưa kịp có lịch trực/lịch làm việc và văn bản phân công nhiệm vụ. Vì thế, lực lực kiểm soát cũng chỉ kiểm tra các giấy đi đường (theo quy định trước đó) và tuyên truyền, nhắc nhở người dân về các loại giấy cần có khi lưu thông trên đường phố theo quy định mới ban hành của thành phố, chứ chưa xử phạt trường hợp nào thiếu giấy đi đường theo quy định mới. Những trường hợp bị phạt là do ra đường không lý do, thiếu/không có giấy đi đường (theo quy định cũ).

Hà Nội: Chốt kiểm soát ùn ứ, người dân lo ngại dịch bệnh - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ, thông tin của người lưu thông qua chốt kiểm soát phòng chống dịch trên phố Lò Đúc, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lo ngại dịch bệnh

Đề cập đến việc kiểm tra giấy đi đường trong những ngày giãn cách xã hội, ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, khuyến cáo, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người giữ chốt là F0. Vì thế, người dân cần tự giác tuân thủ phòng chống dịch Covid-19 bằng việc sẵn sàng các giấy tờ, đứng xa người giữ chốt 2m, không để người giữ chốt sờ vào giấy tờ của mình. Người giữ chốt hiểu biết không đứng sát và sờ vào giấy tờ của người dân vì có thể lây nhiễm cho họ và lây nhiễm cho mình, không sờ vào hiện vật của người dân.

Ông Nguyễn Viết Nhung chia sẻ: "Bệnh viện tôi có bạn đi làm đã có giấy của bệnh viện ban hành, về làng yêu cầu phải có giấy hồng theo quy định của làng, bạn này gặp xuất trình, 2 ngày sau nhận được thông tin người cấp giấy hồng là F0. Nhân viên bệnh viện phải đi xét nghiệm, may mắn kết quả đến nay là âm tính".

Nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại khi việc xuất trình nhiều giấy tờ tại các chốt kiểm dịch ở Hà Nội đã gây tập trung đông người, một số nơi xảy ra tình trạng ùn tắc, tạo môi trường dễ lây lan dịch bệnh, trái với khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Chưa kể Chỉ thị 16 yêu cầu không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách 2m, tuy nhiên để kiểm tra đủ giấy giờ tại các chốt thì không thể thực hiện đúng yêu cầu.

Chị Nguyễn Phương Hà (Q.Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: "Thế này thì vô hình chung các chốt kiểm soát tạo đám đông ùn tắc lại có nguy cơ rất cao lây truyền Covid-19. Mong chính quyền thành phố xem xét lại sao cho vừa kiểm soát được dịch lại vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại vì công việc, kế sinh nhai!".

"Đã có giấy đi đường của cơ quan xác nhận rồi, sao phải có thêm cả giấy trực, lịch phân công công việc nữa? Chưa kể, việc kiểm tra hết số giấy tờ trên vừa mất thời gian, gây ùn tắc, vừa tăng việc tiếp xúc tại các chốt kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao", chị Tô Lan Hương (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho hay.

Trước đó, tối 8/8, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ra công văn về việc siết chặt cấp và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội. Trong đó, ngoài mẫu giấy đi đường theo qui định cũ, người đi đường cần xuất trình các giấy tờ: Căn cước công dân/Chứng minh thư nhân dân; Lịch trực/lịch làm việc; Văn bản phân công nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, về cơ bản các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt việc cấp Giấy đi đường nhưng vẫn có nhiều trường hợp cấp và sử dụng Giấy đi đường không đúng mục đích, không đúng đối tượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm