Khát vọng đổi đời
Dẫu quốc gia Arab này vẫn chưa có một nền hòa bình trọn vẹn nhưng ở đây có một hệ thống giáo dục tiên tiến và hiện đại hàng đầu khu vực. Một nền giáo dục bình đẳng khiến hàng rào phân biệt giới mất dần, qua việc một số phụ nữ đã nắm giữ chức vụ thị trưởng, thẩm phán, bộ trưởng, kể cả làm chủ doanh nghiệp.
Phụ nữ hiện chiếm 13% trong Ủy ban lập pháp nước này. Ở cả 2 khu vực Bờ Tây và dải Gaza, phụ nữ tốt nghiệp đại học nhiều hơn nam giới và số nữ luật sư ngày càng gia tăng. Các lãnh đạo nữ Palestine cũng đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong tiến trình hòa bình cho đất nước. Khi xung đột giữa 2 bên nổ ra, phụ nữ được khuyến khích xây dựng các kỹ năng đàm phán, dám dấn thân đi đầu với mong muốn thay đổi hòa bình trong khu vực.
Phụ nữ được khuyến khích xây dựng các kỹ năng đàm phán
Khoảng 200 học viên nữ đã tốt nghiệp ngành an ninh và khoa học quân sự của Đại học Al-Istiqlal. Họ đã trải qua quá trình đạo tạo 4 năm ngang bằng với nam giới về kỹ năng cơ bản trong chiến đấu, thực thi pháp luật và điều tra. Mới đây, 20 nữ biệt kích đã được đào tạo để gia nhập lực lượng bảo vệ yếu nhân.
Những nữ doanh nhân Palestine đang trở thành một lực lượng đáng kể góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển trong vài năm gần đây. Mới ra đời năm 2010, Đài Phát thanh NISAA của bà Maysoun Odeh Gangat đã xếp hạng 2 trong số 5 đài phát thanh hàng đầu của Ramallah - thành phố lớn nhất Palestine. Đài phát thanh này dành phần lớn thời lượng cho các chương trình phục vụ thính giả nữ, từ chuyện hôn nhân gia đình, nuôi dạy con, việc làm, các dự án kinh tế gia đình cho đến nhu cầu giải trí, làm đẹp… Bà Gangat muốn giúp phụ nữ Palestine có tiếng nói riêng của mình.
Tự tin làm công việc mình yêu thích
Chuỗi cửa hàng cà phê độc quyền ZAMN nổi tiếng tại Ramallah được bắt đầu bởi Huda El-Jack. Cô đang tìm kiếm cơ hội mở rộng chuỗi kinh doanh. Thương hiệu cà phê của ZAMN, wi-fi miễn phí tốc độ cao và thực đơn phong phú đã thu hút nhiều phụ nữ ở Ramallah. Ngoài ra, El-Jack còn là nhà quản lý đầu tư tại quỹ cung cấp vốn tư nhân Siraj FUN I. Cô cũng là giám đốc của Công ty Wassel Palestine Logistics & Distribution với 1.000 nhân viên, có trụ sở đặt tại Ramallah. El-Jack tâm sự: “Tôi muốn truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ khác có quyết tâm kinh doanh như tôi. Phụ nữ có thể làm được tất cả những gì mình muốn”.
Maysoun Odeh Gangat - Giám đốc Đài Phát thanh NISAA
Gìn giữ truyền thống
Trung tâm di sản Palestine ở thành phố Bethlehem là nơi trưng bày những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Palestine, bao gồm trang phục mặc trong đám cưới, trong các dịp lễ hội đặc biệt hay thậm chí là trang phục đời thường. Ở Palestine, nhiều phụ nữ được thừa hưởng trang phục từ tổ tiên của mình. Thậm chí, nhiều người còn gìn giữ những bộ trang phục có từ những năm 1800.
Đối với phụ nữ Palestine, trang phục cũng thể hiện tình trạng hôn nhân của mỗi người: Trang phục màu đỏ dành cho những phụ nữ có chồng, màu xanh dành cho những cô gái trẻ, còn màu đen dành cho những phụ nữ góa chồng. Ngoài ra, thông qua những hoa văn tinh xảo được thêu bằng tay trên quần áo, người ta có thể hiểu được những thông điệp ẩn chứa bên trong chúng.
Huda El-Jack - bà chủ chuỗi cửa hàng cà phê độc quyền ZAMN
Bà Maha Saca, người sáng lập Trung tâm Di sản Palestine, cho biết trang phục chính là sự thể hiện nét văn hóa đặc trưng của từng địa phương. Bà tâm sự: “Tôi bắt đầu sưu tầm trang phục từ năm 1991. Đây là công việc rất quan trọng bởi thông qua đó, tôi có thêm nhiều hiểu biết về trang phục truyền thống của phụ nữ Palestine”. Hiện nay, có rất nhiều phụ nữ đến Trung tâm Di sản Palestine để tặng các bộ trang phục, trong đó nhiều bộ trang phục có niên đại lên tới 120 năm. Đối với Saca, việc sưu tầm những bộ trang phục truyền thống nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của người Palestine đã trở thành niềm đam mê cả đời mình.
Một chiếc mũ màu da cam với những nét thêu đặc biệt và đính các đồng tiền vàng bạc được xem là một “ngân hàng di động” của phụ nữ Palestine. Họ cất giữ tiền bạc trong mũ và thể hiện đẳng cấp của mình. Theo bà Saca, chiếc mũ loại này rất tinh xảo và đẹp, cần phải lưu giữ. Bà đã thuê 40 người thợ sáng tạo các mẫu mã, thêu thùa, may được nhiều trang phục, các bức rèm, bộ khăn trải bàn mang đậm nét truyền thống Palestine. Các sản phẩm họ làm ra không chỉ là nguồn thu nhập quan trọng mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Maha Saca và chiếc mũ đặc biệt
Đối với những người thợ, đây là cơ hội để họ khẳng định sự độc lập tài chính, tăng lợi nhuận cho gia đình. Cô Asma AAmesh, một thợ thêu, tâm sự: “Saca đã để chúng tôi tự do làm việc, tự do sáng tạo trên nền tảng truyền thống và các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc”. Đặc biệt, việc giữ gìn màu sắc vốn có của Palestine như màu đỏ và da cam nhưng không được sặc sỡ, diêm dúa mà nền nã, đậm đà và duyên dáng. Niềm say mê của Saca đã được khắc họa trong cuốn sách mà bà viết cùng con gái Iman với tựa đề “Bản sắc nghề thêu: Một thế kỷ phát triển của trang phục truyền thống Palestine”.