Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ

Hải Linh (thực hiện), Ảnh: PNHT
12/06/2024 - 10:59
Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ

Nhiều mô hình kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể như Tổ hợp tác, Hợp tác xã ở huyện Kỳ Anh do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả

Đây là chia sẻ của chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh về bí quyết triển khai hiệu quả, thành công Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trên địa bàn huyện thời gian qua.

PV: Huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) là một trong những địa phương đã triển khai sớm, hiệu quả và thành công "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" ở địa bàn nông thôn thời gian qua. Vậy xin chị cho biết, cách triển khai Đề án này ở Hội LHPN huyện nhà có gì đặc biệt? 

Chị Phạm Thị Hương: Thời gian qua, Hội LHPN huyện Kỳ Anh đã tập trung triển khai nghiêm túc và hiệu quả "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" đến cơ sở Hội và hội viên, bằng nhiều hình thức linh hoạt, phong phú. Qua đó, đề án đã thu hút đông đảo hội viên tham gia hưởng ứng.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội LHPN huyện chúng tôi rất chú trọng công tác tuyên truyền. Ví như, Hội đã thông qua các đợt sinh hoạt Chi hội, tổ, nhóm, CLB và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, zalo, Fecebook... về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, nhằm tạo sự tự tin, khích lệ các hội viên mạnh dạn phát triển kinh tế.

Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ - Ảnh 1.

Hội LHPN huyện tích cực hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia các hội chợ, lễ hội giới thiệu, quarng bá và tiêu thụ các sản phẩm ở địa phương

Đồng thời, Hội tăng cường nêu gương điển hình tiêu biểu về phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, quảng bá giới thiệu các mô hình tiêu biểu do phụ nữ làm chủ ở địa phương. Hội LHPN huyện cũng phối hợp với Hội LHPN tỉnh và các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, tổ hợp tác, HTX, mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ về ứng dụng công nghệ vào sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, pháp luật trong kinh doanh, văn minh thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh tế tuần hoàn…

Chúng tôi cũng tăng cường hỗ trợ các hội viên, cơ sở có ý tưởng tham gia Hội thi "Phụ nữ khởi nghiệp" nhằm thực hiện hóa ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh. Hỗ trợ các cơ sở tham gia các hội chợ, lễ hội giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm ở địa phương. Tổ chức các hội thi, diễn đàn để các nữ chủ doanh nghiệp, các mô hình kinh tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong tầng lớp phụ nữ.

PV: Những thành công từ "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" thời gian qua đã tác động đến nền kinh tế địa phương nói chung, cũng như bản thân các nữ chủ doanh nghiệp, nữ chủ cơ sở sản xuất tại địa phương thế nào, thưa chị?  

Chị Phạm Thị Hương: Hoà chung với phong trào khởi nghiệp, các cấp Hội LHPN huyện Kỳ Anh luôn đồng hành, hỗ trợ, khuyến khích phụ nữ thuộc mọi thành phần, lứa tuổi, ngành nghề, đặc biệt là chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật vươn lên, tự tin tham gia vào làn sóng quốc gia khởi nghiệp, làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội.

Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ - Ảnh 2.

Tất cả nguyên liệu thu mua sản phẩm trên địa bàn huyện Kỳ Anh đều được hợp đồng liên kết với đại diện hội viên phụ nữ

Theo đó, nhiều mô hình kinh tế tư nhân do nữ làm chủ, kinh tế tập thể như Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, chị em quan tâm đến từng quy trình xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chuỗi giá trị sạch, trong đó phải kể đến các mô hình tiêu biểu như: Mô hình chế biến dược liệu của cơ sở Dung Nguyễn (xã Kỳ Thư) với các sản phẩm như: Trà mầm ngũ cốc đạt OCOP 3 sao, tinh dầu lá xông đạt OCOP 3 sao,.... Quy mô cơ sở sản xuất 400 m2 (đầu tư đồng bộ máy móc thiết bị, như: Máy sấy lạnh, máy đóng chai tự động, máy hút chân không,...). doanh thu đạt 3.400 triệu đồng. Sản lượng nguyên liệu liên kết sản xuất và thu mua với các hộ dân là 6 tấn nông sản và dược liệu như sả, hương nhu, ngải cứu, tía tô, hoặc hương, bạc hà, khuynh diệp, quýt tắc, mật ong, nụ nhài, đậu các loại,….

Tất cả các nguyên liệu thu mua trên địa bàn huyện đều được hợp đồng liên kết với đại diện hội viên phụ nữ, người dân ở các thôn, xã hoặc thông qua Hội LHPN các xã để thu mua theo định kỳ. Mô hình giải quyết việc làm thường xuyên cho 5-7 lao động, với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Đến nay, toàn huyện Kỳ Anh đã có 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Trong đó, có 12 mô hình do nữ làm chủ. Nhờ đó, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 48,90 triệu đồng/người/năm (tăng 33,9 triệu đồng/người/năm so với năm 2011); tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2,81%, hộ cận nghèo còn 4,76%.

Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ - Ảnh 3.

Đến nay, toàn huyện Kỳ Anh đã có 19 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó 17 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao

Sau 7 năm thực hiện Đề án, các cấp Hội huyện Kỳ Anh đã tiếp nhận hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp/kinh doanh của phụ nữ đăng ký dự thi; lựa chọn, xét duyệt, phân loại trên 30 ý tưởng có tính khả thi gửi tham gia và đạt giải cao các cuộc thi cấp Tỉnh, Trung ương. Nhiều ý tưởng thể hiện tính sáng tạo, cải tiến trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường... có khả năng đem lại lợi ích cho phụ nữ và cộng đồng. Thông qua đó góp phần giúp những người phụ nữ nông dân vốn chỉ quen với ruộng vườn, nội trợ hoặc buôn bán nhỏ trở thành những người làm kinh tế thực thụ và làm chủ cuộc sống.

PV: Nhờ những nỗ lực, các chị em đã đạt được những thành công như hôm nay. Vậy trong quá trình triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ở địa phương, Hội LHPN huyện Kỳ Anh có gặp khó khăn gì không, thưa chị?  

Chị Phạm Thị Hương: Trong quá trình triển khai hiện Đề án, việc nhận thức của một số cán bộ, hội viên, phụ nữ về tầm quan trọng của việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, người dân vẫn chưa mạnh dạn liên kết, hợp tác với nhau, tạo mô hình kinh tế tập thể bền vững để tạo vùng nguyên liệu an toàn, ổn định trên thị trường. Từ đó dẫn đến thị trường đầu ra cho một số sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn lực của Hội còn hạn chế, chủ yếu vẫn là công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ cho vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật…. Vì thế so với thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ.

Cùng với đó, ở một số nơi, hội viên phụ nữ chưa mạnh dạn xây dựng, phát triển mô hình kinh tế hoặc còn phụ thuộc vào gia đình. Một số chị em thiếu kiến thức, kỹ năng sản xuất, tổ chức kinh doanh, chủ yếu tập trung mô hình nhỏ lẻ, kinh tế hộ, manh mún; chưa đầu tư công nghệ, kỹ thuật hiện đại vào sản xuất…

PV: Để khắc phục khó khăn và mở rộng mô hình kinh tế tập thể, khởi nghiệp ở địa phương ổn định lâu dài như mong muốn, theo chị, thời gian tới Hội LHPN huyện có kế hoạch gì?

Chị Phạm Thị Hương: Trong thời gian tới, để thực hiện hiệu quả hơn "Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", Hội LHPN huyện Kỳ Anh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

Phối hợp với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cung cấp thông tin, tư vấn hỗ trợ phụ nữ phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị hiếu thị trường; vận động phụ nữ tích cực tham gia mô hình kinh tế theo chuỗi gia trị, chú trọng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm an toàn.

Hà Tĩnh: Tạo diễn đàn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong các tầng lớp phụ nữ - Ảnh 4.

Hội LHPN huyện tích cực hỗ trợ chị em để các mô hình kinh tế, doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ làm chủ có cơ hội tiếp cận các chính sách của tỉnh Hà Tĩnh

Phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực hỗ trợ chị em để các mô hình kinh tế, doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ làm chủ tiếp cận được các chính sách của tỉnh Hà Tĩnh.

Nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp, HTX, THT do phụ nữ làm chủ phát triển bền vững, chất lượng. Từ đó, giúp chị em hình thành tư duy phát triển kinh tế "mở", năng động, sáng tạo hơn trong quá trình vươn lên làm giàu, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.

Huy động nguồn lực, tổ chức tập huấn chuyển tải các chính sách, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho phụ nữ. Phối hợp mở rộng liên kết đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm theo nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, Hội tiếp tục trang bị cho chị em phụ nữ những kiến thức về quản trị kinh doanh, về kỹ năng tìm kiếm và tiếp cận thị trường, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh; kỹ năng bảo vệ quyền lợi thành viên khi tham gia các chuỗi giá trị kinh tế tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm