Hỗ trợ lâu dài cho hơn 2.500 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

PV
21/10/2021 - 16:52
Hỗ trợ lâu dài cho hơn 2.500 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19

Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu tại tổ. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên thảo luận tại tổ ngày 21/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi. Trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ.

Thảo luận tại tổ ngày 21/10, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhận định: Các gói hỗ trợ về an sinh xã hội trong năm 2021 là rất quan trọng; được thực hiện bài bản, có lộ trình, có bước đi.

Theo ông Đào Ngọc Dung, khi dịch bệnh bùng phát, chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đã ban hành các gói hỗ trợ về an sinh xã hội. Trong đó, Nghị quyết 68 được thực hiện khẩn trương.

Đến nay, đã có 25,12 triệu lượt người được thụ hưởng theo Nghị quyết 68 với số tiền lên tới 23.000 tỷ đồng.

Về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 116, theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đây là gói hỗ trợ chưa có tiền lệ. Việc giải ngân đã được tiến hành ngay cho người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, thông qua hình thức chuyển qua tài khoản ngân hàng cho người dân, về cơ bản đến nay đã thực hiện xong. Trong bối cảnh giãn cách xã hội do dịch bệnh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ: "Chúng ta không thể hình dung nổi hết những khó khăn như thế nào. Nhưng phải nói, tôi rất biết ơn người dân TP.HCM đã hy sinh những vấn đề cá nhân, tuân thủ việc ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Rồi các cán bộ tổ dân phố đã đến từng nhà, từng ngõ để hỗ trợ người dân…"

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đến nay có 2.580 trẻ rơi vào tình trạng mồ côi. Trong đó có 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ; 80 trẻ mất cả cha lẫn mẹ.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam sẽ hỗ trợ 5 triệu đồng cho các cháu còn cha hoặc mẹ. Với các cháu không còn cha lẫn mẹ thì hỗ trợ trực tiếp 20 triệu đồng bằng tiền mặt, bằng sổ tiết kiệm để hỗ trợ cho các cháu ăn học.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết: "Vừa qua có những doanh nghiệp muốn thành lập những cơ sở nuôi dưỡng riêng cho các em. Tuy nhiên, chúng tôi không khuyến khích, bởi gia đình vẫn là tất cả đối với các cháu. Khi các cháu không còn bố mẹ thì còn ông bà, người thân, không còn người thân thì còn trách nhiệm nhà nước".

Thậm chí có tổ chức quốc tế muốn nhận đỡ đầu các cháu, nhưng Bộ LĐ-TB&XH chỉ khuyến khích việc "hỗ trợ tiền, vật chất cho các cháu", nhà nước đứng ra nhận, chứ không đồng ý với việc tổ chức quốc tế đứng ra đỡ đầu cho các cháu.


Hỗ trợ lâu dài cho hơn 2.500 trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Các ĐBQH thảo luận tại tổ

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết: Về gói chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa trong thời gian tới, phải sử dụng tổng thể cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; phục hồi cả về kinh tế và xã hội, gói hỗ trợ phải đủ lớn, lộ trình hợp lý. 

Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị thực hiện gói hỗ trợ trong 2 năm 2022-2023. Cụ thể, năm 2022 tập trung vào giải quyết giảm thiểu thiệt hại, an sinh xã hội, điều kiện phục hồi, tăng tổng cầu, chuẩn bị năng lực đầu tư để năm 2023 có thể đưa ra gói kích thích kinh tế lớn hơn, hướng đến các ngành, lĩnh vực có khả năng tăng trưởng cao như kết cấu hạ tầng, logistic, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh... 

Đồng thời đề nghị xác định đúng, trúng mục tiêu của gói chính sách này, đưa vào các ngành nào để tạo tác động lan tỏa, kích thích khôi phục nền kinh tế. Bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng bị trục lợi, bị lợi ích nhóm thao túng.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trước khi có gói chính sách mới thì phải tập trung làm thật tốt các gói chính sách hỗ trợ hiện có, chuẩn bị thật tốt để giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tổng các gói chính sách hỗ trợ hiện nay cũng đã hơn 100.000 tỷ đồng và đang phát huy hiệu quả.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm