Hành trình rực rỡ của cô gái một chân làm nghề điêu khắc gỗ

Mai Liên
24/03/2023 - 07:25
Hành trình rực rỡ của cô gái một chân làm nghề điêu khắc gỗ
Thân hình gầy gò, yếu ớt, lại mất một bên chân, thế nhưng Trịnh Thị Liên vẫn nỗ lực trở thành nghệ nhân điêu khắc gỗ mỹ nghệ, truyền cảm hứng cho nhiều người.

Trịnh Thị Liên sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Thụy Nội, xã Yên Lương, huyện Ý Yên, Nam Định. Cô gái sinh năm 1990 này có một tuổi thơ buồn khi bị mất một chân. Kể về đôi chân không lành lặn của mình, Trịnh Thị Liên cho biết, cô mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, Liên đã yếu ớt, xanh xao. Đến khi biết đi, Liên tập tễnh đi lại trên chiếc nạng gỗ, lúc bấy giờ mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào bố mẹ và anh chị.

Là người ham học, thế nhưng đến lớp 2, căn bệnh xương thủy tinh quái ác hành hạ khiến Liên phải nghỉ học, bố mẹ phải đưa đi khắp các bệnh viện chữa trị và đến lớp 4 đành nghỉ hẳn. Thế nhưng, sóng gió chưa dừng lại ở đó, năm 2015, một bên chân của Liên bị hoại tử, bác sĩ phải cắt bỏ. Từ đó, cô gái 9X rơi vào những tháng ngày tuyệt vọng. Cơ thể khiếm khuyết, khác biệt với bạn bè cùng trang lứa, Liên trở thành chủ đề bàn tán của mọi người qua những cái nhìn soi mói.

Đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng chứng kiến người thân tận tâm chăm sóc mình, Liên đã nghĩ: "Mình không thể trở thành người thừa của xã hội, phải làm một công việc gì đó để tự nuôi sống bản thân và phụ giúp bố mẹ có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đôi chân mình không lành lặn, nhưng mình vẫn còn đôi tay, mình cảm thấy công việc điêu khắc mỹ nghệ rất phù hợp và mình quyết tâm theo học".

Trịnh Thị Liên điêu khắc gỗ tại trường quay của chương trình "Trạm yêu thương" (lên sóng vào 10h ngày 25/3 trên kênh VTV1)

Trịnh Thị Liên điêu khắc gỗ tại trường quay của chương trình "Trạm yêu thương" (phát sóng 10h ngày 25/3 trên kênh VTV1)

Cơ thể chưa đến 30 kg, tay chân yếu ớt, đặc biệt là xương có thể bị va đập, gãy vỡ bất cứ lúc nào nên bố mẹ ra sức ngăn cấm Liên theo đuổi công việc điêu khắc gỗ. Thế nhưng cô gái nhỏ bé chưa bao giờ nhụt chí, vẫn kiên trì thuyết phục gia đình. Đến năm Liên 18 tuổi, thấy con gái vẫn khát khao được thử sức với công việc vốn chỉ dành cho những người khỏe tay, mạnh chân, bố Liên đã cõng con gái đi xin học nghề tại xưởng chế tác thủ công mỹ nghệ ở gần nhà. Cảm động trước nghị lực của cô gái khuyết tật, chủ xưởng là người họ hàng đã đồng ý dạy nghề cho cô không lấy công.

Ngày 4 lần bố cõng đi, cõng về, sau 3 năm miệt mài học tập, Liên đã có tay nghề chạm khắc gỗ loại khá, sản phẩm làm ra được khách hàng ưa chuộng. Khi cầm được tháng lương đầu tiên trên tay, cô gái 9X xúc động trào nước mắt. Những cảm xúc tiêu cực trước đây đã tan biến đi hết. Khi có công việc trong tay, Liên tự tin vượt qua mọi định kiến, chứng minh mình có thể làm được mọi thứ, kể cả xây dựng một mái ấm hạnh phúc cho riêng mình.

Nghị lực của Liên đã khiến anh Phạm Văn Chung, một thanh niên cùng xã làm nghề thợ hàn cảm động và quyết tâm chinh phục trái tim cô gái này. Hai người thường xuyên tâm sự, trò chuyện, cảm mến rồi yêu thương nhau. 

Anh Chung cho biết: "Dù là một người gặp khiếm khuyết về cơ thể nhưng Liên luôn lạc quan yêu đời, mạnh mẽ trong cuộc sống, lúc nào cũng rực rỡ như ánh mặt trời. Không những thế Liên còn biết nấu ăn rất ngon, rất khéo léo trong cư xử giữa mẹ chồng nàng dâu và anh em họ hàng. Sự vui vẻ, lạc quan của Liên đã tiếp thêm năng lượng để tôi làm việc hăng say hơn, quyết một lòng cùng nhau xây dựng tổ ấm hạnh phúc".

Vợ chồng Nguyễn Văn Chung - Trịnh Thị Liên

Vợ chồng Phạm Văn Chung - Trịnh Thị Liên

Cùng nhau vượt qua bao sóng gió, cho đến thời điểm hiện tại, khi hạnh phúc đã đủ đầy, cô gái khuyết tật Trịnh Thị Liên chỉ có một mong ước giản dị là thật mạnh khỏe để tiếp tục theo đuổi đam mê và cùng chồng đi tiếp những chặng đường tiếp theo của cuộc đời.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm