Hồi sinh sau phẫu thuật u cột sống

05/11/2015 - 14:25
20 ngay sau ca phẫu thuật u cột sống tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Long đã tự đi lại - điều mà trước đó anh dám mơ đến.
Cách đây 8 tháng, đang đi làm đồng, anh Chu Tiến Long, 28 tuổi, ở thôn 1, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, thấy mỏi lưng, không thể tiếp tục làm việc nên phải bỏ dở về nhà nghỉ. Tưởng chỉ nghỉ ngơi vài ngày sẽ hết đau, song những cơn đau hành hạ ngày đêm dày đặc khiến anh không tự đứng dậy đi lại được. “Lúc tôi đau quá, gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Hà Nội mới phát hiện khối u ở đốt sống, nhưng gia đình đã xin cho tôi về, không dám phẫu thuật”, anh Long nhớ lại.

Anh Long có thể đi lại sau ca phẫu thuật thành công

Ngồi bên chồng, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung chia sẻ: "Ban đầu, chồng tôi còn chịu đau được nên không dám mổ vì nghĩ phẫu thuật không được, bệnh sẽ nặng thêm, là nặng gánh gia đình. Ai ngờ những cơn đau ngày càng tăng”. “Có thời điểm đau quá không ngủ được, tôi thức trắng cả đêm. Sức khỏe giảm sút nhiều. Gia đình lại đưa tôi xuống khám ở một số BV chuyên khoa tại Hà Nội, với hy vọng chữa được bệnh. Qua vài BV, nhiều lúc tia hy vọng tưởng đã vụt mất. Khi các bác sĩ BV Bạch Mai cho biết có khả năng điều trị bệnh cho tôi thì tôi rất mừng”, anh Long kể.
"Biết thế này, tôi đã phẫu thuật sớm hơn"
Với quyết tâm cứu sống người bệnh, đích thân Giám đốc BV Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, đã chủ trì buổi hội chẩn toàn BV với tất cả chuyên gia liên quan như Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, Gây mê hồi sức, Ung bướu, Hồi sức tích cực, Chẩn đoán hình ảnh, Huyết học, Ngoại tổng hợp, Tiêu hóa... để tìm ra phương án can thiệp tối ưu và an toàn nhất cho bệnh nhân. Sau đó, 1 kíp mổ đã được huy động với sức mạnh tổng hợp của các chuyên khoa liên quan.
Trước khi mổ, bệnh nhân được chỉ định nút mạch khối u tại khoa Chẩn đoán hình ảnh. Ca mổ tiếp cận bằng 2 đường. Đầu tiên, phẫu thuật ở lưng để cố định cột sống và xương chậu lấy phần u phía sau. Tiếp đó, phẫu thuật đường mở ổ bụng, phối hợp bóc tách động mạch chủ chậu ra khỏi khối u.
Sau 6 tiếng, ca mổ đã thành công ngoài sức tưởng tượng của tập thể thầy thuốc và gia đình. Khối u đã được bóc tách hoàn toàn khỏi cơ thể bệnh nhân. Đồng thời, các bác sĩ đã tạo hình, ghép đốt sống mới cho anh Long. Hiện sức khỏe của bệnh nhân hồi phục nhanh và bệnh nhân có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện.
Anh Long bảo: "Biết thế này tôi đã phẫu thuật sớm hơn. Những lúc đau quá, tôi tưởng mình không còn đứng dậy đi lại được thì khổ vợ con".
TS Hoàng Gia Du, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Cột sống, BV Bạch Mai, cho biết: "Đây là ca bệnh rất khó. Khối u xuất phát từ thân đốt sống, xâm lấn chèn ép vào thần kinh, ổ bụng, hệ thống động tĩnh mạch chủ chậu. Vị trí khối u nằm ở thắt lưng, ngay chỗ chia động mạch chủ chậu. Khi mổ cắt khối u có thể dẫn đến chảy máu không cầm được, bệnh nhân thậm chí có thể chết ngay trên bàn mổ. BV đã chuẩn bị 10 lít máu để truyền, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu vẫn là làm thế lấy hết khối u mà lượng máu mất ít. Trước ca mổ, bệnh nhân được chỉ định nút mạch khối u để hạn chế tối đa việc chảy máu khi mổ. Vì thế, trong ca mổ, bệnh nhân chỉ phải truyền 500ml máu".

“Chi phí điều trị u cột sống khác nhau, phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của từng trường hợp. Kỹ thuật này được bảo hiểm y tế chi trả. Với trường hợp của bệnh nhân Chu Tiến Long, đây là ca bệnh khá nặng, phức tạp, tổng chi phí cho ca điều trị khoảng trên 500 triệu đồng, trong đó bệnh nhân phải chi trả hơn 100 triệu, còn lại bảo hiểm y tế chi trả”, TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai. 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm