Phác họa hình ảnh phụ nữ dọc theo triền ký ức
- Nói đến Đỗ Phấn, người ta nghĩ ngay đến một cây bút đầy duyên nợ với Hà Nội. Vì cớ gì mà ông có tình yêu sâu thẳm như vậy với Hà Nội?
Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: Ngoại trừ vài năm ở lính, tôi sống ở mảnh đất này đã hơn 60 năm rồi. Quê hương bản quán cũng ở đây. Những mối quan hệ, những công việc, cảnh vật và con người nơi này đồng hành với tôi gần như suốt cả cuộc đời. Không có nơi nào gắn bó với tôi hơn thế!
- Mới đây, tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” của Nhà xuất bản Trẻ vừa ra mắt và ông cũng góp một vài tác phẩm trong đó. Ông muốn gửi gắm điều gì qua những tác phẩm của mình?
Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: Tôi có vinh dự được ra mắt 4 cuốn tản văn trong tủ sách này, trong đó có 2 cuốn tái bản và 2 cuốn mới cũng của Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. Cả 4 cuốn sách đều là những tản văn ngắn về cuộc sống, con người và cảnh vật Hà Nội. Tôi muốn ghi chép lại những gì mình được chứng kiến và ngẫm nghĩ về nó. Hay có, dở có. Một chút tiếc nuối và một chút hi vọng.
- Đọc “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, “Đi chơi bờ Hồ”…, độc giả thấy rõ một Hà Nội như những thước phim quay chậm với đầy đủ những hồi ức sống động về nét văn hóa, lối sống của người Tràng An một thời. Trong bức chân dung nhiều chiều của thành phố đã luôn hiển hiện bóng dáng người phụ nữ Hà Thành xưa. Ông có thể khắc họa đôi chút về họ được không?
Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: Tôi không viết về cá nhân một phụ nữ Hà thành nào cả. Phụ nữ Hà thành trong sách của tôi có thể là người bạn, người yêu hay người bán rau, người bán bún... Tất cả họ hiện lên đều ở vào thời đã qua, vừa qua hay đã qua vài chục năm trước. Phụ nữ Hà Thành của tôi là một phần quan trọng trong diện mạo thành phố. Họ trang điểm nó, làm nên nó và sống cùng nó. Họ là mẹ, là vợ, là chị em gái của Hà Nội... và cũng chính là của tôi.
Họ tần tảo nhưng không kém phần sắc sảo. Họ khiêm nhường, kín đáo nhưng không kém phần đài các, sang trọng. Họ chịu thương chịu khó nhưng cũng không kém quyết liệt trong tình bạn, tình yêu, nghĩa vợ chồng. Họ tinh tế từ cách ăn mặc cho đến việc bếp núc nội trợ hàng ngày.
Không khư khư giữ nề nếp cũ
- Hà Nội hôm nay đã khác trước rất nhiều, đó cũng là quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Và trong dòng chảy ấy thì hình ảnh người phụ nữ chắc chắn cũng thay đổi theo. Vậy sự khác biệt lớn nhất của người phụ nữ Hà thành xưa - nay là gì?
Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: Ngày bà nội tôi còn sống, mỗi khi có khách của ông nội đến chơi, cụ thường chỉ mang nước ra chào và lại lui vào nhà trong. Cụ cũng dạy con gái, con dâu và các cháu gái lối cư xử như vậy. Không phải vì cụ tự cho rằng địa vị của phụ nữ là thấp kém mà đơn giả, cụ chỉ nghĩ cách ứng xử ấy ngầm dạy con cháu về lòng tự trọng nhiều hơn. Nhưng người phụ nữ Hà Nội nay đã tự do, phóng khoáng và hoạt bát hơn trong đời sống. Họ ý thức được vị trí của mình hơn xưa.
- Theo ông, Hà Nội hôm nay, người phụ nữ Hà thành ngày nay có những gì đáng lưu giữ để thế hệ sau này nhìn lại cũng thấy… rưng rưng?
Họa sĩ – nhà văn Đỗ Phấn: Tôi không nằm trong số những người Hà Nội khư khư một nề nếp cũ. Những gì diễn ra ở Hà Nội ngày hôm nay theo tôi là hay nhiều hơn dở. Những nét xấu xí thì thời nào cũng có. Ta cũng có trách nhiệm phải cải tạo nó. Ta đã từng cải tạo được những nét dở của thành phố từ vài chục năm trước. Nói ví dụ một chuyện thôi, Chợ Đồng Xuân những năm 1970 nổi tiếng xấu là “Một mét vuông có 4 thằng ăn cắp” nhưng giờ thì như bạn thấy, quãng hai chục năm trở lại đây đã không còn bóng dáng kẻ cắp ở Chợ Đồng Xuân rồi. Tiếng xấu ấy đã hoàn toàn biến mất.
Nét cư xử thanh lịch đã trở lại với những người phụ nữ bán hàng trong Chợ Đồng Xuân. Giờ đã không còn cảnh chị em tiểu thương ở đây chèo kéo bán mua hay chao chát cãi cọ. Bạn có thể kiểm chứng điều này bất kì lúc nào.