Hành trình tri ân diệu kỳ

HÀNH TRÌNH TRI ÂN DIỆU KỲ


Tôi biết nữ họa sĩ Đặng Ái Việt bởi bà là một nhân vật truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, về lòng tri ân, lòng báo đáp với câu chuyện đã được báo chí trong và ngoài nước ca ngợi. Đó là công trình "vẽ bằng trái tim" của một họa sĩ huyền thoại, người đã đi khắp đất nước để vẽ chân dung các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH). Sự kiên trì, nghị lực và tấm lòng nhân ái của bà đã được ghi nhận và tôn vinh. Năm 2021, bà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Câu chuyện mở

Tôi may mắn được gặp họa sĩ Đặng Ái Việt khi bà trở lại Bạc Liêu lần thứ hai để tiếp tục thực hiện dự án không có điểm dừng của mình mang tên "Nét thời gian". "Từng nếp thời gian trên gương mặt các mẹ, các nếp gấp đó có thể nói là không một tác phẩm nghệ thuật nào tả hết được vì đó là tác phẩm của tạo hóa. Thời gian đã để lại trên gương mặt các mẹ hằn sâu những ký ức nhưng ký ức đó không bình thường mà là đau thương, là những mất mát, là nỗi niềm bi hùng gấp vào trong từng nếp nhăn trên gương mặt của các mẹ. Và tôi đi tìm những nếp gấp đó rồi lưu nó lại trong từng tác phẩm ký họa của mình", họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ. 

Đối diện với nữ họa sĩ ở tuổi 76 với những việc làm cao đẹp đáng khâm phục của bà, tôi thật sự rụt rè. Bà là người quý trọng thời gian, bởi công việc của bà là chạy đua với thời gian, bà luôn sợ "khi mình tới nơi thì Mẹ đã ra đi… không kịp vẽ chân dung của Mẹ". Đó là các Bà Mẹ VNAH. Bà hối tôi hỏi đi, tôi sẽ kể cho cô nghe, bà chêm vô chữ "Open", "câu chuyện của tôi là câu chuyện mở mà, tôi sẽ kể, cô cứ tự nhiên hỏi nhé".

Hành trình tri ân diệu kỳ- Ảnh 1.

Họa sĩ Đặng Ái Việt trên chiếc xe gắn máy cũ. Đã 14 năm bà rong ruổi qua không biết bao nhiêu cung đường của 63 tỉnh/thành để về với các Mẹ

Đặng Ái Việt là bút danh, còn tên khai sinh của bà là Đặng Thị Bông, quê ở Tiền Giang. Bà là nguyên Trưởng Phòng Công tác Chính trị - Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Hôm tôi gặp bà vào trung tuần tháng 3 vừa rồi, vậy là đã 14 năm bà rong ruổi qua không biết bao nhiêu cung đường của 63 tỉnh/thành để về với các Mẹ. Và kết quả đến thời điểm hôm ấy là trên 3.000 bức chân dung Mẹ VNAH đã được bà tỉ mỉ ký họa.

Bà kể: "Vào khoảng năm 1994, trong một lần gặp chú Sáu Dân - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông cho hay "Họa sĩ chuẩn bị đi vẽ nhé, Quốc hội kỳ này sắp Quyết định việc phong tặng danh hiệu "Bà Mẹ VNAH", đi vẽ nhé". Với gợi ý của chú Sáu Dân, tôi có phần lo, nhưng quyết tâm sẽ thực hiện". Thế là nữ họa sĩ cùng chồng là NSND Phạm Khắc lập đề cương và kế hoạch vẽ ký họa chân dung về các Mẹ.

Năm 1994, Nhà nước có tri ân các Mẹ VNAH. Theo số liệu từ Cục Người có công, cả nước có khoảng 50.000 Mẹ VNAH. Điều này càng thôi thúc bà sớm thực hiện dự án sáng tác chân dung thuộc đề tài nhân chứng lịch sử. Ý tưởng và kế hoạch đã có, thế nhưng mãi đến đầu năm 2010, bà mới bắt đầu thực hiện sau khi bà đã thọ tang chồng 3 năm. 

Mở album ảnh trong điện thoại, bà cho tôi xem bức ảnh tấm pano về bộ phim "Ký sự Mekong" của NSND Phạm Khắc mà bà mang theo trong hành trình tri ân, báo đáp các Mẹ của mình. Khóe miệng, ánh mắt của bà thật rạng rỡ khi nhắc về người bạn đời đã đồng cam cộng khổ với mình trong kháng chiến, cũng như khi hòa bình cùng chung tay xây dựng đất nước, bà nói: "Tôi đi với tình yêu của tôi, không cô đơn đâu nhé!". Như hiểu được ánh mắt của tôi, nữ họa sĩ nói nhanh: "Cô muốn hỏi các con tôi chớ gì? Có điều kiện đấy nhé. Các con trai và dâu tôi bảo: "Ước nguyện của mẹ, chúng con không ngăn, nhưng đúng 6 giờ tối mẹ phải nghỉ ngơi". 

Từ đó, những câu chuyện về các Mẹ cứ dày lên trong từng trang sổ tay của họa sĩ Đặng Ái Việ, và con số chân dung các mẹ ngày càng nhiều thêm, ban đầu là hàng chục, hàng trăm rồi đến hàng nghìn... Những con số biết nói dường như thay nhịp đập trái tim của bà. Cầm cuốn sổ tay, bé nhỏ, không còn thơm mùi giấy mới vì đã được bà ghi chép hằng ngày, bà ghi cẩn thận: "Kết thúc cuốn 19. Đã vẽ 2.857 mẹ. Thái Bình: 78 mẹ; Nam Định: 28 mẹ và 11 anh hùng lực lượng vũ trang; Hà Nam: 15 mẹ… Những dòng ghi chú cứ nối dài theo tháng tháng năm năm…

Công trình Quốc gia

Từng tham gia chiến đấu trên chiến trường, họa sĩ Đặng Ái Việt thấu hiểu sự khắc nghiệt của chiến tranh và nỗi đau khi đồng đội hy sinh. Với bà, mỗi bức chân dung về Mẹ VNAH được hoàn tất là một lời tri ân dành cho anh linh đồng đội đã hy sinh. "Tôi cũng là phụ nữ nên hiểu nỗi lòng những người mẹ khi sinh ra và nuôi dưỡng đứa con của mình. Các mẹ là người gánh chịu nỗi đau lớn nhất khi chồng, con hy sinh trên chiến trường. Đối với tôi, hình ảnh các mẹ đủ để khái quát cả cuộc chiến tranh. Các mẹ chính là hình ảnh đại diện cho đất nước, quá trình đấu tranh anh hùng của cả dân tộc", họa sĩ chia sẻ.

Hành trình tri ân diệu kỳ- Ảnh 2.

Toàn bộ chân dung Mẹ VNAH do họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa đã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội)

Bà kể, nhiều người hỏi về việc làm của bà, họ nghĩ nó rất vĩ đại. Còn người phụ nữ tuy giản dị trong cách sống nhưng sâu sắc trong cách nghĩ này đã làm cho mọi người càng quý trọng khi bà cho rằng: "Mỗi người có một cách tri ân, báo đáp, tôi tri ân các Mẹ bằng nghề mà Đảng và Nhà nước đã đào tạo mình. Việc vẽ các Mẹ VNAH là cách tôi đem trái tim mình trả ơn đời. Tôi tự hào khi để lại hình ảnh chân dung các mẹ cho muôn đời sau". 

Việc làm của nữ họa sĩ là thực hiện công trình quốc gia, nên khi họa sĩ đi đến đâu cũng được các ban ngành liên quan của các địa phương ủng hộ và tạo điều kiện để bà hoàn thành sứ mệnh của người họa sĩ chiến sĩ. Toàn bộ chân dung Mẹ VNAH do họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa đã được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (số 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội). 

Không chỉ thế, khi biết công trình có ý nghĩa của nữ họa sĩ cách mạng, các bạn trẻ ở Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết kế trang web Chân dung Mẹ VNAH để lưu giữ và làm tư liệu chung. Biết tin, họa sĩ Đặng Ái Việt vỡ òa vì vui, bởi tất cả thông tin, hình ảnh về các Mẹ sẽ được lưu giữ trọn vẹn. "Mẹ trải máu tim hồng cho Tổ quốc/Các con đi tô thắm non sông/Núm ruột mẹ con mang về với đất/Mẹ Việt Nam/Con anh hùng - Mẹ anh hùng" - đó là những lời thơ bà để lên trang web Chân dung Mẹ VNAH.

Hành trình tri ân diệu kỳ- Ảnh 3.

Với bà, mỗi bức chân dung về Mẹ VNAH được hoàn tất là một lời tri ân dành cho anh linh đồng đội đã hy sinh

Từ năm 2010, khi ấy bà 62 tuổi, đến nay bước vào tuổi 76, nghĩa là đã 14 năm bà vượt qua không biết bao nhiêu trở ngại của thời tiết, nắng mưa, sự nghiệt ngã của thời gian. Nhưng bà vẫn kiên định theo đuổi tâm nguyện của bản thân vượt hàng trăm ngàn cây số từ Bắc, Trung, Nam… để vẽ hơn 3.000 bức ký họa chân dung Mẹ VNAH cả 3 miền, tổ chức nhiều cuộc triển lãm tranh chân dung Bà mẹ VNAH trên khắp Việt Nam. Thế nhưng với họa sĩ Đặng Ái Việt, bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Mỗi khi mỏi gối chùn chân, bà đọc vài câu thơ động viên bản thân: "Cung đường ta qua không tính bằng cây số/Có mưa chào, nắng đón đường xa/Vận tốc vận hành là nhịp đập trái tim ta/Tổ quốc Việt Nam nơi đâu cũng là nhà, là quê hương của mẹ". 

Khi nào còn mẹ chưa được vẽ chân dung là nữ họa sĩ còn tiếp tục cuộc hành trình. Bởi với bà, mỗi bức chân dung là một lời tri ân sâu sắc dành cho các mẹ, cho những đồng đội của mình, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Với những đóng góp đó, bà đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á ghi nhận đạt Kỷ lục gia vẽ nhiều tranh về Mẹ VNAH nhất. Họa sĩ xem hành trình của mình là cuộc chiến. "Tôi 76 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, Bác dạy chúng tôi luôn luôn chiến đấu thì tôi không chùn bước bao giờ. Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Khi tôi không kịp vẽ người mẹ nào đó, tôi thấy mình như người thua trận", họa sĩ Đặng Ái Việt trăn trở.

Trở lại Bạc Liêu

Trong lần trở lại Bạc Liêu, họa sĩ Đặng Ái Việt lên kế hoạch vẽ 42 chân dung Mẹ VNAH. Những ngày bà lưu lại Bạc Liêu, tôi cố gắng sắp xếp thời gian để được xem bà vẽ và để được nghe bà kể về các Mẹ. 

Ngày 15/3/2024, họa sĩ vẽ các Mẹ VNAH của huyện Vĩnh Lợi. Con đường vào nhà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chính ở ấp B2, xã Châu Thới khá xa. Buổi sáng thanh bình ở vùng nông thôn mới vốn yên ả, hôm ấy càng bình yên và ý nghĩa bởi dưới những rặng tre, tán dừa đan xen, cùng những tia nắng sớm nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá, là hình ảnh hai người phụ nữ ngồi chuyện trò như hai mẹ con lâu ngày gặp lại. Mẹ 93 tuổi, người mẹ Nam Bộ hiếu khách chốc chốc lại bảo uống nước đi, ăn cơm chưa…, người con là nữ họa sĩ ngoài 70… Hai người nói chuyện với nhau thật rôm rả. Cũng thật trùng hợp, hôm ấy các con Mẹ cũng về đông đủ vì là ngày giỗ của cha, người chiến sĩ cách mạng đã hy sinh năm 1967. Họa sĩ Đặng Ái Việt cùng tôi vào nhà thắp nhang cho ông, rồi nhờ người nhà chọn cho Mẹ chiếc áo dài, nhưng Mẹ không chịu, cứ đòi mặc áo bà ba. Thế là họa sĩ cười và chiều theo Mẹ. 

Mẹ ngồi đó, thỉnh thoảng kể về chuyện của ngày ngày tháng tháng xưa ấy, những năm tháng quá đỗi gian lao mà hào hùng, anh dũng của chồng và các con mẹ kiên trung chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của quê hương. Buổi vẽ cũng phải dịch chuyển tới lui vì tránh nắng. Quá trưa, người nữ họa sĩ ấy ngồi ăn bữa cơm ấm áp nghĩa tình cùng Mẹ. Chiều, bà trở về căn phòng nghỉ ở xã tự nấu cơm, tự lo cho mình và hoàn thiện lại bức chân dung của Mẹ Chính.

Hành trình tri ân diệu kỳ- Ảnh 4.

Họa sĩ Đặng Ái Việt trong lần trở lại Bạc Liêu

Vài hôm sau, họa sĩ Đặng Ái Việt gọi điện thoại cho tôi, "Alo cô nhà báo phải không, tôi đang ở UBND Phường 2 nè, xin chữ kí xác nhận của lãnh đạo địa phương á. Cô lại nhé!". Tôi dạ và đến với bà. 

Bà kể với chị Huỳnh Thị Kiều Linh, Phó Chủ tịch UBND Phường 2, rằng, mấy hôm trước bà đến nhà mẹ Nguyễn Thị Nhan, ở Phường 2, TP. Bạc Liêu, nhưng mới hay mẹ đã xuống Cà Mau ở với cô con gái. Thế là bà lại xuống Cà Mau tìm mẹ để vẽ. Sau khi hoàn thành chân dung Mẹ Nhan, bà quay về địa phương xin chữ kí xác nhận. Hành trình của họa sĩ, tuy vát vả nhưng bà luôn vượt qua để đạt mục đích. Việc làm, hành động quyết tâm tri ân các Mẹ VNAH của họa sĩ Đặng Ái Việt là câu chuyện vừa đẹp, vừa diệu kỳ cứ lan cứ tỏa mãi. 

Trong câu chuyện, họa sĩ còn kể và cho tôi xem chân dung của Mẹ Nguyễn Thị Hạnh, Phường 1, TP. Bạc Liêu; Mẹ Ngô Thị Năm, ở ấp Giồng Bướm A, Châu Thới, Vĩnh Lợi; Mẹ Nguyễn Thị Báu, Phường 7, TP. Bạc Liêu. Bà cho biết, có những mẹ khi bà vừa hoàn thành kí họa chân dung thì đã qua đời. Tuổi các Mẹ ngày càng cao, mà thời gian của họa sĩ cũng không nhiều đó là trăn trở của bà. Câu chuyện về các Mẹ của họa sĩ có bao giờ dứt? Bởi bà là phụ nữ, là người đã đi qua chiến tranh, bà nói rằng không có Mẹ Việt Nam nào muốn mình anh hùng. 

Hành trình tri ân diệu kỳ- Ảnh 5.

Họa sĩ Đặng Ái Việt đang vẽ chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chính sinh năm 1931 ở ấp B2, xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Việc làm, hành động quyết tâm tri ân các Mẹ VNAH của họa sĩ Đặng Ái Việt là câu chuyện vừa đẹp, vừa diệu kỳ cứ lan cứ tỏa mãi

Chia tay, bà bịn rịn. Bà nói sẽ tiếp tục hành trình về Sóc Trăng. Tôi đưa bà ra tận Quốc lộ, cứ nhìn mãi khi chiếc xe máy chở lỉnh kỉnh đồ dùng cá nhân và cả hành trang để thực hiện một công trình không có điểm dừng với trái tim nhiệt huyết, tấm lòng cao cả. "Bạc Liêu nắng chiều chưa tắt/Thương nhớ hoài câu hát Bạc Liêu". Bà gửi lại Bạc Liêu ân tình như thế! Còn tôi có mong ước, một dịp thật ý nghĩa nào đó, sẽ có một cuộc triển lãm Chân dung các Mẹ VNAH của tỉnh Bạc Liêu do họa sĩ Đặng Ái Việt ký họa, bởi đó là kỳ tích lịch sử nghệ thuật và tình yêu quê hương.

Cao Xuân Thu Ngọc (thực hiện)

* Bài viết có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp