Hạnh phúc đâu chỉ của riêng mình

Bài, ảnh: Ánh Minh
08/09/2020 - 13:29
 Hạnh phúc đâu chỉ của riêng mình

Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam

Dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nhiều "chiến sĩ áo trắng" đã xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Họ bất chấp mọi khó khăn, hiểm nguy, thậm chí hy sinh hạnh phúc riêng, tất cả cho cuộc chiến với niềm tin tiêu diệt "giặc" Covid-19, đem lại sự bình yên cho cộng đồng.

Hạnh phúc chính là ngày chiến thắng đại dịch

Hạnh phúc lớn nhất, đối với nhiều cô gái, là được một lần khoác lên mình bộ váy cưới lộng lẫy, được rạng rỡ bước lên xe hoa về nhà chồng với sự chúc phúc của bạn bè, đồng nghiệp, họ hàng. Hạnh phúc là ngày tình yêu chính thức đơm hoa kết trái, là ngày mà cô gái xinh nhất, rạng rỡ nhất.

Ấy vậy mà nữ điều dưỡng N.T.T.N. (nhân vật xin không nêu tên) của Bệnh viện đa khoa Khu vực Quảng Nam đành gác lại hạnh phúc ấy, để xung phong lên tuyến đầu chống dịch, mặc dù thiệp cưới đã gửi đi, khách đã mời. Chỉ còn vài ngày nữa là chị đến ngày lên xe hoa về nhà chồng.

Hơn ai hết, chị hiểu rõ tầm quan trọng của "cuộc chiến" chống Covid-19 lần này nhiều khó khăn, thậm chí có thể đối diện với nguy hiểm. Nhưng không chút do dự, chị N.T.T.N. đã động viên và được sự đồng ý của người chồng sắp cưới, chị đăng ký tham gia vào Khu điều trị bệnh nhân dương tính SAR-CoV-2 thuộc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Quảng Nam trước sự ngỡ ngàng của hai bên gia đình.

Khi được đồng nghiệp kể về câu chuyện của chị, chúng tôi hỏi, lý do nào khiến chị quyết định như vậy, chị N.T.T.N. nói: "Sự hi sinh của tôi chẳng là gì so với những cống hiến của các anh chị đồng nghiệp. Hạnh phúc của tôi lúc này là được nhìn thấy người bệnh khỏe mạnh để về với gia đình. Cuộc chiến lần này nhiều cam go, khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng chúng tôi không hề nao núng tinh thần. Chúng tôi không sợ nhiễm bệnh, chỉ sợ không có ai lo cho bệnh nhân, không được chia sẻ với đồng nghiệp. Thấy các đồng nghiệp đang "oằn mình" chống dịch, tôi không thể không đau. Tôi sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chăm sóc người bệnh, dù ở bất cứ đâu, khi nào. Tôi xác định, sẽ cống hiến hết khả năng của mình và hết dịch sẽ trở về với gia đình, với người tôi yêu. Ngày hạnh phúc của vợ chồng tôi sẽ là ngày chúng ta cùng nhau chiến thắng đại dịch này. Hạnh phúc đâu chỉ nhận cho riêng mình. Tôi tin anh ấy sẽ chờ!".

 Hạnh phúc đâu chỉ của riêng mình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: ST

Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng

Ngay khi có Quyết định của Bộ Y tế (ngày 1/8) về việc điều trị cho tất cả bệnh nhân dương tính trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam "lên dây cót" chuẩn bị nguồn nhân lực, trang thiết bị thiết yếu cho "cuộc chiến" chống Covid-19 bắt đầu bước vào giai đoạn đỉnh điểm. Nhận nhiệm vụ vào "vùng đỏ", tức khu vực điều trị cho bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Lê Tấn Ninh, người trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhân dương tính với SAR-Cov-2 tại Khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, chỉ kịp chạy về lấy vội dăm ba bộ đồ, một vài vật dụng cá nhân và báo cho vợ. Vợ anh là bác sĩ đa khoa công tác tại Trung tâm Y tế huyện Phú Ninh. Mỗi khi trực đêm chị phải gửi hai con nhỏ cho ông bà nội chăm sóc. Gác lại nỗi lo gia đình, anh động viên, dặn dò vợ con dăm ba tiếng rồi vội vã xách túi vào bệnh viện. "Không chỉ bản thân tôi, mà kể cả những đồng nghiệp, ở tình thế "căng như dây đàn", chúng tôi xác định bệnh viện là nhà, mọi lo toan xin tạm gác lại. Ngoài công việc chuyên môn, chúng tôi còn là chỗ dựa tinh thần cho bệnh nhân, bởi lúc này, không người thân bên cạnh, họ rất đơn độc và lo sợ. Nhất định không để một ai đó bị bỏ lại phía sau trong đợt dịch bệnh này", bác sĩ Ninh chia sẻ.

Chiến trường nào cũng có gian khổ, trận chiến nào cũng có những mất mát hy sinh. "Chiến trường" chống Covid cũng vậy. Việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 rất dễ gây lây nhiễm chéo, chỉ cần một chút sơ suất nhỏ là nhân viên y tế có thể từ F1 trở thành F0. Nhưng các y, bác sĩ không xem đây là nỗi lo sợ của bản thân mà là cơ sở để thao tác kỹ thuật chuẩn hơn, chính xác hơn. Là đồng nghiệp với bác sĩ Ninh, ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến chống dịch, bác sĩ N.T.H (xin được giấu tên) xác định tâm lý rõ ràng rằng sẽ tiếp xúc với các bệnh nhân có nguy cơ nhiễm cao. "Lo thì cũng có lo nhưng không thấy sợ. Lo là vì nếu không may mình mắc bệnh sẽ lây ra cho cả tập thể, cả khoa, cả bệnh viện, rồi ai sẽ làm việc. Chính lẽ này chúng tôi càng phải cẩn thận hơn, quyết tâm hơn, phải làm đúng quy trình để không bị lây nhiễm chéo", anh tâm sự.

Bác sĩ Lại Thị Hiệp, một bác sĩ trẻ đang công tác tại Trung tâm y tế huyện Quế Sơn, đã bỏ qua sự an toàn của bản thân, sự lo lắng của người thân để tham gia "cuộc chiến" đầy cam go này. Để động viên ba mẹ, chị kể cho họ nghe về những gương sáng trong ngành, những tấm lòng của bà con từ mọi miền đất nước hướng về quê hương. "Em còn trẻ, chưa có gánh nặng về gia đình, con cái nên em không thể đứng ngoài cuộc. Tuổi trẻ nếu không làm được việc gì có ích cho xã hội thì phí lắm", Hiệp bộc bạch.

"Tất cả vì người bệnh, vì cộng đồng. Chúng tôi đi làm vì các bạn, các bạn hãy yên tâm vì đã có chúng tôi". Đó là lời nhắn nhủ của điều dưỡng Hoàng Thị Thủy, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam. Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, chị đã gửi 2 con nhỏ của mình về cho ông bà. Chị hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức của mình để những người bệnh sớm khỏi bệnh, hồi phục sức khỏe, về với gia đình. Nhiều lúc, con gọi điện khóc đòi mẹ, nước mắt chực trào nhưng chị cố nuốt ngược vào trong, lòng chỉ muốn chạy về ngay bên con, ôm hôn con cho thỏa nỗi nhớ. "Mỗi ngày chúng tôi đều nhận được cuộc gọi, tin nhắn của bạn bè, người thân, đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc động viên. Đó là những điều chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng và là động lực cho chúng tôi khi đang trên trận tuyến", điều dưỡng Thủy cho biết thêm.

Chị Thủy chia sẻ, những bệnh nhân nhiễm bệnh họ rất hoảng sợ, tâm lý bất ổn, có người khóc lóc, có người lo lắng dẫn đến mất ngủ, có người u sầu không nói chuyện. Hơn lúc nào hết, tinh thần rất quan trọng. Cán bộ y tế phải trấn an, động viên để họ an tâm điều trị. "Nhất định phải lạc quan và mạnh mẽ. Hãy xem người bệnh như người thân của mình, nỗi đau của người bệnh cũng như nỗi đau của chính mình", chị Thủy nói.

Trong bộ đồ bảo hộ kín mít, thêm 2 lớp kính, mồ hôi và hơi thở phả lên làm cay xè hai mắt, bác sĩ Lê Anh Nhật, Đội trưởng Đội cơ động phản ứng nhanh số IV trong phòng chống Covid-19, cho biết: "Một ngày làm việc của đội liên tục từ sáng đến tối, giữa trưa chỉ có hơn nửa tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để ăn cơm. Khi mặc bảo hộ, nước cũng không dám uống vì phải hạn chế đi vệ sinh. Cường độ làm việc nhiều, thời tiết nắng nóng, thêm bảo hộ chật chội, vậy mà từ khâu xử lý môi trường đến lấy mẫu bệnh phẩm, ai cũng hết mình vì mong" cuộc đua" truy vết F sớm về đích. Tối về, người mệt lả nhưng chúng tôi động viên nhau phải cố ăn lấy sức để ngày mai chiến tiếp".

Là 1 trong số 48 sinh viên trường Cao đẳng y tế Quảng Nam tham gia tình nguyện phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Duy Xuyên đợt này, em Võ Thị Ánh Ngọc, quê Thăng Bình, đã cố thuyết phục ba mẹ cho em được tham gia. Ngọc tâm sự: "Bản thân em cũng có phần lo lắng vì xác định tham gia là phải tiếp xúc với người bệnh, công việc lại chưa được trải nghiệm bao giờ. Tuy nhiên, nếu lần này em không vượt qua được, chứng tỏ em đã chọn sai nghề. Vì vậy, em quyết định tham gia và thực sự em rất bất ngờ khi được hòa nhập cùng môi trường làm việc với các anh chị đi trước. Có lẽ đây là trường học thực tế quý giá nhất trong đời em".

Mỗi bệnh viện, mỗi địa phương là một pháo đài vững chắc, mỗi cán bộ y tế là một chiến sĩ trên tuyến đầu mặt trận chống dịch Covid-19. Tin rằng với nhiều tấm gương đầy nhiệt huyết, dũng cảm, không quản ngại vất vả, khó khăn, nguy hiểm trên "trận chiến" chống dịch, Quảng Nam sẽ chiến thắng đại dịch, góp phần cùng cả nước chặn đứng dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm