Phẫu thuật giữ lại chân cho cụ ông 104 tuổi

02/11/2015 - 13:28
Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM vừa phẫu thuật thành công cho 1 cụ ông 104 tuổi, bị tắc động mạch chi dưới cấp tính. Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất được bắc cầu động mạch tại bệnh viện này.
Tại khoa Lồng ngực mạch máu, BV ĐH Y Dược TPHCM, bà Mã Thu Thủy (58 tuổi) đang chăm sóc cho ba là cụ Mã Văn Hui vừa trải qua ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng để giữ chân trái.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh cho cụ Hui sau ca phẫu thuật



“Cách đây chừng nửa tháng, sau khi ngủ trưa dậy thì tui thấy chân trái bị tê, không có cảm giác gì. Thấy vậy, các con thay nhau xoa bóp chân hồi lâu thì chân có cảm giác lại, nhưng rất đau. Ai cũng nghĩ đó là bệnh của tuổi già nên thoa dầu, đêm đó ngủ tôi thấy đau nhức lan rộng, sáng ra thì bàn chân lạnh và tái nên các con chở đi bệnh viện, bà Thủy kể lại.

Tại Bạc Liêu, các bác sĩ làm vài xét nghiệm rồi chuyển lên bệnh nhân TPHCM. Tại đây, bác sĩ lại tiến hành siêu âm mạch máu và xét nghiệm máu rồi chẩn đoán cụ bị tắc động mạch. Với nguyện vọng của gia đình là bằng mọi cách muốn giữ chân cho cụ, bác sĩ đã điều trị thuốc liên tiếp 3 ngày nhưng chân không có dấu hiệu phục hồi nên chỉ còn cách duy nhất là phẫu thuật.
 
Xử lý thành công một ca bệnh khó

Ê kíp phẫu thuật cho cụ Hui cho biết, đây là một ca khó do bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chân trái đau dữ dội, tím lạnh và có dấu hiệu hoại tử. Kết quả khám cho thấy chân trái của bệnh nhân tím lạnh từ cẳng chân xuống bàn chân, mạch chân không bắt được, cảm giác da bàn chân giảm, vận động của bàn chân và các ngón chân khó khăn. Hình chụp mạch máu cũng cho thấy các động mạch chân trái bị tắc hoàn toàn từ ngang gối trở xuống, chỉ còn lại 1 nhánh nhỏ động mạch ở bàn chân và được chẩn đoán thiếu máu chi nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính trên nền bệnh động mạch mạn tính do xơ vữa.

“Chúng tôi đã tích cực điều trị bằng thuốc cho bệnh nhân nhưng tình trạng thiếu máu chân ngày càng nặng hơn, các ngón chân và bàn chân trái vẫn rất đau và bắt đầu xuất hiện những đốm hoại tử. Trước mong muốn của gia đình là giữ được chân cho ông cụ đến cuối đời, chúng tôi quyết định phẫu thuật là giải pháp duy nhất, vừa giữ được chi và cũng vừa cứu mạng cho bệnh nhân”, ThS, bác sĩ Lê Thanh Phong, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, BV ĐH Y Dược TPHCM, cho biết.

Cũng theo bác sĩ Phong, bệnh nhân không thể gây tê tủy sống khi đang sử dụng thuốc chống đông máu, còn nếu như gây mê sẽ rất nguy hiểm vì cụ Hui có bệnh tim, phổi kèm theo. Trước tình hình này, ê kíp điều trị đã chọn giải pháp phẫu thuật lấy huyết khối và bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển tại chỗ đã được tiến hành với phong bế thần kinh và gây tê tại chỗ.

Ưu điểm của phương pháp bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển tại chỗ là cho phép đưa máu từ động mạch trên gối xuống đến tận động mạch nhỏ ở giữa mu bàn chân chỉ qua 3 đường rạch da ngắn, phù hợp với gây tê. Trong khi đó, gây tê tại chỗ giúp tránh được những tác động nguy hiểm của gây mê kéo dài ảnh hưởng đến tình trạng bệnh tim, phổi mạn tính của bệnh nhân. Sau mổ 1 ngày, chân trái của bệnh nhân hết đau, ấm và hồng hào. 1 tuần sau, bệnh tim, phổi của cụ Hui đã ổn định và đã đi lại được. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm