pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hậu Giang: Thúc đẩy chuyển đổi số trong hội viên, phụ nữ
Hướng dẫn hội viên phụ nữ cài đặt phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt - Ảnh: Ngọc Tiếm
Hiệu quả từ chuyển đổi số
Tại tỉnh Hậu Giang, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã góp phần giúp địa phương có chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, điều hành của ba cấp chính quyền, tạo môi trường giao tiếp khoa học và hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị cũng như giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền…
Trong thời gian qua, các cấp Hội LHPN trên địa tỉnh cũng đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động, chương trình. Mở đầu cho công cuộc chuyển đổi số trong đổi mới phương thức hoạt động, ngay từ những tháng cuối năm 2020, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang thành lập mô hình "Quản lý Hội không giấy". Theo đó, 100% cán bộ hội chuyên trách từ tỉnh đến huyện, xã đều được trang bị máy tính xách tay để thực hiện nhiệm vụ. Hiện, 100% các cuộc hội nghị trong nội bộ hội đều không còn sử dụng văn bản giấy.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền cũng được Hội LHPN tỉnh quan tâm qua việc khai thác trang thông tin điện tử của Hội; sử dụng các trang mạng xã hội như fanpage, zalo… để đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, hội viên và Nhân dân từ các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, thi trực tuyến.
Bên cạnh đó, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, bán hàng trên các kênh giao dịch điện tử được các cấp hội LHPN trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Cụ thể là phối hợp với các ngành liên quan tổ chức các khóa bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh, trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp phụ nữ khởi nghiệp. Mặt khác, hướng dẫn thành lập, quản lý hiệu quả các trang các mạng xã hội, giúp tăng cường khả năng quản lý, tăng hiệu quả kinh doanh online, hỗ trợ kết nối phụ nữ với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm.
Bà Phạm Thị Oanh, Chi hội trưởng phụ nữ ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) cho rằng việc trang bị kiến thức và kỹ năng số cơ bản cho phụ nữ là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp chị em khởi nghiệp, phát triển và hội nhập.
Theo bà Oanh, toàn thị trấn Bảy Ngàn có 7 tổ công nghệ cộng đồng, riêng ấp 2A có 1 tổ cộng nghệ cộng đồng với 8 thành viên và bà là một trong số những thành viên của tổ với nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác chuyển đổi số. Đi từng ngõ gõ từng nhà rà từng đối tượng để hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, app Hậu Giang, ví điện tử, sổ sức khỏe điện tử… lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi tổ nhóm phụ nữ để hình thành thói quen sử dụng công nghệ.
Ngoài ra, Chi Hội còn chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, báo cáo. "Hiện nay, với hiệu quả từ công nghệ số mang lại, chị em chúng tôi họp Ban chấp hành phụ nữ thị trấn không cần phải gửi thư mời, gửi văn bản báo cáo mà mọi thông tin sẽ được gửi trên nhóm như thời gian, địa điểm hội họp. Qua đó, chị em chi Hội chúng tôi cũng chủ động được trong việc nắm tình hình hội viên và Nhân dân thông qua sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ hội và báo cáo về Hội cấp trên kịp thời", bà Oanh cho hay.
Phụ nữ có thể ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực
Bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cho biết, sự phát triển của công nghệ, công nghệ số cũng đặt ra thách thức lớn cho phụ nữ như nguy cơ thất nghiệp, thiếu việc làm, nhất là nhóm lao động ở nông thôn và người yếu thế, với đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa, trung tâm sản xuất thuỷ sản, trái cây lớn nhất cả nước, thách thức trên là rất lớn, đặc biệt là thách thức liên quan đến việc chuyển đổi nghề nghiệp và việc tiếp cận của người dân đối với công nghệ. Từ đó ảnh hưởng đến công tác tập hợp thu hút hội viên, hỗ trợ chị em phát triển kinh kế.
Trong thời gian qua Hội LHPN tỉnh Hậu Giang cũng như Hội LHPN các tỉnh/thành trong khu vực, chị em cơ sở là thành viên của Tổ công nghệ số cộng đồng, tích cực tuyên truyền hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, cài đặt ví điện tử, kinh doanh qua mạng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử... cán bộ Hội ứng dụng công nghiệ thông tin trong công tác tuyên truyền thông qua mạng xã hội, website, đổi mới hình thức hội họp, báo cáo...
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh, từ kết quả của những bước đi ban đầu, mặc dù còn rất nhỏ và khiêm tốn nhưng chị em đã chứng minh rằng phụ nữ hoàn toàn có thể ứng dụng công nghệ số trong nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động Hội LHPN vùng Đồng bằng sông Cửu Long" được tổ chức mới đây, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến đánh giá, Hội LHPN tỉnh Hậu Giang luôn có cách làm hay, sáng tạo, từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Từ đó đã huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các bộ, hội viên phụ nữ.
Tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục chỉ đạo Hội LHPN tỉnh cụ thể hóa, tổ chức thực hiện tốt và đề nghị các cấp, các ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Hội LHPN tỉnh thực hiện công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và chuyển đổi số thành công.