Hòa Bình: XKLĐ 'chui' gần bằng 3 lần chính ngạch

13/04/2016 - 00:21
Trong khi mỗi năm Hòa Bình chỉ khoảng 300 người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) theo đường chính thức thì 2 năm qua đã có 1.700 người ra nước làm việc “chui”. Với những lao động này đã gặp nhiều hệ lụy ở xứ người khi không có gì đảm bảo.

Theo điều tra của công an tỉnh Hòa Bình, trong năm 2014 - 2015, toàn tỉnh Hòa Bình có khoảng 1.700 người xuất cảnh lao động “chui”. Trong khi số người đi xuất khẩu lao động chính thức chỉ khoảng 300 người/năm.

xkld-chui.JPG
Tháng 3/2015, bị cáo Trần Thị Yến (sinh năm 1971, trú tại xóm Lòng xã Yên Trị, Yên Thủy, Hòa Bình) bị TAND tỉnh Hòa Bình xử 3 năm tù về hành vi 2 lần đưa tổng số 14 người trốn sang Trung Quốc để làm lao động “chui”. Ảnh: Phạm Hương

Trong 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng Công an tỉnh Hòa Bình đã phá 3 vụ án tổ chức đưa 38 người ra nước ngoài lao động trái phép, bắt 3 đối tượng. Thủ đoạn chính là lợi dụng mối quan hệ quen biết và hứa sắp xếp công việc ổn định với mức lương hấp dẫn; tập trung vào người dân ở vùng khó khăn, thiếu việc làm, hiểu biết hạn chế; với số tiền đặt cọc chỉ 6 -10 triệu đồng. Nếu không có tiền, đối tượng môi giới có thể ứng trước rồi trừ dần vào lương. Điển hình ngày 23/2, lực lượng chức năng đã bắt quả tang Triệu Văn Thuận, trú tại xã Tây Phong (Cao Phong) tổ chức đưa 13 người xuất cảnh lao động “chui” sang Trung Quốc, thu giữ 30,4 triệu đồng và 5.000 nhân dân tệ.

xkld-chui1.JPG
Ngày 6/3/2016, Công an tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công an phường Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) bắt quả tang Quách Đức Thường đang thực hiện hành vi tổ chức đưa 19 người đi lao động ở nước ngoài trái phép. Ảnh: Xuân Tuấn

Thuận khai nhận đã từng đi lao động trái phép tại Trung Quốc. Khi về nước, đối tượng này lôi kéo những người khác có nhu cầu. Nạn nhân mà Thuận nhắm đến là những người trong độ tuổi lao động, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ học vấn thấp.

img_8470.JPG
Gia cảnh nghèo khó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bất chấp nguy hiểm xuất khẩu lao động "chui".

Theo thiếu tá Đinh Văn Thới, Phó Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, ngoài những thủ đoạn trên, các đối tượng còn thành lập công ty, mở chi nhánh tại tỉnh làm bình phong. Để qua mắt chính quyền cơ sở, đối tượng in tờ gấp, đĩa CD giới thiệu công việc tại nước ngoài với thu nhập cao, cam kết hỗ trợ cho vay ban đầu làm các thủ tục rồi trừ dần vào lương, ưu tiên người thuộc hộ nghèo. Vì vậy, các thủ tục diễn ra có sự cam kết giữa người lao động với công ty và chứng kiến của chính quyền địa phương khiến cho việc xử lý rất phức tạp. Đơn cử như vụ Công ty tuyển dụng lao động Hoàng Thắng thu 123,2 triệu đồng của 6 người dân huyện Kim Bôi rồi đưa theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm