Hội nghị Mỹ-Triều và cơ hội về chính sách kinh tế đối ngoại của Việt Nam

27/02/2019 - 18:39
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế đối ngoại, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội chính là cơ hội để Việt Nam ‘quan sát, hiểu và từ đó điều chỉnh chính sách kinh tế đối ngoại’ sao cho phù hợp và hiệu quả trong quan hệ thương mại Việt – Mỹ.
GS Võ Đại Lược, Chủ tịch Trung tâm kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, nguyên Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu Kinh tế của Thủ tướng:
 
Sự khác biệt của Tổng thống Mỹ Donald Trump là không hành xử hay suy nghĩ như cách các tổng thống tiền nhiệm mà ông hành xử một cách thực tế hơn. Dấu ấn rõ nét nhất của ông Trump đó là song phương và phi truyền thống. Nếu như những đàm phán ngoại giao, kinh tế, chính trị trước kia của các tổng thống Mỹ tiền nhiệm đều là dựa trên quan hệ đa phương thì tổng thống Donald Trump đã phá bỏ quy ước bất thành văn này khi chỉ duy trì hay thích sử dụng đàm phán song phương hơn.  
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 này chính là một minh chứng sinh động cho sự “phi truyền thống” đó của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoài ra, hội nghị lần này cũng là thông điệp mà Mỹ và Hàn Quốc đều muốn Triều Tiên tham khảo kinh nghiệm của Việt Nam để tiến hành công cuộc đổi mới.
Sự kiện hội nghị thượng đỉnh lần này chứng minh một điều không có gì là không thể. Việt Nam có thể đi qua chiến tranh với Mỹ, từng chung nỗi đau hai miền bị chia cắt như Bắc - Nam Triều Tiên, nhưng với đường lối và chính sách đối ngoại, ngoại giao và kinh tế đúng đắn, Việt Nam đi lên xây dựng đất nước, từng bước hòa nhập chung vào dòng chảy của thế giới.
 
Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều cũng là cơ hội để Việt Nam quan sát, hiểu rõ hơn về tính cách của Doanld Trump nói riêng và chính sách đối ngoại hiện tại của nước Mỹ nói chung, để từ đó có sự điều chỉnh sao cho phù hợp và hiệu quả.
 
tong-thong-donald-trump.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Donald Trump chứng kiến lễ ký thỏa thuận của tập đoàn Vietjet Air mua 100 máy bay của hàng Boeing hôm nay, 27/2/2019. Ảnh: AP

 

TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nguyên thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng:
 
Tôi chưa từng được gặp gỡ trực tiếp tổng tống Mỹ Donald Trump, song tôi cho rằng ông D.Trump là một con người thú vị.
 
Câu chuyện thứ nhất, liên quan đến cái phông nền và hai màn hình trong suốt tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tổ chức ở Đà Nẵng hồi tháng 11/2017. Tại sự kiện ấy, khi trò chuyện với doanh nghiệp, tất cả các nguyên thủ khác đều đứng nói trước phông nền đằng sau màu nâu rất đẹp. Riêng ông Donald Trump, phông nền sử dụng là màu tím than. Chúng tôi khi đó dù đứng cách tổng thống Donald Trump 30m nhưng cũng không hiểu tại sao có chuyện thay phông này. Sau này hỏi bên truyền thông thì mới biết rằng ông Donald Trump là một người rất muốn gây ấn tượng. Cho nên, với mái tóc màu hơi nâu của ông thì phông đằng sau phải màu tím than mới nổi bật, màu phông cũ dễ lẫn cùng màu tóc.
 
Câu chuyện thứ hai, khi ông Donald Trump mới lên cầm quyền ở Mỹ, bộ phận đối ngoại của Việt Nam tổ chức một cuộc gặp đầu năm 2017 để bàn về việc mọi người nghĩ gì về ông Donald Trump. Trong cuộc họp ấy, có người nhấn mạnh sự bất định, thất thường khi tiếp nhận thông tin qua truyền thông. Nhưng có vẻ chúng tôi đều thống nhất, từ đầu tiên khẳng định về Trump là thực dụng. Bởi đây là một doanh nhân, cách thức ông kinh doanh, hô khẩu hiệu, thuê người Mỹ, mua hàng Mỹ… đều thể hiện quan điểm thực dụng. Cho nên, nói ông ấy bất thường có lẽ chưa đúng lắm, mà cơ bản các hoạt động, lời nói của ông đều gắn tính thực dụng với một sự linh hoạt cần thiết để đảm bảo đúng mục tiêu ông hướng tới là nước Mỹ trên hết.
 
Câu chuyện thứ ba, cách đây hơn một năm tôi sang Mỹ. Lúc này hiệp định CPTPP đã được ký kết và Việt Nam tham gia, nhưng Mỹ không tham gia. Khi tôi hỏi các bạn bè tôi là người Mỹ, rằng trong hai năm tới, Mỹ có gia nhập CPTPP không, thì tất cả đều lắc đầu. Nhưng khi tôi hỏi sau 5 – 8 năm nữa, Mỹ có gia nhập CPTPP không, thì hầu hết đều cho rằng có nhiều khả năng sẽ tham gia. Điều này nói lên điều gì, đó là vào từng giai đoạn ngắn hạn cụ thể, chính sách ngoại giao, kinh tế đối ngoại của Mỹ lại bị phụ thuộc vào chính sách, đường lối, tính cách của mỗi tổng thống. Hiện nay, tổng thống Mỹ Donald Trump đang cầm quyền, ông ta đề ra chính sách “nước Mỹ trên hết”, không gia nhập CPTPP, nhưng sau này tổng thống khác lên cầm quyền thì sẽ thực thi chính sách khác, nghĩa là chính sách của Mỹ luôn luôn thay đổi trong từng thời kì.
 
TS Nguyễn Việt Phương, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, Trường Kennedy, ĐH Harvard (Mỹ):
 
Thực ra vào thời điểm hiện tại, người dân Mỹ lại không quan tâm lắm về vấn đề Triều Tiên. Thời điểm đầu tiên mà công chúng Mỹ bắt đầu chú ý đến quốc gia này là vào năm 2017 khi Bình Nhưỡng phóng thành công tên lửa đạn đạo có khả năng chạm đến Hawaii và bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Lúc đó, dân Mỹ mới nói đến Triều Tiên. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nước Mỹ có quá nhiều vấn đề đối nội buộc người dân phải lưu tâm nên câu chuyện Triều Tiên không thực sự là mối bận tâm chính. Ở Mỹ, các vấn đề nội bộ, đối nội mới là trọng tâm của câu chuyện chính trị chứ không phải đối ngoại. Triều Tiên là vấn đề quan tâm hàng đầu năm 2018. Kể từ cuối 2018 đến nay thì vấn đề quan tâm hàng đầu tại Mỹ là Trung Quốc.
 
Hiện nay mức độ ủng hộ ông Trump hiện tại khoảng 40%, tức cứ 5 người có 2 người ủng hộ. Nghe thì có vẻ thấp nhưng phải nhìn lại tỷ lệ này ở các tổng thống khác trong cùng thời điểm, tức là sau 2 năm nhậm chức. Tỷ lệ này ở ông Obama, G.W. Bush và Clinton lần lượt là 45%, 60% và 43%. Có thể thấy trừ trường hợp ông Bush cao đột biến do sự kiện 11/9 thì tỷ lệ công chúng Mỹ ủng hộ ông Trump không phải là quá thấp mà tương đối ổn định.
 
Chúng ta phải hiểu là mọi vấn đề của chính trị Mỹ đều quay lại vấn đề kinh tế. Một khi kinh tế Mỹ ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp thì mức độ ủng hộ của dân chúng cho các chính trị gia cao. Đó là đặc điểm chung, nhất quán của chính trị Hoa Kỳ trong bất cứ đời tổng thống nào, thuộc bất cứ đảng phái nào. Chính sách đối nội, đối ngoại của tổng thống Trump trong thời gian qua được giới phân tích cho là có cả những thành công lẫn cả thất bại, song nhìn chung là đáp ứng được nguyện vọng của người dân Mỹ vào thời điểm hiện nay.
 
Tất cả các động thái đối nội, đối ngoại như xây tường biên giới, tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay Triều Tiên đều nhằm mục đích cuối cùng là 2 năm nữa ông Trump có khả năng tái đắc cử. Trong thời điểm hiện tại, về phía Đảng Cộng hoà, tôi cho rằng ông Trump vẫn là ứng cử viên hàng đầu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm