pnvnonline@phunuvietnam.vn
HĐND họp mà không có ý kiến chất vấn: Mừng hay lo?
Quang cảnh kỳ họp thứ 13 của HĐND tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: N.H
Theo quy định của pháp luật, các đại biểu được bầu ra đại diện cho ý chí của cử tri, hơn nữa là của Nhân dân. Khái niệm "đại diện" cần được hiểu một cách đầy đủ là họ thay mặt cử tri truyền đạt những nguyện vọng, mong muốn đến với các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề họ gặp trong cuộc sống. Hơn thế, đại biểu đại diện cho họ quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương nơi cử tri sinh sống.
Ở chiều ngược lại, đại biểu còn phải truyền đạt, cung cấp thông tin giải thích những vấn đề mà cơ quan đã thẩm quyền đã giải quyết có quyết định mà cử tri chưa hiểu rõ.
Chế độ đại diện là một sản phẩm của nhân loại của những bước tiến dân chủ và cho đến thời điểm hiện tại, là biểu tượng cho những gì là tinh túy, văn minh nhất của nhân loại trong quản trị xã hội.
Với nghĩa đó, mỗi đại biểu khi được bầu và thực hiện chức trách nhiệm vụ của mình, họ mang trên vai một trọng trách nặng nề và với họ chịu trách nhiệm trước cử tri, trước những người bầu ra mình, tin tưởng mình. Đây cũng là nghĩa vụ cao cả hàng đầu.
Hoạt động của đại biểu không chỉ đơn thuần là thực hiện một công vụ như những công chức, viên chức khác, mà ở mức độ nào đó, họ cần giữ mối liên hệ hai chiều mật thiết chặt chẽ với những cử tri và nhân dân nói chung.
Điều 41 Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch và các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân chất vấn.
Trong thời gian Hội đồng nhân dân họp, đại biểu Hội đồng nhân dân gửi chất vấn đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì Hội đồng nhân dân có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của Hội đồng nhân dân hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực Hội đồng nhân dân.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp Hội đồng nhân dân, chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
Những phát biểu của họ cũng không chỉ đơn thuần là mong muốn nguyện vọng trực tiếp của cử tri mà cùng với sự tư duy, nghiên cứu đối chiếu với các quy định của pháp luật, chính sách, họ cần nâng nó lên thành những giải pháp, những đề nghị và trong một số trường hợp còn là những triết lý, định hướng lâu dài cho sự phát triển của một ngành, một lĩnh vực…
Không phải ngẫu nhiên, luật quy định ngoài việc tham gia hoạt động nghị trường, các đại biểu trong nhiệm kỳ của mình còn có quyền giám sát, chất vấn, đề nghị cung cấp thông tin đối với các ban ngành, các đơn vị…
Đó là lý do trong quá trình hiệp thương, tổ chức bầu cử, Hội đồng bầu cử đã phải tính toán đến cơ cấu vùng miền lĩnh vực đối tượng thành phần. Tất cả đều nhằm phát huy cao nhất tính đại diện của các đại biểu đối với các cử tri của mình, đảm bảo bất cứ giai tầng, thành phần lĩnh vực, khu vực nào cũng có "tiếng nói" đại diện trong cơ quan dân cử.
Việc chất vấn, ở một giác độ khác, cũng chính là cơ hội để cơ quan, cá nhân bị chất vấn có thể cung cấp thêm thông tin, trao đổi, tranh luận làm rõ thêm những vấn đề mà những người dân ở một góc nhìn khác chưa hiểu hết.
Cũng không phải ngẫu nhiên, những phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội với những người đứng đầu các cơ quan cao nhất trong bộ máy nhà nước lại thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận, cử tri và nhân dân nói chung. Những kỳ họp có buổi chất vấn chất lượng sẽ nhận được nhiều sự đồng tình của những người theo dõi.
Trong quá trình phát triển của địa phương, với sự đa dạng của muôn mặt đời sống xã hội, chắc chắn sẽ có rất nhiều tình huống, những câu chuyện mà người dân sẽ còn thắc mắc, sẽ có nhu cầu được hiểu rõ hơn, được nhìn nhận đầy đủ hơn, kể cả với những chính sách đúng đắn nhất. Bởi chỉ khi hiểu rõ, họ mới thực hiện được một cách đầy đủ nhất, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện một cách nhịp nhàng nhất.
Bên cạnh đó, mỗi chính sách khi đi vào cuộc sống ở mức độ nào đó luôn có sự tác động khác nhau đến các đối tượng khác nhau.
Chính vì vậy, những thắc mắc, những băn khoăn là không thể tránh khỏi. Điều đó cũng thể hiện ở bản tổng kết ý kiến của cử tri mà chính cơ quan chức năng của tỉnh Bạc Liêu đã ghi nhận.
Tại kỳ họp, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết cử tri kiến nghị 6 nhóm lĩnh vực với hơn 60 nội dung như điều tiết nước, quản lý vật tư nông nghiệp, bảo vệ môi trường nuôi tôm, đầu tư kết cấu hạ tầng, thủ tục đất đai, bảo hiểm y tế, hỗ trợ các chế độ chính sách…
"Đây là những yêu cầu, bức xúc chính đáng cần được tập trung xử lý giải quyết thỏa đáng cho người dân", ông Thiều nhấn mạnh.
Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã dạy rằng: "Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra". Và người đại biểu nhân dân chính là cầu nối để người dân thực hiện quyền "mở miệng ra" - một trong những quyền quan trọng nhất thể hiện tính dân chủ.
Liên quan đến việc không có ý kiến chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp, một lãnh đạo HĐND tỉnh cho biết: "Việc không chất vấn tại kỳ họp là bình thường. Trước kỳ họp, HĐND có gửi phiếu chất vấn nhưng không nhận được câu hỏi nào của đại biểu" - thông tin trên báo Dân trí.
Cũng trên báo này, vị lãnh đạo HĐND nói thêm, trước đó, khi tiếp xúc cử tri, các đại biểu HĐND đã tiếp thu ý kiến và trả lời những vấn đề thuộc thẩm quyền. Còn những kiến nghị cử tri đặt ra thuộc cấp cao hơn đã được đại biểu HĐND tập hợp và UBND tỉnh trả lời ngay trong kỳ họp.