Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn

Linh Trần
14/12/2022 - 16:29
Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn

Nhiều hộ dân ở Bá Thước vay vốn để phát triển chăn nuôi

Nhờ những đồng vốn vay ưu đãi, người dân tại vùng khó khăn thuộc huyện Bá Thước đã phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh mới. Trong đó, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định và vươn lên làm giàu.

Làm giàu nhờ những đồng vốn vay ưu đãi

Sau 15 năm triển khai Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31, ngày 5/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ gia đình không thuộc hộ nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Nhờ số vốn đó, người dân đã đầu tư sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Trước đây, hộ gia đình anh Trương Văn Liên (xã Điền Lư, huyện Bá Thước) nhận khoán khoảng 10ha đất rừng. Tuy nhiên, do không có vốn đầu tư sản xuất, gia đình anh chỉ trồng cây luồng và chăm sóc theo phương thức truyền thống. Vì vậy, chất lượng cây luồng giảm theo từng năm, thu nhập bấp bênh, không ổn định.

Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Trương Văn Liên đã tận dụng tối đa quỹ đất của gia đình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.

Qua nắm bắt thông tin và tìm hiểu kỹ, vợ chồng anh Liên đã chuyển đổi gần 7ha diện tích trồng luồng bị suy thoái sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn theo hướng hàng hóa phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, như: Bưởi diễn, Bí đao, Ngô, lạc và hoa màu các loại… Đặc biệt, anh Trương Văn Liên đã tận dụng tối đa quỹ đất của gia đình trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi cho trâu, bò.

Trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi, gia đình Liên gặp không ít khó khăn về vốn để đầu tư sản xuất. Hội Nông dân xã Điền Lư đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho anh Liên vay 30 triệu đồng để có thêm nguồn vốn đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi. Ngoài ra, anh còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng một cách hiệu quả trong sản xuất.

Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn - Ảnh 2.

Đàn bò của gia đình anh Liên phát triển tốt

"Trước đây, kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, đất đai có nhiều nhưng lại thiếu vốn đầu tư sản xuất. Nhờ có vốn vay 30 triệu đồng, tôi đã đầu tư vào chăn nuôi và trồng các loại cây ngắn ngày có hiệu quả kinh tế. Sau khi trừ chi phí, hàng năm gia đình tôi thu nhập hơn 150 triệu đồng", anh Liên chia sẻ.

Tiếp tục đồng hành cùng người dân vùng khó

Được biết, Bá Thước là một trong 6 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa. Toàn huyện có 21 xã, thị trấn, trong đó có 20 xã được thụ hưởng nguồn vốn của Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn - Ảnh 3.

Vườn Bí đao của gia đình anh Liên

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, hàng năm, Ngân hàng CSXH huyện Bá Thước đã tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn. Đồng thời, phối kết hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, như: Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh và Đoàn thanh niên… với 302 Tổ tiết kiệm và vay vốn, để thực hiện Chương trình tín dụng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức giải ngân kịp thời, đến nay tổng dư nợ cho vay Chương trình hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn đạt trên 114 tỷ đồng, cho 2.979 hộ vay vốn, chiếm trên 24% tổng số dư nợ của Ngân hàng.

Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn - Ảnh 4.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Từ nguồn vốn vay của Chương trình, nhiều hộ dân ở vùng khó khăn trên địa bàn huyện Bá Thước đã sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích khi đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, địa phương để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân. Đồng thời, đảm bảo cho các hộ có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn từ Chương trình này.

Hiệu quả của chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn - Ảnh 5.

Người dân làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Ngoài ra, ngân hàng cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Chính trị xã hội nhận ủy thác các cấp, chính quyền cấp xã để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về các chương trình tín dụng chính sách; các đối tượng được thụ hưởng và phương thức cho vay để người dân hiểu rõ; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư với việc vay vốn của Ngân hàng CSXH, làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn về phương án, cách thức làm ăn phù hợp với điều kiện của thôn, xã; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, áp dụng các mô hình làm ăn có hiệu quả, cây trồng vật nuôi phù hợp vào sản xuất kinh doanh; động viên, giúp đỡ các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm