Học sinh, sinh viên tích cực với 'cuộc sống xanh'

17/08/2015 - 17:18
Nếu như vài năm trước, "sống xanh" còn là khái niệm khá lạ thì nay đã ngày một phổ biến và được nhiều bạn trẻ áp dụng.
Huỳnh Mai Anh, ĐH Ngoại thương TP.HCM đã trình làng 2 cuốn cẩm nang sống xanh. Một cuốn dành riêng cho bà nội trợ, một cho mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ. Cô bạn hy vọng cẩm nang sẽ có thể “tô màu” cho cuộc sống của nhiều người thêm xanh hơn.

“Khi nhắc đến bà nội trợ, người ta nghĩ tới nấu nướng, bếp núc, dọn dẹp nhà cửa. Nhưng khi nhắc đến bà nội trợ, tôi nghĩ về tái chế, về môi trường. Người nội trợ sử dụng nhiều điện nước trong công việc hàng ngày của mình, tại sao không tuyên truyền cho họ cách tiết kiệm, điện nước? Người nội trợ thu dọn lon, chai trong gia đình, tại sao không cung cấp cho họ cách tái chế lon chai?” - Mai Anh đã viết trên facebook Nội trợ xanh của mình - nhằm kêu gọi phong trào giúp đỡ người nội trợ áp dụng các cách tiết kiệm năng lượng (điện, nước, gas) và tái chế rác thải.

Ngay lập tức, ý tưởng sống xanh của Mai Anh đã thu hút được cả ngàn bạn trẻ tham gia, hưởng ứng.

Học sinh làm đồ tái chế từ giấy vụn. Ảnh: ST
Tại trường THCS Trung Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), theo bà Nguyễn Thị Tạo, Phó hiệu trưởng nhà trường, học sinh (HS) của trường rất hào hứng tham gia phong trào Sống xanh.
 
Các em đã nhắc nhau ra khỏi phòng tắt điện, rửa tay xong thì đóng van nước..., tận dụng hộp các-tông cũ làm thành thùng rác để ở cuối lớp. Tùy theo loại rác có thể tái chế được hay không mà các em bỏ vào các thùng tương ứng. Vỏ chai nước, que kem… được HS tái chế thành ống cắm bút, đồ chơi… Nhờ đó, số rác thải ít hơn. Quang cảnh của trường cũng sạch sẽ hơn.

Với Nguyễn Thu Hoài (sinh viên năm 3 trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), sống xanh là ngày xuân khi đi lễ chùa không đốt hương, hạn chế vàng mã, rải tiền lẻ khắp nơi, thậm chí là nhét vào tay tượng Phật để cầu lợi cho bản thân. Đôi khi chỉ đến chùa bằng cái "tâm", đi vãn cảnh là chính.

Hoài đã vận động mẹ xách làn đi chợ và "nói không" với túi nylon, thay đun than tổ ong bằng than oxy thân thiện với môi trường. Trong khi đó, các bạn của Hoài thì sống xanh bằng cách tham gia chiến dịch “Tắt máy khi dừng xe chờ đèn đỏ".

Hoài kể, bạn đã biết được rất nhiều bí quyết hay như chỉ bật nồi cơm 30 phút trước bữa ăn, lau chùi tủ lạnh thường xuyên để tiết kiệm điện, nước vo gạo để tưới rau, lấy nước cốt chanh hoặc dấm pha với nước lã làm chất tẩy rửa kháng khuẩn… Nhờ đó, Hoài có thể tiết kiệm được vài trăm ngàn đồng/tháng. Song, quan trọng hơn là hạn chế những tác động xấu tới môi trường.

Tại TP.HCM, 20 năm qua đã có một phong trào mang tên "Ngày Chủ nhật Xanh" thu hút rất nhiều người tham gia. Phong trào không chỉ khuyến khích bạn trẻ dọn đường phố bảo vệ môi trường mà còn lan ra thành hoạt động bảo vệ môi trường như: Trồng cây xanh, làm các công trình giúp người dân vùng khó…

Xuất phát từ phong trào của thanh niên, "Ngày Chủ nhật Xanh" đã trở thành phong trào của toàn cộng đồng.

Thanh Thảo, một thành viên của "Ngày Chủ nhật Xanh" cho biết: Sống xanh đã giúp các bạn gần nhau hơn, tương thân tương ái đoàn kết giúp đỡ nhau. Vì thế, sống xanh khiến mọi người sống có trách nhiệm hơn và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm