pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội người bà Hàn Quốc "không bao giờ là quá già cho nghệ thuật"
Theo tờ Korea Herald thuật lại, bảo tàng nghệ thuật Sinpung tư nhân ở Yecheon, tỉnh Bắc Gyeongsang, dạo này lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười và tiếng trò chuyện râm ran của du khách, làm phá vỡ sự tĩnh lặng trong một ngôi làng nông thôn với dân số dưới 1.500 người.
Ngôi làng nằm cách Seoul khoảng 2 tiếng rưỡi lái xe về phía đông nam, hoặc 1 tiếng rưỡi từ Daegu, thành phố lớn nhất gần đó.
Bảo tàng Nghệ thuật Sinpung hiện có thể chưa quá bùng nổ trên mạng xã hội, nhưng nó bắt đầu được biết đến rộng rãi hơn trong vài năm gần đây nhờ sức hút của những nghệ sĩ độc nhất: hội người bà Sinpung.
Lớp học chữa lành giữa lòng nông thôn
Xuất hiện với vẻ ngoài và phương tiện đầy đa dạng, có người bà tự tin lái scooter, người khác thong dong đẩy những chiếc xe hàng, có bà lại không ngại tuổi tác lái hẳn những chiếc xe van, nhưng điểm chung là nụ cười lúc nào cũng tươi rói và sự háo hức với nghệ thuật.
Bảo tàng nghệ thuật Sinpung mời 30 phụ nữ trong độ tuổi 70 đến 90 tham gia lớp học nghệ thuật mỗi ngày, mang đến cho những người nội trợ cả đời chăm sóc gia đình và nông trại của họ cơ hội trải nghiệm thế giới nghệ thuật.
"Hôm nay, chúng ta sẽ vẽ một cái gì đó có liên quan đến mùa thu. Loại màu nào xuất hiện trong đầu các bà khi mình hình dung đến mùa thu ạ? Các bà có thể vẽ bất cứ thứ gì nảy ra trong đầu nhé", Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Sinpung Lee Seong-eun nói, báo hiệu buổi học bắt đầu.
Khi giấy, bút chì màu và các tài liệu nghệ thuật khác được bày trên bàn, những người bà bỗng hồn nhiên "thoát vai" nội trợ, biến thành những học sinh nghiêm túc, say mê.
Mặc dù những nét vẽ màu phấn của họ có vẻ không chuyên nghiệp, nhưng những người bà Sinpung lúc nào cũng sẵn sàng bày tỏ suy nghĩ của họ ngay lập tức, không do dự.
"Trường nghệ thuật dành cho hội người bà chúng tôi bắt đầu như một chương trình giáo dục nghệ thuật vào năm 2010. Tất cả bắt đầu từ quyết định theo bước chồng tôi khi anh muốn chăm sóc mẹ mình ở Sinpung-ri, Yecheon, 12 năm về trước", giám đốc Lee nói với The Korea Herald.
Chương trình còn được dự định áp dụng như một hình thức trị liệu nghệ thuật.
"Sau khi bắt đầu cuộc sống mới ở ngôi làng nhỏ, tôi nhận ra rằng nhiều người trong số các bà bị trầm cảm. Họ chỉ biết giữ cảm xúc bên trong mà không thể hiện bằng những hình thức khác. Thậm chí một bà cụ đã tự sát. Tôi thực sự muốn giúp họ", Lee nói.
Giám đốc Lee theo học chuyên ngành giáo dục nghệ thuật và lịch sử, cung cấp nhiều trải nghiệm nghệ thuật khác nhau cho "học viên", từ thủ công đến vẽ tranh acrylic. Chương trình có thời gian ăn trưa, các chuyến đi thực tế và kỳ nghỉ, giống như những trường học bình thường. Cô cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nhau ăn trưa.
Theo cô, nhiều phụ nữ lớn tuổi trong làng dường như trở nên hơi thờ ơ với bữa ăn hàng ngày của họ. Giờ nghỉ trưa là thời gian đặc biệt để họ gặp gỡ bạn bè và chia sẻ những câu chuyện thú vị.
Trong khi nhiều người cảm thấy miễn cưỡng khi đưa thời gian ăn trưa vào các lớp học nghệ thuật, Lee cho biết cô cảm thấy thời gian ăn trưa là một phần cốt yếu trong lớp học nghệ thuật của mình, cho phép những người tham gia thoải mái hơn. Giám đốc và 2 trợ lý sẽ đích thân chuẩn bị bữa ăn.
"Tôi mong đợi đến thứ tư, vì có các lớp học nghệ thuật. Nó mang lại cho tôi niềm vui lớn trong cuộc sống. Nhiều việc xảy ra trong một tuần, vì vậy tôi không thể chờ đến lúc chia sẻ những câu chuyện với các halmae ("bà" trong tiếng Hàn Quốc) khác", Kim Kyeong-hee, một cụ bà ở độ tuổi 80, nói với The Korea Herald.
Kim và những người bạn cùng lớp của bà chia sẻ rằng có một trải nghiệm thú vị là vẽ lại những người chồng quá cố của họ, chia sẻ rằng nó cho họ cơ hội nhớ lại người thương của họ từng trông như thế nào trong quá khứ.
"Tôi muốn cải thiện kỹ năng vẽ của mình, nhưng tay tôi không thực sự cử động như tôi muốn. Nếu tôi học thêm về nghệ thuật, tôi muốn vẽ một cái gì đó giống như Cheong Wa Dae (Nhà Xanh của Hàn Quốc). Không bao giờ là quá muộn để trở thành một nghệ sĩ", một người bà giấu tên chia sẻ.
Các tác phẩm của hội người bà Sinpung đã được trưng bày tại một số bảo tàng, bao gồm cả Bảo tàng Nghệ thuật Sinpung, gây ngạc nhiên cho khách tham quan bảo tàng ở mọi lứa tuổi.
Những bức tranh acrylic của các bà đôi khi còn gây chú ý vì lấy cảm hứng dựa trên những bộ phim truyền hình ăn khách của Hàn Quốc.
Giá trị cần lan truyền
Những bức vẽ mang đậm tinh thần văn hóa đất nước, thể hiện khía cạnh vui tươi của những người bà. Một bức như "9-cheop Bansang" thể hiện một bữa ăn Hàn Quốc với 9 món ăn kèm và cơm - đã gây được tiếng vang cho nhiều người xem vì thể hiện tình yêu thương của những người bà đối với gia đình của mình, những người đã không thể đến thăm họ trong đại dịch COVID-19.
"Nhiều chính quyền địa phương đã liên hệ với tôi và Bảo tàng Nghệ thuật Sinpung để tìm hiểu về các chương trình của chúng tôi, tin rằng các lớp học nghệ thuật là một cách để mang lại sự sống động cho các vùng nông thôn và làng mạc. Thật không may, chúng tôi không thực sự có một chương trình giảng dạy theo kế hoạch. Nhiều việc phải tùy cơ ứng biến theo điều kiện của các bà", giám đốc Lee chia sẻ.
"Chúng tôi đang thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau để chia sẻ các tác phẩm của các bà với nhiều đối tượng hơn, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ thực tế ảo. Niềm vui lớn nhất của tôi là khi thấy các bà học được cách thể hiện suy nghĩ và trí tưởng tượng của họ bằng nghệ thuật".