pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hiện tượng chóng mặt khi tập thể dục, nguyên nhân do đâu?
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng chóng mặt khi tập thể dục. Có thể là do thể trạng của bạn chưa quen với việc vận động, hoặc bài tập đang tập quá nặng, không phù hợp với bạn... Dưới đây là tổng hợp những nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng chóng mặt khi tập luyện.
1. Tập luyện quá sức
Đa phần hiện tượng chóng mặt khi tập thể dục chủ yếu do cường độ tập luyện quá sức. Có thể bạn đang tập những bài tập quá nặng so với sức chịu đựng của bản thân. Quá sức còn có những biểu hiện khác như: mờ mắt, khó thở, tim đập nhanh, buồn nôn hoặc nôn...
Theo nghiên cứu, các chấn thương do tập luyện quá sức chiếm 36,2% tất cả các vụ chấn thương ở các phòng tập. Tuy nhiên, tập luyện quá sức có thể xảy ra trong bất cứ hoạt động thể chất nào, không chỉ ở trong phòng tập. Có thể là leo núi, chạy bộ, đạp xe...
2. Sử dụng máy tập chuyển động liên tục
Hiện tượng chóng mặt này gần giống với việc say xe. Điều này có thể do bạn đang dùng máy chạy bộ liên tục khiến bạn mặc dù đã dừng tập và bước xuống nhưng vẫn có cảm giác đang quay quay.
Lúc này bạn cần xem lại tốc độ của máy chạy và điều chỉnh tăng dần, đồng thời nghỉ ngơi uống nước và giảm thời gian chạy trên máy xuống khoảng 3-5 phút để cơ thể quen dần.
3. Mất nước
Uống không đủ nước khi tập luyện có thể khiến bạn bị mất nước. Mất nước khi tập thể thao rất nguy hiểm, chúng có thể ảnh hưởng đến natri máu và khiến người tập dễ bị đột quỵ.
Mặc dù mất nước phổ biến ở trẻ em và người cao tuổi nhưng nó vẫn có thể ảnh hưởng đến người trưởng thành. Bạn có khả năng bị mất nước cao hơn nếu mắc bệnh nhẹ hoặc hoạt động thể chất nặng, đặc biệt là trong thời tiết nóng.
Các triệu chứng mất nước bao gồm: chóng mặt, khô miệng, ngất nhẹ, đi tiểu ít, mệt mỏi, yếu ớt.
4. Thiếu oxy
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến của hiện tượng chóng mặt khi tập thể dục. Đa phần chúng ta đều chưa biết cách thở trong quá trình luyện tập khiến oxy đi vào trong cơ thể ít hơn, tim đập nhanh và nhịp thở cũng gấp hơn.
Bạn cần điều chỉnh hơi thở, cần hít sâu bằng mũi, phình bụng và thở ra bằng miệng. Ngay cả khi không tập luyện, bạn cũng nên tập thở sâu mỗi ngày.
5. Huyết áp thấp
Hoạt động thể chất nặng có thể khiến bạn bị hạ huyết áp, chóng mặt. Những người huyết áp thấp thường dễ bị chóng mặt hơn bình thường, kết hợp với những yếu tố như tập luyện quá sức, thiếu nước, thiếu oxy càng khiến cho hiện tượng chóng mặt trở nên nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng ngất xỉu, cấp cứu.
Huyết áp bình thường ở khoảng 120/80mmHg. Những người bị huyết áp thấp có chỉ số huyết áp dưới 90/60mmHg. Những người này cần cân nhắc khi tập luyện các bài tập có cường độ cao, nhất là cardio
6. Hạ đường huyết
Bạn có thể bị hạ đường huyết nếu để bụng quá rỗng trước khi tập thể dục. Khi tập luyện, cơ bắp sử dụng nhiều glucose hơn bình thường, do vậy nếu bạn không ăn gì trước khi tập có thể bị hạ đường huyết, cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, cáu gắt, run rẩy, đồ mồ hôi...
Bạn có thể ăn lót dạ chuối hoặc trứng luộc trước khi tập luyện để đảm bảo đủ năng lượng cho một buổi tập nhé.
7. Rối loạn nhịp tim
Chứng loạn nhịp tim có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Có nhiều tình trạng có thể gây rối loạn nhịp tim, bao gồm bệnh tim mạch hoặc cảm xúc căng thẳng…
Tập thể dục nặng có thể kích hoạt hoặc khiến các triệu chứng bệnh tim mạch trở nên tồi tệ hơn. Khi bị rối loạn nhịp tim, bạn có thể cảm thấy: chóng mặt, thay đổi nhịp tim, ngất xỉu, khó thở, đồ mồ hôi.