pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN tỉnh An Giang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế
Chương trình truyền thông về giảm nghèo bền vững năm 2022 do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức sáng ngày 15/11/2022, tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Theo Báo cáo nghèo đa chiều quốc gia năm 2021 với chuẩn nghèo đa chiều mới (được phê duyệt năm 2021), tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của nước ta là 9,35%. Báo cáo cũng cho biết, các hộ gia đình thuộc tỷ lệ trên hầu hết đều là hộ nghèo kinh niên, khó có cơ hội thoát nghèo và tập trung chủ yếu ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Riêng tại tỉnh An Giang, theo Kết quả rà roát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, số hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2021 là 3.81%, tương đương với hơn 20 nghìn hộ; số hộ cận nghèo toàn tỉnh cuối năm 2021 là 5,89%, tương đương với hơn 31 nghìn hộ, trong đó, số hộ nghèo dân tộc thiểu số cũng chiếm một phần rất lớn trên tổng số hộ nghèo.
Có thể nhận thấy rằng, tình trạng đói nghèo và thực trang của việc giảm nghèo chưa bền vững còn tồn tại ở nhiều địa phương trên cả nước vẫn đang là một thách thức của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập sâu rộng nền kinh tế thế giới.
Hiện nay, với nhiều giải pháp và sự nỗ lực của các cấp chính quyền, chính sách giảm nghèo thực sự đã đi vào cuộc sống. Các chính sách này đã tạo điều kiện cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm đáng kể, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, thậm chí có đời sống khá giả. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách, chương trình hỗ trợ của người dân vẫn còn nhiều vướng mắc. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này lại đến từ nhận thức và tâm lý của người dân, khi họ chưa thực sự muốn thoát nghèo hay chưa có đủ sự tự tin, hiểu biết để thụ hưởng các chính sách giảm nghèo đang được thực hiện.
Sự chung tay đóng góp của các cấp Hội phụ nữ
Đối với Hội LHPN tỉnh An Giang, tỉnh Hội đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng cách vận động hội viên, phụ nữ tham gia thực hiện các phong trào: "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "Giúp thoát nghèo có địa chỉ", "Tổ hùn vốn xoay vòng", xây dựng các mô hình giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững... Đối với hội viên phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hộ sản sản xuất có ý tưởng khởi nghiệp sẽ được quan tâm hỗ trợ giúp họ hoàn thiện ý tưởng, đưa sản phẩm ra thị trường.
Ngoài ra, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh An Giang cũng tăng cường mở rộng các nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn vay sản xuất kinh doanh của phụ nữ. Tính đến tháng 07/2022, Hội nhận ủy thác 19 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ đạt trên 1.186 tỷ 708 triệu đồng (chiếm 30% tỷ trọng so với 4 Hội đoàn thể, số hộ dư nợ 43.932 hộ); hỗ trợ thành lập và duy trì 72 Hợp tác xã do phụ nữ quản lý, điều hành có hơn 1.300 thành viên góp phần tạo thêm việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đây đều là những thành quả đáng được ghi nhận trong công tác thực hiện xóa đói giảm nghèo của Hội LHPN tỉnh An Giang.
Tuy nhiên, đối với chính sách hỗ trợ vay vốn, để tham gia hay nhận được quyền lợi từ chính sách này, không phải điều đơn giản, bởi vì việc làm kinh tế, việc khởi sự kinh doanh là một con đường lâu dài, vất vả và cần rất nhiều sự cố gắng. Để đi theo con đường thoát nghèo bằng việc vay vốn làm kinh tế, hơn ai hết, bản thân mỗi hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn phải có sự dũng cảm, tự tin vào bản thân, cũng như cần kiên trì, ham học hỏi, nâng cao kiến thức để sẵn sàng ứng phó với nhiều tình huống. Với sự quyết tâm và nỗ lực ở mỗi người, con đường vay vốn làm kinh tế sẽ tạo tiền đề đột phá để giúp chị em bước tới cánh cửa thoát nghèo bền vững ở tương lai.