Để giúp vua Lào xây dựng cột mốc chủ quyền và thành lập bản mường ở Viêng Chăn, một người phụ nữ mang thai đã không tiếc thân mình hiến sinh. Ghi nhớ công ơn đó, hàng trăm năm qua người dân nơi đây đã tôn thờ bà làm Thành hoàng.
Chùa Xỉ Mương nằm giữa hai phố Xayxệthảthilát và Xảmxẻnthay thuộc bản Xỉ Mương (xã Thạt Khảo, huyện Xỉxattanac, TP Viêng Chăn). Chùa được xây dựng từ năm 1566, khác với các ngôi chùa khác, nơi đây vừa thờ Phật và vừa thờ Thành hoàng Mương (mẹ) – Mẹ Xỉ Mương.
Tương truyền khi xây dựng Viêng Chăn, vua Xayxệthảthilát đã lấy địa điểm ở huyện Xỉxattanac để cắm cột trụ thiêng khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Lúc này, vua vừa rời đô từ Luông Phabang tới đây và Miến Điện (Myanmar ngày nay) đang có ý lăm le xâm lược bờ cõi.
Theo tín ngưỡng thời đó, muốn Viêng Chăn trở thành bản mường thì phải đào một hố sâu, chôn sống một người và một ngựa trắng để tế thần. Vì chưa thực hiện nghi thức này, nên khi đào hố chôn cột trụ, quân lính của nhà vua đào trúng phải vào mạch nước ngầm, nước phun không ngớt. Trước tình cảnh đó, vua ra lời thông cáo, hễ ai hiến sinh vì bản mường thì sẽ trở thành Thành hoàng, nhân dân sẽ biết ơn và muôn đời thờ phụng.
Bấy giờ có một người phụ nữ xinh đẹp đang có mang 3 tháng tên là Man Xỉ cũng như nhiều người dân khác hiếu kỳ tới xem đào hố. Cho tới lần thứ 3, thấy việc hệ trọng này mãi chưa xong, bà đã tình nguyện nhảy xuống hố hiến sinh để lấp mạch nước ngầm.
Sau 100 ngày, hố chôn tự liền lại và nhô lên cột trụ thiêng. Mọi người lúc ấy dùng gạch xỉ xếp quanh tạo thành một ngọn đồi nhỏ cao 5m rộng 11m. Vị trí này trở thành Chau Me Xỉ Mương có hàm ý là “Mẹ Xỉ làm chủ đất nước, là cột trụ trấn giữ dân tộc”. Cũng kể từ đó, bà được tôn kính là vị thần bảo hộ (Thành hoàng) của Viêng Chăn.
Chùa Xỉ Mương ngày nay có quy mô khoảng hơn 2 ha, được xây dựng theo cấu trúc đền chùa truyền thống của Lào, bao gồm các công trình: Nhà thờ chính thờ Phật, khu vực thờ Mẹ Xỉ Mương.
Ngôi nhà thờ chính gồm 2 gian. Gian trước khá đơn sơ, có một nhà sư ngồi buộc chỉ vào tay cho người xin phước lành. Gian sau là gian thờ rất quan trọng trong nhà thờ chiếm phần lớn diện tích nhà thờ.
Bên trong hậu điện của chùa, trung tâm là một khối đá lớn khá lạ. Cột đá này được xuyên thẳng xuống lòng đất và bàn thờ được đặt quanh cột đá. Đây là 1 trong 2 cột trụ trấn giữ cho thành phố Viêng Chăn, trong đó cột ở Xỉ Mương là cột mẹ, còn cột cha nằm ở Thạt Luổng bảo vệ cho xá lị của Đức Phật.
Ở cổng chính điện là những bức tranh, những bức chạm khắc tái hiện lại các giai đoạn, cột mốc chính của huyền thoại Mẹ Xỉ Mương và Đức Phật.
Với sự tích đó, Chùa Xỉ Mương còn là nơi những người phụ nữ có thai thường đến làm lễ xin với bà Man Xỉ được sinh nở dễ dàng, mẹ tròn con vuông. Sau khi làm lễ trong chùa, người ta thường ra ngoài mua chim để phóng sinh cho linh nghiệm.
Tượng Phật ngồi dưới gốc cây bồ đề trong khuôn viên chùa.