Học sinh đánh nhau: Đuổi học hay cảm hóa?

13/12/2017 - 15:01
Sau vụ ẩu đả, 2 nữ sinh lớp 9 ở Kiên Giang nhận mức kỷ luật cao nhất là bị buộc thôi học đến hết năm. Sự việc khiến dư luận ít nhiều xót xa và thêm một lần nhìn nhận về cách thức kỷ luật học sinh trước nạn bạo lực học đường đang ngày càng nhức nhối.

Cân nhắc thật kỹ khi đuổi học học sinh 

Đó là nhận định của TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khi nói về câu chuyện giáo dục kỷ luật học sinh hiện nay. Nhiều năm làm quản lý giáo dục, ông cho biết, kỷ luật chỉ là một biện pháp, quan trọng nhất vẫn là người thầy trong giáo dục học sinh.

“Thực tế, hướng kỷ luật mỗi trường có một cách khác nhau nơi làm chặt, nơi lại quá xuề xòa. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là giáo viên, trong mọi tình huống cần hết sức thận trọng, cần học tính kiên nhẫn và quan tâm đến học sinh hơn để tránh đưa ra những hình phạt không đáng có” – ông Tùng Lâm cho hay.

Nữ sinh đánh bạn bị ky luật thôi học. Ảnh cắt từ clip
 

Quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm là giáo viên không nên quá lạm dụng các hình thức kỷ luật, bởi giáo dục hà khắc ít nhiều không còn phù hợp trong xã hội hiện đại, khi mà sự dân chủ giữa người dạy – người học càng thể hiện rõ.

Đây cũng là quan điểm của thầy Bùi Hoàng – nguyên Hiệu trưởng THPT Hà Đông (Hà Nội) khi cho rằng, kỷ luật nặng và không đúng chỗ với học sinh sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc về sau.

Theo thầy Hoàng, khi đã kỷ luật HS, dù ít nhiều phải thật cân nhắc, phải lắng nghe đầy đủ từ nhiều phía trước khi đưa ra quyết định. Đặc biệt, giáo viên cần hết sức thận trọng khi tính đến phương án đuổi học các em.

“Học sinh thời nay luôn khác biệt, dân chủ nên giáo viên cần thật sự linh hoạt. Mục tiêu là để học sinh thay đổi nhận thức, hành vi nên làm quá mạnh tay và cứng nhắc sẽ khiến các em sợ nhưng không phục. Điều này ảnh hưởng đến cả tương lai về sau của các em, đặc biệt là việc đuổi học” – thầy Hoàng nêu quan điểm.

Theo thầy Bùi Hoàng, học sinh vi phạm đạo đức nhiều lần, kéo dài và tỏ ý chống đối thì mới tính đến kỷ luật đình chỉ học. Bên cạnh đó, nhà trường phải đối thoại với học sinh và gia đình để tìm được gốc rễ vấn đề, hiểu được nguyên nhân khách quan và chủ quan trước khi ra quyết định đuổi học em đó hay không. Quan điểm của ông vẫn là hiểu để tha thứ và cho học sinh cơ hội sửa chữa thay vì trừng phạt.

Kỷ luật nghiêm khắc, nhưng cần nhân văn

Trước những vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng gia tăng với mức độ phức tạp, Bộ GD&ĐT cho hay đã có nhiều phương án cụ thể nhằm chấn chỉnh tình trạng này. Một trong các biện pháp chính là đưa ra các hình thức kỷ luật đủ tính răn đe.

Về điều này, ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh – sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho rằng, nhà trường cần có các hình thức kỷ luật học sinh phù hợp với tâm lý lứa tuổi, vừa nghiêm khắc, nhưng cũng vừa nhân văn. Bởi mục tiêu là học sinh hiểu được lỗi lầm, có ý thức tự sửa chữa, khắc phục, có ý thức tự rèn luyện, tự giáo dục.

Trước vi phạm của học sinh, nhà trường cần gần gũi, tìm hiểu rõ bản chất, nguyên nhân sâu xa của của sự việc, từ đó mới đưa ra hình thức kỷ luật. Có như vậy, việc kỷ luật học sinh mới mang tính tích cực, đảm bảo mục đích giáo dục, giúp học sinh tiến bộ sau mỗi lần vấp ngã.

“Nhà trường là nơi để giáo dục học sinh nên người, thậm chí thầy cô còn có nhiệm vụ cảm hóa học sinh hư, chứ không phải tự cho mình quyền không thích học trò thì “đuổi” – ông Linh nhấn mạnh.

Để kiểm soát tốt hơn các hình thức kỷ luật học sinh, ông Bùi Văn Linh cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực nghiên cứu, rà soát tiếp thu ý kiến từ học sinh, phụ huynh, các cơ sở giáo dục để đưa ra các quy định, trình tự, thủ tục xét khen thưởng và kỷ luật học sinh bảo đảm sự thống nhất, dễ thực hiện.

Đặc biệt, Bộ sẽ có hướng dẫn áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực đối với học sinh, có một số thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới trong các Điều lệ trường học tới đây.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm