Hiểm họa bỏng nặng từ bóng bay

28/02/2017 - 16:51
Bên cạnh nữ sinh 9x bị bỏng toàn bộ mặt vì 55 quả bóng bay phát nổ, Khoa Bỏng, BV Xanh Pôn (Hà Nội) cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị bỏng do bóng bay nổ. Trong đó, 1 bệnh nhân nữ 34 tuổi bị bỏng nặng nhất.
Ngày 28/2, BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng (BV Xanh Pôn), cho biết, bệnh nhân nữ D.T.M., 34 tuổi, ở phố Hàng Ngang, Hà Nội, bị bỏng rộng vùng mặt, tay vì nổ chùm bóng bay. 2 ngày trước, bệnh nhân được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng sốc do bỏng.

Theo lời kể của bệnh nhân, gia đình tổ chức tiệc nên mua chùm bóng kép 20 quả lớn và 20 quả nhỏ lồng vào nhau. Sau bữa tiệc, số bóng được gom vào cho trẻ con chơi nhưng khi chị M. cùng vài người nữa đang lấy chùm bóng ra khỏi túi bóng thì cả chùm phát nổ và cháy, lửa bén lên mặt, tay của chị. 4-5 người khác đứng xa hơn nên chỉ bị bỏng ở tay. Rất may trẻ con đứng xa nên không ai bị ảnh hưởng.

Hiện sức khỏe của bệnh nhân M. đã ổn định nhưng vẫn tiếp tục được theo dõi.
bong-bay.jpg
 Bệnh nhân M. đang trong quá trình hồi phục
BS Thống cho biết thêm, thời gian này, Khoa tiếp nhận khá nhiều ca bị bỏng bóng bay. Như PNVN đã đưa tin, 1 trường hợp khác cũng là nữ đã điều trị tại Khoa 15 ngày do bỏng bóng bay. Bệnh nhân là Mai Phương Linh (sinh năm 1995, đang là sinh viên ở Hà Nội). 

Theo chia sẻ của bệnh nhân Linh, cô bị tai nạn hôm 14/2, khi đang tổ chức một sự kiện cho các hội viên ở công ty. Hôm đó, Linh mua 55 quả bóng bay bơm khí. Khi cô và một bạn gái đưa chùm bóng bay từ sảnh chính vào một phòng nhỏ không có cửa sổ, nóng hơn phòng ở ngoài sảnh chính. Vừa qua cửa thì chùm bóng phát nổ, khiến cô bị cháy xém tóc, mặt và tay. Cô gái đi cùng bị nhẹ hơn nên được xuất viện trước.

Không mua bóng bơm hydro

Lý giải tại sao bóng bay nổ gây nguy hiểm, BS Nguyễn Thống cho hay, bóng hay thổi bằng hơi người hay dùng bơm thì không thể nổ gây bỏng mà chỉ gây nổ khiến người chơi giật mình. Còn bóng bay được bơm khí hydro (hoặc acetylene), nếu nổ thì dễ gây cháy.

Khí hydro nhẹ, cấu trúc phân tử bé nên bơm vào bóng bay, thẩm thấu cực nhanh và có thể nổ mà không cần nguồn lửa. Đây là chất khí rất dễ cháy. Khi bóng ở gần nguồn nhiệt sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí làm bể bóng. Khí hydro thoát ra kết hợp với oxy gây cháy nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo, gây thương tích cho những người đứng gần.

Lâu nay, các bậc phụ huynh thường mua bóng bay bơm khí trên, về cho trẻ chơi, nhất là trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bóng bay bơm hydro không nên mang vào trong nhà, bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng thì có thể phát nổ. Ngoài ra, khi cầm bóng bay ngoài trời nắng cũng có thể phát nổ, rất nguy hiểm.

Hydro thường rẻ, lại giúp bóng bay cao nên dù nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn sử dụng để bơm bóng. Trong khi đó, để bóng bay được và an toàn, phải bơm khí heli, không gây cháy nổ nhưng khí này có giá thành cao.
5681eaafd13b1_1451354799.jpg
 Ảnh minh họa
“Vùng bỏng nhiều nhất là mặt, tay, bởi đây là những vùng tiếp xúc gần với bóng bay. Tuy bỏng do nổ bóng bay không sâu như bỏng xăng, bỏng cồn… nhưng có khả năng ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nếu không điều trị kịp thời thì dễ để lại di chứng. Chưa kể, nạn nhân hít phải khí hydro thường có biểu hiện buồn nôn, thậm chí hôn mê”, BS Nguyễn Thống cho hay.

Cũng theo BS Thống, để chơi bóng bay an toàn, tốt nhất hạn chế mua bóng bơm hydro. Nếu muốn chơi, cần tránh xa nguồn phát nổ như bóng đèn, lửa… Khi không may bị bỏng, nạn nhân cần được đưa tới cơ sở y tế gần nhất điều trị, không tự điều trị tại nhà theo cách truyền miệng khiến bệnh nặng thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm