pnvnonline@phunuvietnam.vn
Họa sĩ dũng cảm dùng tranh hoạt hình "nói" những điều cấm kỵ
Ba nhân vật hoạt hình màu vàng nổi bật trên nền đỏ. Không cầu kỳ, không hoa mỹ nhưng đáng nhớ với bất kỳ người xem nào, bức tranh Ignorance = Fear là một trong những tác phẩm hội họa nổi bật nhất của văn hóa đại chúng.
Ignorance = Fear (tạm dịch: Thiếu hiểu biết = Sợ hãi) ra đời năm 1989. Đây thực chất là một tấm áp phích kêu gọi phòng chống HIV/AIDS từng được dán khắp đường phố New York. Cha đẻ của bức tranh, Keith Haring (1958-1990) là một nghệ sĩ Graffiti vĩ đại với biệt tài vẽ tranh cổ động. Tranh của ông xuất hiện những nhân vật hoạt hình đơn giản nhưng lại có tính biểu tượng cao.
Bức tranh Ignorance = Fear (tạm dịch: Thiếu hiểu biết = Sợ hãi) ra đời năm 1989 là một áp phích kêu gọi phòng chống HIV/AIDS. Ảnh: Medium
Họa sĩ Keith Haring là người đồng tính, ông trưởng thành trong giai đoạn căn bệnh HIV/AIDS đang càn quét qua cộng đồng LGBT tại Mỹ. Chính vị họa sĩ cũng là một trong vô số nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.
Haring biết rằng mình không còn sống được bao lâu. Trong vòng 2 năm sau khi mắc bệnh, Haring tập trung truyền tải những thông điệp ý nghĩa về AIDS và Ignorance = Fear là nỗ lực nổi bất nhất của vị họa sĩ tài ba.
Phóng to bức tranh
Ba nhân vật trong bức tranh của ông không rõ giới tính, chủng tộc. Keith Haring đã "phi cá nhân hóa" nhân vật để cho thấy, ai cũng có thể là nạn nhân của HIV/AIDS. Cả ba đều có dấu X ở giữa ngực tượng trưng cho bệnh nhân AIDS, họ đang bịt mắt, bịt miệng và bịt tai giống như hình tượng Khỉ tam không "không thấy, không nghe, không nói".
Khi phóng to bức tranh và bỏ qua những dòng chữ xung quanh, có thể mường tượng ra ba nhân vật này đang nhảy múa. Nó giống với khung cảnh một quán bar vui vẻ - nơi từng tập trung những người trẻ với hành vi quan hệ tình dục không an toàn và chính họ không thể lường trước được hậu quả của nó. Hai dòng chữ trên bức tranh đã nói lên thông điệp không thể rõ ràng hơn về HIV/AIDS: Thiếu hiểu biết là sợ hãi, im lặng là cái chết.
Bỏ qua những dòng chữ, người xem có thể tưởng tượng ra bối cảnh 3 người nhảy múa bên trong một câu lạc bộ đêm. Ảnh: Great Art Explained
Trong thời điểm Haring cho ra mắt bức tranh, đã có hơn 100.000 người mắc AIDS tại Mỹ và nhiều bệnh nhân không đủ điều kiện tài chính để mua thuốc điều trị. AIDS là một vấn đề lớn, một "căn bệnh đắt đỏ" nhưng đồng thời cũng là một điều cấm kỵ. Người ta không muốn cởi mở thảo luận về căn bệnh này. Thời điểm đó, đại đa số vẫn nghĩ bệnh AIDS có thể bị lây qua một nụ hôn hay thông qua nhà vệ sinh công cộng,
Những tác phẩm của Keith Haring đã buộc người dân Mỹ phải nhìn thẳng vào căn bệnh quái ác. Ông được nhận định là có biệt tài "bán những thông điệp xã hội phức tạp giống như cách các cửa hàng bán máy hút bụi", hấp dẫn và hiệu quả.
Vị họa sĩ tài năng qua đời ở tuổi 32, 2 năm sau khi nhiễm HIV. Ảnh: Medium
Trong quá trình phân tích bức tranh, các chuyên gia từ Great Art Explained nhận định, Keith Haring là một vị họa sĩ không biết ngại trong một "kỷ nguyên ngại ngùng". Ông đã không im lặng mà mạnh mẽ lên tiếng vì bệnh nhân HIV/AIDS trong khi phần còn lại của thế giới vẫn còn quá sợ hãi những định kiến.
Hai năm tận tụy với sử dụng nghệ thuật để tuyên truyền về AIDS cũng là 2 năm cuối cuộc đời Keith Haring. Ông ra đi ở tuổi 32 khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Với tầm ảnh hưởng mạnh mẽ, Haring đã để lại những tác phẩm giá trị hỗ trợ rất nhiều trong việc tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS đến cộng đồng LGBT và toàn xã hội.
Một số tác phẩm của Keith Haring:
Hình ảnh chiếc lỗ trong tranh Keith Haring ám chỉ bạo lực súng đạn, bức tranh ra đời sau vụ ám sát John Lennon. Ảnh: Medium
Hình ảnh những người nhảy múa thường xuyên xuất hiện trong tranh của Haring. Ảnh: Medium
Bức tranh về UFO đại diện cho sự khác biệt và những con người nằm ngoài các chuẩn mực xã hội. Ảnh: Medium