pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hình mẫu về tình thương và sự kiên trì
Anne Sullivan sinh ra trong một gia đình nghèo ở bang Massachusetts, Mỹ. Năm 5 tuổi, Anne mắc bệnh đau mắt hột và di chứng của căn bệnh đã làm thị lực của bà bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mẹ mất năm bà lên 8 tuổi, bố thì bỏ đi, bà và em trai được gửi đến trại tế bần Tewksbury Almshouse.
Trong thời gian ở đây, Anne đã tìm hiểu về các trường học dành cho người mù và quyết tâm học hành để thoát nghèo. Khi có một đoàn thanh tra tới kiểm tra nơi ở, bà đã lấy hết dũng khí để xin họ gửi bà tới Trường học cho người khiếm thị Perkins, và yêu cầu của bà đã được chấp nhận.
Trong thời gian học tại Perkins, bà đã trải qua hai cuộc phẫu thuật mắt và lấy lại một phần thị lực đủ để đọc mỗi lần vài trang sách.
Anne Sullivan tốt nghiệp năm 1886. Bà muốn tìm việc làm nhưng thị lực yếu trở thành rào cản với bà. Sau đó, bà được giới thiệu làm gia sư cho cô bé Helen Keller, và hai người bắt đầu một tình bạn kéo dài gần 50 năm.
Anne gặp vô số khó khăn khi dạy Helen, không chỉ vì Helen mất khả năng nghe – nhìn – nói, mà còn vì những hành động thô lỗ và tính khí thất thường của cô bé. Bà rất thương Helen, nên vô cùng nghiêm khắc với cô bé, bất chấp sự phản đối của bố mẹ cô.
Chỉ sau đó một tháng, Helen đã bắt đầu học được từ ngữ, rồi chữ nổi và tiến tới học sử dụng máy đánh chữ. Bà cũng gia đình Helen đưa cô bé đi tập nói với các bác sĩ có tiếng bằng cách cho cô bé sờ khẩu hình của các chữ cái và cố gắng phát âm theo.
Dần dần, Helen đã có thể nói và giao tiếp được. Năm 1896, Helen Keller bắt đầu theo học tại Trường Nữ sinh Radcliffe, trở thành người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên của Mỹ đi học đại học.
Cuộc sống đại học vô cùng vất vả với cả cô giáo Anne Sullivan và Helen Keller. Trường không có đề gõ bằng chữ nổi cho Helen, nên Anne thường xuyên thức khuya để gõ lại đề cho cô học trò.
Trẻ em cần được hướng dẫn và cảm thông nhiều hơn là sự chỉ dẫn”.
Anne Sullivan
Bà cũng phải đọc rất nhiều sách để có thể giảng lại nội dung bài giảng trên trường cho Helen do Helen không thể nghe. Những ngày thi cử, bà phải tìm cách miêu tả hình minh hoạ của đề mà không phạm quy tắc thi của trường.
Số lượng bài vở khổng lồ nhanh chóng làm thị lực của Anne xấu đi. Mọi sự kiên trì của bà đã được đền đáp xứng đáng, khi vào ngày 28/06/1904, Helen Keller trở thành người khiếm thị và khiếm thính đầu tiên lấy được bằng cử nhân của Đại học Radcliffe.
Sau đó, Helen Keller và Anne Sullivan bắt đầu những cuộc thuyết trình vòng quanh thế giới. Khi nhu cầu thính giả giảm dần, hai người chuyển qua làm kịch vui để duy trì thu nhập.
Năm 1922, Anne Sullivan mắc bệnh phổi và yếu dần. Bà không thể làm phiên dịch cho Keller được nữa. Anne Sullivan qua đời vào ngày 20/10/1936, hưởng thọ 70 tuổi. Bà được an tang tại Nhà thờ chính tòa Quốc gia Washington, và Helen sau khi mất đã được chôn ở cạnh bà.
Tại lễ tang của bà, Giám mục James E. Freeman đã nói: "Trong số những nhà giáo vĩ đại nhất của mọi thời đại, bà chiếm một vị trí quan trọng và nổi bật... Cái chạm tay của bà không chỉ soi sáng con đường của một tâm trí u mê mà còn giải phóng cả một linh hồn theo đúng nghĩa".
Câu chuyện của hai cô trò Anne và Helen đã được chuyển thể thành bộ phim mang tên "Phép lạ tình thầy trò" (The Miracle Worker). Anne Sullivan đã để lại cho thế giới một vĩ nhân là Helen Keller và một hình mẫu tuyệt vời về tình thương, sự kiên trì và nỗ lực là chính mình.