Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội (Bài 3): Từ thiếu trường học đến quá tải công việc ở cơ sở

Cảnh Dũng-Hải Yến
29/08/2022 - 14:31
Hà Nội: Quá tải chung cư và những hệ lụy xã hội (Bài 3): Từ thiếu trường học đến quá tải công việc ở cơ sở

Cả phường Hoàng Liệt chỉ có một trường mầm non công lập, dẫn đến việc năm học 2022-2023 quá tải hồ sơ đăng ký và phải bốc thăm may rủi.

Câu chuyện bốc thăm “may rủi” để được vào trường mầm non công lập tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) có lẽ là chuyện chưa từng có. Đáng nói hơn, đây chỉ là một trong nhiều hệ lụy nảy sinh từ tình trạng quá tải dân cư khi các tòa chung cư cao tầng thi nhau mọc lên ở Thủ đô.

Số trẻ vào lớp 1 ở phường Hoàng Liệt tương đương với sĩ số của một trường tiểu học

Theo thống kê, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đang có dân số đông "kỷ lục" ở Hà Nội với 9,2 vạn người. Dân số đông trong khi hạ tầng chưa đồng bộ dẫn đến việc quá tải trường. Là phường duy nhất ở Hà Nội có 3 trường tiểu học, 2 trường THCS và 1 trường mầm non, 4 cơ sở nhưng chừng đó vẫn còn quá ít so với số học sinh tại phường.

Ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cho biết, mỗi năm, phường thực hiện thủ tục khai sinh cho khoảng 1.200-1.600 cháu, có năm lên đến 2.000 cháu. Số trẻ chào đời tương đương với số trẻ đến trường. Năm học 2022-2023, số trẻ vào lớp 1 tại phường Hoàng Liệt là 1.628 cháu, tương đương với sĩ số của một trường tiểu học.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, một trường tiểu học có 30 lớp, một lớp không quá 35 trẻ nhưng thực tế tại 3 trường tiểu học công lập ở Hoàng Liệt, số lớp và sĩ số trong một lớp đều vượt xa quy định. Cụ thể, 3 trường tiểu học đang có 7.588 trẻ, vượt khoảng 2,5 lần. Để tiếp nhận được hết số học sinh trong độ tuổi, các trường phải trưng dụng tối đa các phòng chức năng làm phòng học.

Riêng khối mầm non năm nay khiến lãnh đạo phường cũng như Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai "đau đầu" khi số cháu đăng ký vào trường mầm non Hoàng Liệt vượt chỉ tiêu 380 hồ sơ. Trước tình thế này, giải pháp được đưa ra là tiến hành bốc thăm "may rủi" vào ngày 28/8.

Hiện nay, trên địa bàn phường Hoàng Liệt có 8.155 trẻ em trong độ tuổi mầm non, trong đó có 6.611 trẻ từ 2 đến 5 tuổi nhưng chỉ có 1 trường mầm non công lập, 5 trường mầm non ngoài công lập và 79 cơ sở mầm non. Trong những năm gần đây, số trẻ mầm non đi học tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt chiếm 82% số trẻ trên địa bàn.

Thiếu trường học trầm trọng

Việc thiếu trường học cũng đang rất "nóng" tại quận Hà Đông, Hà Nội. Vào tháng 6 vừa qua, Tổ đại biểu số 10 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội giám sát chuyên đề về tiến độ xây dựng dự án trường học trong các khu đô thị mới tại quận Hà Đông đã chỉ ra nhiều vấn đề.

Theo quy hoạch, quận Hà Đông có 22 dự án trường học trong các khu đô thị mới nhưng đến nay chưa đến một nửa số trường được hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo tính toán, trung bình mỗi năm, số học sinh trên địa bàn quận Hà Đông tăng 6.000-7.000 học sinh. Sự gia tăng nhanh chóng này đã kéo theo sĩ số học sinh trong một lớp học trên địa bàn khá cao, trung bình 60 học sinh/lớp, nhóm trẻ.

Nói về chất lượng cuộc sống thì chuyện ăn - ở - đi lại - học hành là những nhu cầu chính đáng. Tại sao giữa Thủ đô lại có chuyện trẻ em đến tuổi đi học mà phải bốc thăm xem có được vào trường học hay không? Trong khi trẻ em nông thôn còn có chỗ vui chơi thì trẻ em thành phố luôn thiếu khu vui chơi giải trí. Vậy chất lượng cuộc sống ở đâu khi mà chúng ta thiếu đủ thứ ở Thủ đô như vậy?”.

PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa dự báo, với tốc độ di dân cơ học như hiện nay, trong khi các dự án trường chậm tiến độ, 5 năm tới, quận sẽ thiếu trường học trầm trọng. UBND quận Hà Đông đề nghị các chủ đầu tư sớm hoàn thiện thủ tục pháp lý để hoàn thành việc xây dựng trường học theo quy định. Đối với các dự án trường còn vướng mắc, các sở, ngành của thành phố và quận sẽ có giải pháp tháo gỡ để sớm hoàn thiện xây trường, đưa vào phục vụ dạy học.

Cán bộ phường chỉ mong mỗi ngày có thêm 2-3 tiếng

Trở lại với câu chuyện dân số phát triển "nóng" tại phường Hoàng Liệt, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, cho biết phường chỉ có 14 công chức và 5 cán bộ đoàn thể. Theo quy định, phường có tổng cộng 21 người nhưng hiện vẫn thiếu 2 vị trí. Địa bàn quá đông dân cư, công việc nhiều nên nhiều thời điểm "quá tải".

Một cán bộ hành chính phường Hoàng Liệt tâm sự rằng, chị không mong tăng lương hay có thêm những đãi ngộ. Chị chỉ ước mỗi ngày kéo dài thêm 2-3 tiếng đồng hồ để chị và các cán bộ ở phường có thêm thời gian hoàn thành công việc.

Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên hình ảnh một nữ cán bộ Y tế ở phường Hoàng Liệt đã bật khóc khi trả lời báo chí vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Lúc đó, 11 cán bộ Y tế phường phải "xoay như chong chóng" để phục vụ cho hàng nghìn người dân rồng rắn xếp hàng chờ xét nghiệm. Sau đó, mỗi ngày, trạm Y tế phường phải tiếp nhận hơn 1.000 người xin dấu xác nhận F0 hoàn thành thời gian cách ly. Có ngày cao điểm, trạm Y tế phường tiếp 1.721 người.

Một cảnh sát khu vực phụ trách khoảng 2.000 nhân khẩu

Trong khi đó, cán bộ Cảnh sát khu vực của Công an phường Hoàng Liệt cũng vất vả hơn những nơi khác. Một Cảnh sát khu vực phụ trách tại chung cư HH Linh Đàm phải quản lý 3 tòa, tương đương khoảng 700 hộ, với khoảng 2.000 nhân khẩu.

Thời điểm cư dân mới về, việc làm thủ tục khai báo tạm trú, tạm vắng khiến cán bộ ở đây mệt "bở hơi tai". Ngoài việc tiếp dân tại trụ sở Công an phường theo quy định, nhiều hôm buổi tối, Cảnh sát khu vực phải tiếp dân tại nhà văn hóa đến nửa đêm mới giải quyết được hết công việc.

Khó khăn không kém là phường Đại Kim (quận Hoàng Mai). Ông Phạm Hải Bình, Bí thư Đảng ủy phường Đại Kim, cho biết, dân số của phường hiện lên đến gần 6 vạn người. Trên địa bàn phường có khoảng 40 chung cư đang vận hành và sắp tới có thêm hàng chục chung cư sẽ tiếp tục mọc lên. "Theo quy định, số cán bộ của phường là 21 người nhưng công việc rất lớn. Mỗi năm, bộ phận một cửa phải giải quyết hàng chục nghìn hồ sơ, thủ tục hành chính", ông Bình chia sẻ.

Cũng theo ông Bình, hiện trên địa bàn phường có nhiều tổ dân phố lên đến 700 hộ/tổ. Tổ dân phố quy mô lớn hơn trước nhưng chỉ có Bí thư chi bộ và Tổ trưởng tổ dân phố. Trước đây, có 2 tổ phó nhưng quy định mới chỉ những nơi cần thiết mới có một tổ phó nhưng không có phụ cấp.

"Các hộ dân sống tại chung cư cao tầng hầu hết là người trẻ tuổi, ngày họ đi làm, tối mới về. Muốn tiếp cận được với cư dân, muốn đi tuyên truyền, vận động trực tiếp phải đi buổi tối. Nhiều tòa muốn đi phải có thẻ... Phường Đại Kim hiện có 40 tòa chung cư đã đi vào hoạt động. Theo quy hoạch trên địa bàn phường sẽ có trên 60 tòa. Lúc đó, dân số sẽ tăng lên rất nhiều", ông Bình chia sẻ.

Bài sau: Giải pháp nào cho những khu vực quá tải dân cư?
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm