Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP góp phần thúc đẩy thương mại đa phương

PV
15/11/2020 - 13:10
Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP góp phần thúc đẩy thương mại đa phương

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký Hiệp định RCEP dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Với quy mô 2,2 tỷ dân – chiếm gần 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Ngày 15/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP. Tham dự Hội nghị có các Nhà Lãnh đạo ASEAN và các nước Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Ngài Tổng Thư ký ASEAN...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ để chuẩn bị cho một giai đoạn hợp tác kinh tế - thương mại mới. Song song với quá trình ASEAN đẩy mạnh xây dựng cộng đồng kinh tế, các nước đối tác cũng luôn đồng hành cùng ASEAN để xây dựng một khu vực năng động, ổn định, thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng chung.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực - RCEP là một dấu mốc lịch sử. Sự kiện này đánh dấu việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai nhưng cũng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước trong khu vực.

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực RCEP góp phần thúc đẩy thương mại đa phương - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Lễ ký kết trực tuyến các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực - RCEP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng Hiệp định RCEP sẽ sớm được phê chuẩn và đưa vào thực thi trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 và đem lại thịnh vượng chung cho người dân và doanh nghiệp của tất cả các nước thành viên.

Thỏa thuận thương mại tự do có sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Australia và New Zealand - sẽ tạo ra khu thương mại tự do lớn nhất châu Á, chiếm 30% GDP và thương mại toàn cầu. Đây sẽ là khuôn khổ thương mại tự do đầu tiên của Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc - hai đối tác thương mại quan trọng của Xứ sở hoa anh đào. RCEP mang ý nghĩa thúc đẩy hoạt động thương mại giữa ba nước Nhật - Trung - Hàn.

Với quy mô 2,2 tỷ dân – chiếm gần 30% dân số thế giới và gần 30% GDP toàn cầu, việc ký kết Hiệp định RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Việc này đồng thời gửi đi thông điệp tới toàn thế giới và khu vực về sự ủng hộ hệ thống thương mại đa phương của 15 quốc gia thành viên. Đặc biệt, việc ký kết và thực thi RCEP sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi nền kinh tế khu vực sau đại dịch Covid-19.

Theo dự thảo, RCEP sẽ cắt giảm thuế quan và thiết lập các quy tắc trong khoảng 20 lĩnh vực, bao gồm các luồng hàng hóa xuyên biên giới. Đối với Nhật Bản, thỏa thuận sẽ giảm bớt thuế quan cho các các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản so với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế Nhật Bản - Liên minh châu Âu.

RCEP cũng sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng hóa nhập khẩu sang Nhật Bản từ các thành viên ASEAN, Australia và New Zealand, cùng với 56% từ Trung Quốc và 49% từ Hàn Quốc.

Trước thực tế những tác động tiêu cực của Covid-19 đã tạo ra nhiều thách thức lớn cho sự lưu chuyển các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực, việc RCEP nhanh chóng được ký kết dự kiến sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu. Qua đó sẽ giúp kinh tế các nước ASEAN khôi phục và phát triển, trong đó có Việt Nam và các nước đối tác.

Bên cạnh đó, việc ký kết thành công sẽ góp phần vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới trong khu vực, thúc đẩy toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm