pnvnonline@phunuvietnam.vn
Healing the Wounded Heart - Nơi hàn gắn trái tim bị tổn thương
"Healing the Wounded Heart" có ý nghĩa "Hàn gắn trái tim bị tổn thương", đây cũng là tiêu chí đầu tiên của HWH, nhằm giúp các bạn khiếm thính cơ hội được làm việc, tự khẳng định khả năng của mình, tự nuôi sống bản thân và làm thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật", đại diện HWH - chị Trần Thị Phương - Quản lý Cửa hàng HWH (TP Huế) đã hơn 10 năm và 15 năm gắn bó với Quỹ Tư vấn di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật, cũng là người khuyết tật (vận động) cho biết.
Được biết đến là một "cửa hàng" bán các sản phẩm đặc sắc làm từ nguyên liệu tái chế tại thành phố Huế, HWH thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội, đặc biệt là các tổ chức từ thiện và những nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Tại địa chỉ 23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế, mỗi ngày, những nguyên liệu đã qua sử dụng như vỏ lon bia, bao bì gói mỳ tôm,... được những người khuyết tật, những người quan tâm đến môi trường thu gom và chuyển đến. Từ những nguyên liệu này, những thành viên của HWH "tái chế" thành những đồ dùng đẹp mắt, hấp dẫn, có giá trị sử dụng như túi xách, giỏ đựng đồ, đồ trang trí.
Không chỉ tạo việc làm cho các bạn khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thính, HWH còn đem đến cho người khiếm thính cơ hội được chia sẻ sự may mắn của mình bằng cách dùng 10% tổng số tiền bán hàng để hỗ trợ phẫu thuật tim cho những bệnh nhân nghèo trong chương trình Hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim của Quỹ Tư vấn di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế (FGCDC). Đến nay, cửa hàng HWH đã hỗ trợ một phần chi phí cho khoảng 600 bệnh nhân nghèo phẫu thuật tim.
Đội ngũ nhân viên làm việc tại cửa hàng là người khiếm thính, ban đầu đến với HWH nhằm học nghề và gắn bó với HWH từ đó đến nay. Ngoài ra, còn có một nhân viên bị khuyết tật vận động cũng đang chia sẻ công tác quản lý tại cơ sở sản xuất. Hiện tại, hầu hết các thành viên đã lập gia đình và có con cái.
Hiện nay, HWH có hai dòng sản phẩm chính là các sản phẩm được làm từ vải truyền thống và các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu tái chế. Do đặc thù của từng sản phẩm mà đối tượng thường mua sản phẩm của cửa hàng là người nước ngoài, chủ yếu là khách du lịch.
Theo đại diện HWH, hiện nay, nhiều người dân ở thành phố Huế, câu lạc bộ các bạn sinh viên từ những trường đại học của thành phố Huế, mỗi một gia đình của nhân viên FGCDC, người thân đều được kêu gọi để dành các bao bì mỳ tôm, giấy báo, bao gạo, vỏ lon bia,... sau khi sử dụng. Thời gian gần đây, qua mạng xã hội, việc gom các nguyên vật liệu này đã lan tỏa đến các bạn khắp nơi trên đất nước Việt Nam và đã rất nhiều bạn đã liên lạc và hứa sẽ gửi về cho cửa hàng khi cửa hàng mở cửa trở lại sau dịch.
Cửa hàng HWH là một trong những hoạt động của FGCDC, trước đây có tên viết tắt là OGCDC. Cửa hàng được hình thành từ năm 2003 với ý tưởng của bà Marichia Simcik Arese - Người sáng lập ra tổ chức Spiral và PGS. TS. Bs. Nguyễn Viết Nhân - Chủ tịch Hội đồng Quản lý FGCDC với mục đích tạo việc làm cho người khuyết tật (đặc biệt là khiếm thính) sau khi được dạy nghề, giúp họ có được một công việc, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, không trở thành gánh nặng cho xã hội và chia sẻ với những cuộc đời bất hạnh khác thông qua việc đóng góp tài chính cho chương trình Phẫu thuật tim cho bệnh nhân nghèo.
HWH hoạt động được hơn 15 năm và mỗi một sản phẩm được làm ra ở cửa hàng giúp bảo vệ môi trường và lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường tại cộng đồng. Sản phẩm chủ yếu được bán tại cửa hàng của HWH tại số 23 Võ Thị Sáu, thành phố Huế và xuất đi các nước như Mỹ, Pháp và Úc. Vì đặc thù của sản phẩm cũng như mục đích hỗ trợ một phần chi phí phẫu thuật tim cho bệnh nhân nghèo mà giá của sản phẩm dao động từ $1USD đến $38USD (từ 23.000 đồng đến 874.000 đồng).
Quỹ Tư vấn di truyền và Hỗ trợ trẻ khuyết tật tỉnh Thừa Thiên Huế (FGCDC)
Địa chỉ văn phòng: Số 38/147 Phan Đình Phùng, thành phố Huế.
Điện thoại: 0234.3833694
Email: dcvn@ogcdc.org * Website: www.ogcdc.org