pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ nông sản Việt vượt bão Covid-19 (Bài 3): “Bắc cầu” ra thế giới
Nhiều loại trái cây, nông sản Việt Nam đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ảnh: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chánh Thu.
Đưa nông sản Việt ra thế giới từ tâm dịch
Ngày 26/5/2021, huyện Tân Yên, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Lễ xuất hành lô vải chín sớm huyện Tân Yên sang thị trường Nhật Bản.
Trước đó, ngày 23/5, sau 7 tiếng vận chuyển bằng đường hàng không từ sân bay Nội Bài, 3 tấn vải quả đầu tiên của tỉnh Hải Dương đã có mặt tại các siêu thị Nhật Bản.
Phát biểu tại lễ xuất hành, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, khẳng định: Năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các vùng trồng vải thiều an toàn trước dịch bệnh Covid-19. Chuyến vải thiều sớm đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản là một minh chứng khẳng định sự quyết tâm, nghiêm túc, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân tỉnh Bắc Giang trong quá trình sản xuất, tiêu thụ vải thiều.
Vải thiều được xuất ngoại từ tâm dịch Bắc Giang tới Nhật Bản - một thị trường lớn, tiềm năng, có yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh cho thấy sự chủ động, nỗ trong công tác hỗ trợ kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu nông sản của cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương.
Để "dọn đường" xuất khẩu cho trái vải, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực kêu gọi các sàn giao dịch thương mại điện tử, các đầu mối thu mua trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài tham gia hoạt động giao thương trực tuyến với các đầu mối xuất khẩu tại các Hội nghị xúc tiến xuất khẩu vải thiều do UBND tỉnh Hải Dương và tỉnh Bắc Giang tổ chức.
Đồng thời, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã sớm triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh quả vải Việt Nam tại thủ đô Tokyo và nhiều địa phương của Nhật Bản. Cụ thể: phối hợp với đầu mối nhập khẩu phía Nhật Bản phổ biến rộng rãi thông tin tới cộng đồng về chương trình mua vải theo hình thức trực tuyến, đồng thời tích cực kêu gọi các doanh nghiệp Nhật quan tâm đầu tư các công nghệ hiện đại giúp xử lý, bảo quản quả vải tươi hiệu quả hơn… Trong mùa vụ năm nay, các công ty đầu mối xuất khẩu vải thiều đã xây dựng kế hoạch xuất khẩu khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi sang Nhật Bản.
Trong tuần qua, Thương vụ Việt Nam tại Úc cũng đã làm việc với các nhà nhập khẩu quả vải để thống nhất thực hiện kế hoạch nhập khoảng 100 tấn quả vải từ Việt Nam sang các bang Nam Úc và Tây Úc. Đối với các bang còn lại, Thương vụ đang tiếp tục kết nối giao thương, căn cứ vào tình hình vận chuyển.
Bộ Công thương với nỗ lực xuất khẩu nông sản Việt
Đến nay, nhiều loại trái cây của Việt Nam như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, bưởi, nhãn, dừa, vải… đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, Úc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều địa phương đang thực hiện phong tỏa hoặc giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.
Về việc tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với các Vụ thị trường nước ngoài làm việc với các Bộ, ngành liên quan đề xuất phương hướng hỗ trợ duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống, xử lý vướng mắc trong quá trình thông quan hàng hóa tại biên giới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lưu thông hàng hóa xuất khẩu. Ngoài các thị trường truyền thống, các Vụ thị trường nước ngoài cần mở rộng thêm các thị trường khác như thị trường có các loại nông sản ôn đới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt chú ý xây dựng quy trình xuất khẩu theo đường chính ngạch.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiêu thụ nông sản của các địa phương, ngày 25/5/2021, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đã ban hành công văn số 334/XNK-XXHH đề nghị các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực tạo điều kiện thuận lợi nhất khi cấp C/O cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu.
C/O - Certificate of Origin: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá. Đây là một chứng từ quan trọng trong bộ hồ sơ xuất nhập khẩu để đảm bảo quyền ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan (hạn ngạch). Hiện Việt Nam đang áp dụng chế độ ưu đãi thương mại với hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu trên cả nước đã cấp 420.000 bộ C/O, trị giá 21 tỷ USD cho hàng hóa đi các thị trường được hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Cụ thể, Cục Xuất nhập khẩu đề nghị ưu tiên cấp C/O trong thời gian sớm nhất đối với nông sản xuất khẩu, đặc biệt là nông sản tại các địa phương đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như Bắc Giang, Hải Dương và các mặt hàng đang vào vụ, có thời gian thu hoạch ngắn như vải.
Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu khu vực Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai căn cứ tình hình thực tế, xem xét bố trí làm thêm giờ, kể cả làm việc vào thứ Bảy, chủ nhật và ngày nghỉ để xử lý hồ sơ cấp C/O.
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu cũng yêu cầu các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu ở khu vực biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, báo cáo Cục ngay khi có dấu hiệu nông sản xuất khẩu ùn tắc ở cửa khẩu.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ