pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 216 triệu người có nguy cơ phải rời bỏ nhà cửa và di cư vì biến đổi khí hậu
"Hiệu ứng domino" của biến đổi khí hậu
Những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã tạo ra những cú sốc, áp lực và thảm họa chưa từng có. Số lượng và tần suất thảm họa tự nhiên ngày càng tăng trên thế giới. Hạn hán kéo dài tại Kenya, lũ lụt ở Bangladesh, cháy rừng tại Mỹ và châu Âu... tàn phá sinh kế của nhiều người dân, hủy hoại hệ sinh thái.
Theo UN Women, biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến các nhóm dân cư nghèo khó, 70% trong số này là phụ nữ. Phụ nữ là những người dễ bị tổn thương gấp 14 lần so với nam giới trong các thảm họa thiên nhiên. 65% lực lượng sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu, là phụ nữ. Biến đổi khí hậu đã khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa của mình, 80% trong số này là phụ nữ. Viện Môi trường và Phát triển quốc tế Anh (IIED) cảnh báo, hàng triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì thiên tai và có nguy cơ trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người, bị bóc lột lao động. Theo đó, thiên tai ở miền Bắc Ghana đã khiến người dân nông thôn phải di cư đến các thành phố lớn. Họ mưu sinh bằng công việc khuân vác và có nguy cơ trở thành nạn nhân của các nhóm buôn người, bị bóc lột tình dục hoặc lao động khổ sai. "Do lũ lụt, mất nhà cửa nên tôi buộc phải chuyển đi. Trong 7 năm, tôi đã làm công việc bốc vác. Tất cả thu nhập của tôi đều được chuyển đến tay người chủ và đôi khi họ mới chia cho tôi một phần nhỏ trong số tiền tôi kiếm được. Tôi làm việc không ngừng mà vẫn không thể trả hết nợ", một phụ nữ di cư đến Thủ đô Accra của Ghana, cho hay.
Tại Sundarbans, trên biên giới giữa Ấn Độ và Bangladesh, các cơn lốc xoáy nghiêm trọng đã gây ra lũ lụt ở vùng đồng bằng, thu hẹp diện tích đất canh tác khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, những kẻ buôn lậu và buôn người thường hoạt động trong những khu vực hay xảy ra thảm họa. Chúng đang nhắm mục tiêu vào các góa phụ muốn vượt biên sang Ấn Độ để tìm việc làm. Những tên buôn người thường ép nạn nhân làm lao động khổ sai và làm gái mại dâm.
Fran Witt, Cố vấn về biến đổi khí hậu và chế độ nô lệ hiện đại tại Anti-Slavery International, cho hay: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tác động domino của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống của hàng triệu người. Các hiện tượng thời tiết cực đoan góp phần phá hủy môi trường, buộc mọi người phải rời bỏ nhà cửa và khiến họ dễ bị buôn bán, bị bóc lột và trở thành nô lệ".
Phụ nữ - nhân tố trung tâm của sự ứng phó
WB ước tính, vào năm 2050, các tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ khiến hơn 216 triệu người ở nhiều khu vực, nhất là tại châu Phi và Nam Á, mất nhà cửa, buộc phải di cư. "Thế giới không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ trước sự gia tăng nạn lao động cưỡng bức, nô lệ hiện đại và nạn buôn người do biến đổi khí hậu", ông Ritu Bharadwaj, một nhà nghiên cứu của IIED, khẳng định.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang "đi sai hướng" và kêu gọi các quốc gia hành động khẩn cấp để chống lại đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu. "Đã đến lúc mỗi quốc gia cần thể hiện trách nhiệm lớn hơn của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chúng ta cần nhiều đóng góp hơn về tài chính, thích ứng và cắt giảm khí thải... Nếu không đạt được các mục tiêu này, hậu quả sẽ được tính bằng thiệt hại lớn về nhân mạng cũng như sinh kế", ông Guterres nhấn mạnh.
Theo UN Women, để có kết quả quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu hiệu quả hơn, phụ nữ cần được tiếp cận tài nguyên, tham gia và có tiếng nói hơn. Sự hiện diện của phụ nữ ở vị trí ra quyết định và hành động bảo vệ khí hậu là rất quan trọng nhìn từ quan điểm về quyền và cũng là hành động chiến lược để giải quyết biến đổi khí hậu.
Quá trình lập kế hoạch giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ chưa thể thành công nếu không có những ý kiến đóng góp của phụ nữ. Phục hồi sau thiên tai ở cộng đồng cũng sẽ không thể đạt được nếu không tăng cường năng lực phục hồi của phụ nữ. Mặt khác, cần lồng ghép giới vào quá trình xây dựng chính sách chống biến đổi khí hậu ở cả cấp quốc gia và quốc tế.
Việc tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế có thể đối phó được thiên tai, huy động các đối tác cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, sinh kế, kinh doanh, đào tạo nghề, thúc đẩy cơ sở hạ tầng và công nghệ phát triển. Sự chuyển đổi của năng lượng bền vững cũng có thể thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ. Bằng cách tăng năng suất canh tác của phụ nữ, chúng ta có thể sản xuất nhiều lương thực hơn trên đất nông nghiệp hiện có, đồng nghĩa với việc sẽ có ít diện tích rừng bị phát quang để có thêm ruộng trồng lương thực hơn. Hơn nữa, nâng cao năng suất nông nghiệp cho phụ nữ có thể giúp giảm 100-150 triệu người sống trong nạn đói và cải thiện chất lượng cuộc sống cho trẻ em trên toàn cầu.