Hình ảnh phản chiếu của bố mẹ

05/09/2015 - 16:15
Bé hành động giống bố không hẳn vì bé thích mà bởi muốn gắn kết hơn với bố. Mặt khác, bắt chước là một bước tiến đến sự tự lập và phát triển ngôn ngữ.
Tuần vừa rồi bà nội về quê vài hôm nên tôi phải nghỉ phép ở nhà trông con. Vài ngày ở nhà với bé Mốc, tôi vừa bất ngờ vừa hạnh phúc khi tận mắt chứng kiến những bước phát triển và cử chỉ đáng yêu của con. Bắt chước là một trong những điều thú vị đó.
Bé Mốc mới tròn 1 tuổi nhưng đã rất ra dáng. Từ ngày chập chững biết đi, con lại càng tự lập và ngộ nghĩnh hơn. Tôi sẽ chẳng nhận ra rằng Mốc đang bắt chước người lớn nếu không có cuộc điện thoại cho bà nội. Mốc áp bàn tay vào má và nói: “a ba”. Hẳn là bé đang muốn nói alo giống những lần bà gọi điện thoại.
 

Con sẽ bắt chước từ những việc nhỏ như nghe điện thoại
Từ đó, tôi để ý đến những cử chỉ của con nhiều hơn và nhận ra không ít cử chỉ thú vị như sờ cánh mũi giống bố, vuốt tóc giống bà và đưa tay che miệng ngáp giống mẹ. Buổi trưa, 2 mẹ con vào phòng ngủ, Mốc cầm ngay điều khiển từ xa và chĩa lên trần nhà như thể đang bật điều hòa. Đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với những cử chỉ, hành động bắt chước vô cùng đáng yêu của Mốc, tôi càng vui khi biết rằng bé đang học tập từ việc bắt chước đó.
Theo Andrew Meltzoff, Giám đốc viện nghiên cứu của Mỹ về học tập và khoa học não bộ, bắt chước là cách học tập đầu tiên của bé thông qua 4 bước: quan sát, lắng nghe, xử lý thông tin và hành động.

Bắt chước không đơn giản là lặp lại hành động mà còn là cách để bé học tập
Quả thực, khi ăn cơm, tôi đặt vào khay của bé 1 chiếc bát nhựa cùng ít đồ ăn và thìa. Tôi dùng thìa và bát của mình xúc ăn một cách ngon lành trước mặt con. Sau vài lần, Mốc tự cầm thìa và cố gắng xúc đồ ăn trong bát. Mặc dù xúc chẳng được bao nhiêu, thậm chí còn làm vương vãi đồ ăn ra khắp sàn nhà nhưng tôi tin rằng chẳng bao lâu Mốc sẽ tự xúc ăn cùng bữa với mọi người. Nhiệm vụ của tôi là trở thành hình mẫu thật tốt để con bắt chước theo.
Hơn thế, mỗi lần Mốc bắt chước và nói “a, ba, me, nhăm, măm”, tôi hiểu rằng những từ tưởng như vô nghĩa với người lớn chúng ta lại là nền tảng để bé phát triển ngôn ngữ. Sau một thời gian, bé sẽ thu gọn lại và nói được những từ có ý nghĩa thực sự với âm thanh tương tự như “bà, mẹ, nhanh, măm”. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhẹ nhàng nhắc lại cho con những từ đó một cách chậm rãi và rõ ràng, kèm theo hành động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm