pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình của nỗi nhớ
Bước ra vùng an toàn để trưởng thành hơn. Ảnh minh họa
Có người còn tò mò và gián tiếp hỏi liệu có phải tôi bị đuổi việc hay không. Ở độ tuổi 30, theo lẽ thông thường thì người ta sẽ cần một thứ gì đó ổn định, một công việc đều đặn. Nhưng tôi thì muốn tìm cho mình một điều gì đó mới mẻ hơn để kết thúc một giai đoạn đẹp trong đời.
Bạn nghĩ có bao nhiêu người yêu thích công việc của họ?
Tôi nghĩ mọi người đi làm phần lớn là hướng về tiền bạc, dù họ có nói ra điều đó hay không. Tiền chắc chắn tạo ra đam mê trong công việc, dù đó là việc gì đi chăng nữa. Bạn không thể theo đuổi cả đời một sự nghiệp mà không đem lại cho mình doanh thu thể hiện qua những con số. Có những người chấp nhận làm công việc mà ban đầu họ không thích chỉ vì lương cao. Rồi lâu dần, họ trở nên yêu thích công việc đó giống như một thói quen không thể bỏ.
Thời của chúng tôi, việc giáo dục định hướng nghề nghiệp là một khái niệm mơ hồ. Việc của học sinh là học, học đều tất cả các môn và học xong thì mới quyết định được mình nên đi làm gì. Tôi vẫn nhớ như in trong quan niệm ngày ấy, những công việc nghe hay ho như họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, tóm lại là nghệ sĩ trong ngành nghệ thuật thì không ra tiền, phải làm kinh doanh, ngân hàng - những công việc nghe có cảm giác khô khan - thì mới có nhiều tiền. Cách giáo dục thời ấy khiến thế hệ tôi có suy nghĩ là phải lựa chọn việc đam mê nhưng không có tiền hoặc khô khan nhưng ra nhiều tiền. Ngày nay quan niệm có lẽ cũng đã thay đổi nhưng tôi tin chắc là không nhiều.
Với thế hệ cha ông của tôi, những ai làm nhà nước sẽ vẫn trung thành cống hiến hàng chục năm, nhặt nhạnh từng đồng nhỏ để tích góp. Nhưng nay, tôi thấy nhiều người trẻ có suy nghĩ khác. Nếu gặp thời, họ tranh thủ kiếm thật nhiều tiền để đến khi thời qua hoặc khi đã có một khoản đủ nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang hoạt động ở một lĩnh vực khác chứ không gắn bó mãi với một công việc trong suốt sự nghiệp của mình.
Tuy nhiên, có những người sinh ra để đứng trong một tập thể, một bộ máy và hoạt động đồng đội thay vì cá nhân. Nhờ có họ thì xã hội mới tạo ra được những giá trị vật chất để con người hưởng thụ. Có đi qua thời kỳ dịch bệnh mới thấy những người làm các công việc cơ bản về sản xuất trong nhà máy, xí nghiệp hay dịch vụ thiết yếu là rất quan trọng. Họ là thành phần chủ chốt giữ cho bộ máy của cuộc sống được cân bằng và vận hành theo đúng cách.
Tôi yêu thích công việc làm báo từ những ngày đầu. Nó đem lại cho tôi cơ hội được kể chuyện qua những bài viết, được đi đây đi đó, được giao tiếp với mọi tầng lớp xã hội. Nhưng lâu dần, tôi thấy bản thân mình bị cũ đi, giống như một chiếc điện thoại cổ chỉ có chức năng nghe, gọi và nhắn tin. Tôi quyết định thay đổi để ít nhất, tự bản thân mình phải được nâng cấp hơn, dù người khác nhìn vào có thể thấy quyết định nghỉ việc, từ bỏ sự nghiệp đang ở đỉnh cao phong độ là sai lầm.
Nếu không bước ra vùng an toàn thì chúng ta không bao giờ biết được giới hạn khả năng của mình nằm ở đâu. Và nếu đủ can đảm từ bỏ một thói quen, ta sẽ học được cách thích nghi khi bước sang môi trường mới đặt chân tới những nơi khắc nghiệt hơn để trưởng thành.
Hồi mới nghỉ việc, tôi bị mất ngủ trong gần một tháng, dù tâm lý rất thoải mái vì được nghỉ xả hơi sau gần chục năm cống hiến hết mình cho công việc. Đêm về, lên giường là mắt lại mở thao láo, có lẽ là do nhịp sinh học bỗng dưng thay đổi và cơ thể cần thời gian để quen với lịch mới. Nhưng sau đó, tôi có cơ hội thử theo đuổi những thứ mình thích mà trước đây chưa làm, ví dụ như viết sách, đi dạy học. Trong tương lai, có thể tôi sẽ thử làm kinh doanh chẳng hạn. Điều quan trọng là chúng ta phải làm việc.
Không ai biết trước được điều gì vì ngay đến thói quen mỗi ngày, chúng ta cũng thay đổi theo từng giai đoạn. Có những người phải mất cả đời mới biết mình lựa chọn sai công việc, dù gắn bó với nó rất lâu.
Nhà văn người Nhật Bản, Haruki Murakami, từng viết trong cuốn "Tôi nói gì khi nói về chạy bộ" rằng từ tiểu học lên đến đại học, ông chưa hề hứng thú với những thứ buộc phải học. Nhưng khi tự học dịch một mình, ông theo phương pháp vừa học vừa làm thực tế. Kết quả là: "Phải mất rất nhiều thời gian mới đạt được một kỹ năng theo cách này, và phải trải qua rất nhiều lần thử và sai, nhưng cái gì đã học được sẽ ở lại với ta mãi".
Murakami cũng viết rằng khi trở thành nhà văn chuyên nghiệp và đóng cửa quán rượu, ông cũng thay đổi thời gian sinh hoạt từ hoạt động khuya thành ngủ sớm, dậy sớm và tới sau tuổi 33, ông còn trở thành một vận động viên chạy marathon chuyên nghiệp.
Chúng ta được sinh ra để sống và làm việc, với những thói quen thay đổi liên tục để rồi khi bước sang giai đoạn mới và nhìn lại, đó chỉ còn là hành trình của nỗi nhớ.