pnvnonline@phunuvietnam.vn
Học sinh nhảy cầu sau kỳ thi và áp lực "Con nhà người ta"
Thông tin từ Đội cảnh sát PCCC và CNCH trên sông (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an Hà Nội), hồi 10h15 ngày 2/7, đơn vị này nhận tin báo từ người dân báo có người nhảy cầu Long Biên. Người nhảy cầu được xác định là một nam sinh. Lực lượng chức năng cho hay nam sinh này sinh năm 2009, trú ở quận Ba Đình, Hà Nội. Em vừa trải qua kỳ thi vào lớp 10.
Để đi đến hành động dại dột đó, em học sinh hẳn đã phải gánh chịu rất nhiều áp lực trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Sức khỏe tâm thần là điều mà chưa nhiều người, chưa nhiều gia đình thực sự quan tâm một cách đúng mức. Trong suốt một thời gian dài, từ tâm thần để "dành" cho những người thực sự mắc bệnh ở mức độ trầm trọng và thậm chí là ở thể nặng, có những biểu hiện lệch chuẩn rõ nét.
Với những người còn lại, cộng đồng thường mặc định họ hoàn toàn không có vấn đề gì về tâm thần, trong khi giống như sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần ở mỗi người đều có lúc khỏe lúc yếu và đáng được quan tâm chăm sóc, sớm can thiệp khi có dấu hiệu bệnh lý.
Những căng thẳng trong suốt một thời gian dài khiến người bệnh mệt mỏi mất động lực sống và tìm cách tự giải thoát cho chính mình, đó là chấm dứt sự sống, phương án tồi tệ nhất với cộng đồng nhưng với người bệnh, đó là lối thoát còn tốt hơn tiếp tục chịu áp lực căng thẳng. Sức khỏe tâm thần là vấn đề của bất cứ ai, đặc biệt với những con trẻ còn chưa trưởng thành, nhận thức và khả năng chịu đựng, đề kháng của các em vẫn chưa phát triển đầy đủ.
Con người là sinh thể xã hội. Sống trong xã hội đương nhiên không tránh khỏi sự so sánh, cân đong đo đếm, thậm chí là bình phẩm, phán xét... Những mong muốn của bản thân, đòi hỏi của chuẩn mực xã hội, mong muốn của những người thân... ở mức độ nào đó đều tạo nên áp lực.
Ở chiều ngược lại, cũng chính áp lực là động lực để mỗi cá nhân cũng như cả xã hội phấn đấu nỗ lực và phát triển. Vấn đề chỉ là áp lực bao nhiêu và thế nào là phù hợp.
Như bất kỳ một hiện tượng, một quá trình, áp lực học hành không hoàn toàn có nghĩa tiêu cực. Câu hỏi đặt ra: Thế nào là áp lực học hành và nên hay không có áp lực trong học hành?
"Con nhà người ta..." là câu dễ khiến giới trẻ dị ứng nhiều nhất. Ở một mức độ nào đó, với sự phát triển của xã hội hôm nay, các bậc phụ huynh thường chất lên vai con cái những giấc mộng dở dang của chính mình.
Những ông bố, bà mẹ U50 thường nuối tiếc về thế hệ mình, trong hoàn cảnh chung của xã hội thời điểm đó, thiếu thốn trăm bề không được phát hiện, bồi dưỡng, phát huy hết năng lực bản thân... Họ đặt ước mơ dang dở đó lên vai con em mình với suy nghĩ cuộc sống hôm nay đã có đầy đủ điều kiện để các em có thể phát huy.
Khi không được như kỳ vọng, họ trực tiếp hay gián tiếp gây áp lực lên con mình. Trực tiếp thì thúc giục, thậm chí mắng mỏ, đề ra "kỷ luật sắt"..., gián tiếp thì than thở, tiếc nuối.
Họ quên đi điều quan trọng là đồng hành với con em mình. Chỉ có sự đồng hành thực sự, họ mới nhìn nhận phát hiện ở con mình những thiên hướng và tạo điều kiện để các em có thể phát huy thế mạnh của mình một cách tối ưu. Chỉ có đồng hành, họ mới có thể san sẻ những gánh nặng, giải tỏa những âu lo và hỗ trợ con đi đúng con đường phù hợp của mình.
"Con nhà người ta" cũng là câu so sánh cho thấy nhiều bậc phụ huynh thường đem những thước đo thành tích, những điều được xã hội thừa nhận đó là giải thưởng, danh hiệu là những bậc xếp loại, những huy chương của các cuộc thi... và gây áp lực để con mình phải giành được... Đó là những áp lực tiêu cực.
Trong khi đó, điều quan trọng đối với một cá nhân là thước đo với chính họ, là sự phát triển từ bên trong, là sự tích lũy phát huy nội lực mà nó được nói một cách dễ hiểu nhất nhưng cũng đầy đủ nhất, đó là tiến bộ so với chính mình ngày hôm qua.
Hình thành và nuôi dưỡng ước mơ, kiên trì với những gì lựa chọn, ghi nhận những tiến bộ so với chính mình... - đó là những điều phụ huynh nên khuyến khích con em mình.