Thích đề mở, nhưng đừng mở quá
Đó là chia sẻ của Bùi Thị Thu Trinh – nữ sinh lớp 12 THPT Yên Lãng (H.Mê Linh, Hà Nội) khi nhắc đến kỳ khảo sát THPT Quốc gia vào ngày 14/3 tới. Với các em, đây là cơ hội thử thách để lượng sức mình đến đâu, trước khi bước vào kỳ thi chính thức vào tháng 6 tới.
Trinh cho biết, trước ngày thi thử, em khá lo lắng nhưng cũng đã sẵn sàng. Điều mà em băn khoăn là không biết đề có sát với đề thi chính thức hay không bởi mọi năm, những đề thi thử, đề thi minh họa thường khó hơn khi thi chính thức. “Điều này cũng giúp chúng em thở phào nhẹ nhõm hơn một chút bởi nếu thi thử với kết quả khả quan thì lúc bước vào kỳ thi chính sẽ giảm áp lực hơn một chút. Nhưng hi vọng vậy thôi chứ năm nay em sợ là đề thi sẽ khó hơn năm ngoái, vì năm ngoái đề đã dễ rồi!”.
Còn với Đỗ Ngọc Diễm – THPT Yên Viên (H.Gia Lâm), việc lên kế hoạch ôn tập để làm bài thi thử tốt nhất đã được em sẵn sàng, nhưng không tránh khỏi cảm giác căng thẳng. Diễm thật sự chưa hình dung được đề thi sẽ theo hướng nào, có sát với đề thi minh họa mà Bộ GD&ĐT đã công bố trước đó hay không.
“Mong muốn của em là đề thi thử cũng như đề thi chính thức không quá khó, mà quan trọng là phải có sự phân hóa tốt để có thể chọn được những bạn điểm cao. Đề thi mở cũng là một hướng thú vị nhưng thực sự em sợ đề… mở quá thì cũng đau đầu, vì đề càng mở thì độ khó càng cao! Em mong đề sẽ vừa sức với mình!” – Diễm cho hay.
Tập huấn kỹ năng làm bài thi
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, mục đích của đợt khảo sát thi thử THPT Quốc gia này nhằm giúp học sinh tập huấn được kỹ năng làm bài, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan, hướng dẫn học sinh năm vững kiến thức và cách thức xử lý một đề thi.
Trước đó, để giúp học sinh làm quen với kỳ thi THPT Quốc gia, trước cả khi diễn ra thi thử, Sở yêu cầu các trường chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho tất cả giáo viên dạy các môn thi THPT quốc gia về dạy học, kiểm tra, đánh giá, hướng dẫn học sinh, sinh viên làm quen với hình thức trắc nghiệm khách quan. Có thể mời chuyên gia hoặc giáo viên tham gia tập huấn để làm quen báo cáo viên.
Điều mà Sở nhấn mạnh là tập huấn cho các em kỹ năng làm bài thi, nắm vững kiến thức, tránh học tủ, học vẹt, dành nhiều thời gian cho việc tự học, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Với kỳ thi thử, mỗi học sinh dự kiểm tra 4 bài, trong đó 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh) và một môn tự chọn tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý).
Hình thức kiểm tra, môn Ngữ văn kiểm tra theo hình thức tự luận, các bài kiểm tra còn lại theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Đối với các môn Ngoại ngữ khác: Hiệu trưởng các trường THPT căn cứ vào tình hình thực tế của trường, chủ động giao cho giáo viên bộ môn tiến hành, kiểm tra, khảo sát đảm bảo khách quan, phù hợp với nội dung hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT đặc biệt lưu ý, không bắt buộc phải lấy điểm kiểm tra khảo sát (tùy theo điều kiện của từng trường, trung tâm có sử dụng kết quả khảo sát làm điểm kiểm tra thường xuyên), tuyệt đối không được lấy điểm vào kiểm tra định kỳ theo quy định.
Chậm nhất ngày 31/3/2018 các cụm trưởng, trường THPT nộp kết quả kiểm tra khảo sát về các trường, trung tâm trong cụm về Sở GD-ĐT gồm bản đã ký đóng dấu và dữ liệu kết quả khảo sát.