Hội LHPN Đà Nẵng: Những cách phân loại rác tại nguồn sáng tạo

An Khê
19/04/2021 - 17:00
Hội LHPN Đà Nẵng: Những cách phân loại rác tại nguồn sáng tạo
Nhằm tối ưu hoạt động phân loại, tái chế rác tại nguồn, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) đã có cách làm sáng tạo, vừa tiết kiệm thời gian, giảm thiểu được lượng rác thải ra môi trường, vừa tăng nguồn thu cho các thành viên tham gia.

Chị Trần Thị Ngọc Lan, Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn, cho biết, hiện nay, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn có 11.245 hội viên, sinh hoạt tại 132 chi hội. Hội viên phụ nữ trên địa bàn quận chủ yếu là cán bộ công chức về hưu, người buôn bán nhỏ, làm nông, công nhân và cán bộ công chức đương nhiệm. Đây là một vùng đô thị đang phát triển, đời sống của phụ nữ tương đối tốt, tuy nhiên, vẫn có một số chị em có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo, thu nhập không ổn định.

Dự án "Mô hình thí điểm về quản lý rác thải tổng hợp nhằm giảm lượng rác thải phát sinh và tối ưu hoạt động phân loại, tái chế tại nguồn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng" được triển khai tại 3/4 phường của quận, đó là các phường: Hòa Hải, Khuê Mỹ và Mỹ An. Các hoạt động của dự án do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng thực hiện trong khuôn khổ dự án do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP, chương trình tài trợ nhỏ - Quỹ môi trường toàn cầu (GEF SGP) tài trợ từ nguồn vốn của Chính phủ Na Uy và kinh phí đối ứng của UBND tp Đà Nẵng.

Cách làm hay của phụ nữ Đà Nẵng trong phân loại, tái chế rác tại nguồn - Ảnh 1.

Tổ nòng cốt quản lý rác thải của tổ 8, khu dân cư 2B phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) thu gom và phân loại rác thải bán cho thành viên CLB “Phụ nữ mua bán ve chai” để gây quỹ

Vào tháng 12/2020, Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn đã thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ mua bán ve chai" với 25 thành viên. Hầu hết các thành viên trong CLB đều có hoàn cảnh khó khăn, thuộc hộ nghèo hoặc cận nghèo, chủ yếu sống bằng nghề thu lượm, mua bán ve chai với nguồn thu nhập không ổn định. Ý tưởng thành lập CLB vừa xuất phát từ nhu cầu hỗ trợ chị em vừa tăng thu nhập vừa có kiến thức bảo vệ môi trường. CLB hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, tự quản và tuân thủ quy định của pháp luật. CLB tổ chức các hoạt động sinh hoạt khi có yêu cầu từ Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn và Ban Điều hành Dự án.

"Mỗi thành viên CLB "Phụ nữ mua bán ve chai" quận là một tuyên truyền viên về công tác bảo vệ môi trường thông qua hình thức thu gom rác thải có thể tái chế, qua đó góp phần tuyên truyền với cộng đồng về tác hại của rác thải, vai trò của người dân, cộng đồng trong phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế xả rác ra môi trường. Bên cạnh đó, họ trực tiếp tham gia thu gom, phân loại rác thải, quản lý rác thải một cách hiệu quả để cùng chung tay bảo vệ môi trường", chị Trần Thị Ngọc Lan khẳng định.

Cũng trong khuôn khổ dự án, UBND 3 phường triển khai dự án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn thành lập thí điểm 3 "Tổ nòng cốt quản lý rác thải" với 55 thành viên, tại 3 khu dân cư trên địa bàn quận, gồm: khu dân cư Đa Mặn 9 phường Khuê Mỹ, tổ 8 khu dân cư Sơn Thủy 2B, phường Hòa Hải, tổ 1 khu dân cư An Thượng 1, phường Mỹ An.

Cách làm hay của phụ nữ Đà Nẵng trong phân loại, tái chế rác tại nguồn - Ảnh 2.

Các thành viên Tổ nòng cốt quản lý rác thải phân loại, tái chế rác tại nguồn

Hàng ngày, các hộ gia đình tại địa bàn thí điểm dự án tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, đối với rác thải tái chế sẽ được Tổ nòng cốt thu gom mỗi tháng 2 lần, tập kết tại một điểm. Hội LHPN sẽ kết nối, giới thiệu để các thành viên CLB "Phụ nữ mua bán ve chai" quận trực tiếp tiến hành thu mua rác tái chế được phân loại tại các "Tổ quản lý nòng cốt rác thải" trên 3 phường Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải vào ngày chủ nhật giữa tháng và cuối tháng. Bình quân mỗi tháng, các Tổ nòng cốt thu gom được khoảng 32 kg nhựa, 137 ký giấy, gần 500 vỏ lon kim loại và các loại rác khác, gây quỹ được 600.000 đồng.

Cách làm này tạo sự thuận lợi cho cả Tổ nòng cốt quản lý rác thải và thành viên CLB "Phụ nữ mua bán ve chai". Đối với Tổ nòng cốt, khi phân loại được rác tái chế thì có người đến thu mua tại chỗ, không phải mất thời gian vận chuyển, tìm người để bán. Đối với thành viên CLB mua bán ve chai, nguồn rác tái chế được tập trung tại một nơi, các chị không phải đi từng nhà để thu mua. Lượng hàng thu mua được cũng nhiều hơn, ổn định hơn, từ đó thu nhập của các chị cũng tăng lên. "Ngoài ra, các thành viên CLB cũng chủ động tìm nguồn rác thải tái chế để thu gom từ cộng đồng dân cư đem bán nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nguồn rác thải ra môi trường", Chủ tịch Hội LHPN quận Ngũ Hành Sơn cho biết thêm.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm