Hậu Giang hỗ trợ vốn, kết nối tìm đầu ra giúp phụ nữ phát triển kinh tế sau dịch Covid-19

MINH CHÂU
26/11/2021 - 06:24
Hậu Giang hỗ trợ vốn, kết nối tìm đầu ra giúp phụ nữ phát triển kinh tế sau dịch Covid-19

Các cấp Hội LHPN Hậu Giang trao vốn cho phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế

Bên cạnh kết nối tạo việc làm cho lao động nữ địa phương, các cấp Hội LHPN tỉnh Hậu Giang còn phối hợp triển khai có hiệu quả các hoạt động nhằm giúp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong và sau dịch Covid-19.

Được thành lập vào đầu năm 2020, đến nay Tổ hợp tác đan lục bình Nhựt Linh ở thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đã tạo được thu nhập ổn định cho nhiều lao động nữ. Chị Bùi Thị Loan, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, Tổ chuyên đan các sản phẩm như thảm, sọt lục bình, khay đựng tạp chí… từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Hiện Tổ có 70 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200-300 lao động, với mức thu nhập từ 50.000-120.000 đồng/người/ngày.

Theo chị Loan, từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác được Hội LHPN các cấp giới thiệu cho nguồn lao động là những phụ nữ nhàn rỗi, có con nhỏ, không đi làm tại các nhà máy, xí nghiệp… Từ sự giới thiệu này, Tổ tiến hành đào tạo để có được những lao động lành nghề, góp phần sản xuất có hiệu quả. "Thời gian tới, Tổ hợp tác mong muốn được Hội LHPN các cấp cũng như các đơn vị tiếp tục hỗ trợ để mở rộng quy mô, tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ ở địa phương. Bên cạnh đó, Tổ mong được tham gia nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm như hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh để đưa sản phẩm đan lục bình đi xa hơn", chị Loan chia sẻ.

Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay Tổ liên kết bó chổi ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) đã tăng lên 20 thành viên là hội viên phụ nữ trên địa bàn. Thu nhập bình quân của các thành viên dao động từ 1,5-4 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Mai Thủy, Tổ trưởng Tổ liên kết bó chổi cho biết, đến nay, không chỉ riêng phụ nữ trên địa bàn ấp có nhu cầu làm nghề này mà nhiều chị em hoàn cảnh khó khăn muốn tham gia Tổ để có nguồn thu nhập thường xuyên.

Hậu Giang hỗ trợ vốn, kết nối tìm đầu ra giúp phụ nữ phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Trao vốn cho phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế tại huyện Vụ Thủy, Hậu Giang

Theo Hội LHPN xã Thạnh Xuân, nhờ nghề bó chổi mà nhiều chị em có thêm nguồn thu nhập, giúp cải thiện kinh tế gia đình. Để góp phần giúp Tổ nâng cao quy mô sản xuất, Hội LHPN xã tiếp tục tạo điều kiện để các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay lớn hơn với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tăng cường quảng bá, kết nối đầu ra, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho Tổ, nhằm tạo việc làm ổn định hơn cho phụ nữ.

Hỗ trợ vốn, kết nối tìm đầu ra

Thời gian qua, dù trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các cấp Hội LHPN tỉnh Hậu Giang đã triển khai nhiều nhóm giải pháp, hoạt động để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Theo đó, bên cạnh các chương trình tọa đàm giúp chị em khởi nghiệp, phát triển kinh tế, Hội còn phối hợp với các ngành hỗ trợ vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, các dự án do phụ nữ đứng ra làm chủ; tổ chức trao vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sau mùa dịch Covid-19. Hội còn phối hợp với các ngành hỗ trợ các sản phẩm của phụ nữ đăng ký sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee…

Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các mô hình kinh tế tập thể, cá thể bằng nhiều hình thức; phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục đưa các sản phẩm đạt OCOP của phụ nữ lên sàn giao dịch điện tử của tỉnh để kết nối tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục giới thiệu sản phẩm do chị em làm ra thông qua hội chợ, các cuộc thi khởi nghiệp của tỉnh, của Trung ương. Ngoài ra, phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ các dự án, mô hình hiệu quả cho vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang có 22 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ hoặc có phụ nữ tham gia quản trị; 70 tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh doanh; 35 sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ đạt chuẩn sản phẩm 3 sao và 4 sao; 55 điểm bán hàng liên kết giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ; 18 sản phẩm đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử Lazada, Tiki, Shopee….

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm