Cho rằng đây là một định hướng tốt và TP.HCM có thể sẽ làm được, nhà giáo Lê Đức Dũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề về cách dạy học theo hướng tín chỉ cấp THPT. Theo ông, cách dạy học tiến bộ này không phải ở đâu cũng có thể áp dụng được mà cần đáp ứng những điều kiện nhất định về chất lượng giáo viên, học sinh, cơ sở vật chất.
“Thực ra việc áp dụng đại trà hay thí điểm, điều này dựa vào thiết kế cụ thể của chương trình học. Tôi được biết ở một số nước châu Âu hay Australia vẫn áp dụng dạy THPT tín chỉ đại trà nhưng đề ra nhiều mức dựa trên năng lực của học sinh. Sẽ có mức dành cho học sinh trung bình, nhưng cũng có mức dành cho các em có năng lực cao hơn. Việc lựa chọn chương trình học ở mức nào là quyền của các em” - thầy Dũng nói.
Theo thầy Lê Đức Dũng, TP.HCM nếu “manh nha” muốn thực hiện cách dạy học tiên tiến và có tính mở này, cần chuẩn bị rất tốt các yếu tố về đội ngũ thầy cô giáo, điều kiện học tập và môi trường học tập hiện đại của học sinh. Đó phải là môi trường học tập dân chủ, luôn coi trọng yếu tố sáng tạo, kích thích học sinh phát huy năng lực, sở trường của mình.
“Nếu đặt những điều kiện này lên bàn cân, có lẽ rất khó để chọn được một ngôi trường nào đảm bảo đúng và đủ những điều đó. Chính vì thế, việc lựa chọn trường để thí điểm là điều cần thiết phải làm trước khi áp dụng đại trà. Bởi nếu không thí điểm mà áp dụng ngay, sẽ không tránh được những tổn thương và “thiệt hại” không đáng có đối với học sinh”- thầy Lê Đức Dũng lưu ý.
Một điều nữa được nhà giáo này băn khoăn khi bàn về cách học tín chỉ THPT, chính là quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh trước khi quyết định cải cách. Bởi nếu làm không khéo, sẽ dẫn đến những suy nghĩ mang tính phản tác dụng đối với một quyết sách mang tính mở và tân tiến.
“Tôi đọc những bài báo nói rằng có phụ huynh sợ con mình sẽ mất đi tuổi thơ khi chương trình học bị rút ngắn. Điều này không phải là không có lý, nếu ở góc nhìn của phụ huynh. Nhưng cũng rất cần tìm hiểu suy nghĩ của chính người học là các em, xem các em muốn như thế nào. Mỗi em có một mức độ thông minh khác nhau, nếu bắt các em học chung với nhau 1 năm theo chương trình trước đây thì sẽ bộc lộ điểm không hợp lý. Chính vì vậy, em nào có tư chất có thể đẩy tiến độ học của mình lên. Điều cốt lõi là các em phải được định hướng, được lựa chọn và các em cảm thấy thoải mái khi học, không bị áp lực. Đây là điều hết sức lưu ý khi thiết kế chương trình”- ông nói.
Cũng theo nhà giáo Lê Đức Dũng, ngành giáo dục cần quy định cụ thể về mốc thời gian hoàn thành tín chỉ, đề ra những tiến độ tối thiểu - tối đa cho các em để các em có thể lượng được sức mình và điều chỉnh thời gian học hợp lý.
Đối với giáo viên, ông cho rằng cần làm tốt vai trò định hướng cho học sinh, dạy các em cách tranh luận, phản biện vấn đề, cách sáng tạo trong tiếp cận kiến thức. “Hãy để học trò đóng vai trò trung tâm khi chọn cách tự học theo sức mình. Giáo viên chỉ nên là một người cố vấn và định hướng cho các em khi tiến hành chương trình học này” - nhà giáo Lê Đức Dũng lưu tâm.