Hồng Nga: ‘Sáng tác phải làm tới, không nửa vời’

16/08/2015 - 18:13
Sở hữu số lượng ảnh khổng lồ, nhà báo - nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga tâm sự: ‘Phía sau tác phẩm luôn là những giọt mồ hôi mặn chát, là những giọt nước mắt đắng cay xen lẫn hạnh phúc’.

Sự sắp đặt hoàn hảo của số phận

Hồng Nga quê ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ba chị là kiến trúc sư, còn mẹ là giáo viên. Nối nghiệp mẹ, Nga tốt nghiệp CĐ Sư phạm Nha Trang rồi ở lại trường giảng dạy. Nhưng rồi nghệ thuật đã “cuốn” cô giáo trẻ Hồng Nga rời khỏi bục giảng. Năm 1984, chị thi đậu lớp đạo diễn sân khấu, khóa 8 (1984-1989) trường Nghệ thuật Sân khấu 2, TPHCM.

 Do có khuôn mặt ăn ảnh, từng làm người mẫu ở trường nên cô sinh viên Hồng Nga luôn lọt vào “mắt xanh” của nhiều tay “phó nhòm” chuyên nghiệp. Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) tài hoa Trần Xán Vinh tình cờ phát hiện ra tố chất và tâm hồn nghệ sĩ của Nga, đã tận tình hướng dẫn, truyền đạt nhiều kỹ năng về nhiếp ảnh cho chị. Nga  nhanh chóng bị cuốn hút vào thế giới của ánh sáng và những khuôn hình. Ngày ngày, Nga bỏ ra nhiều giờ để tự tìm tòi tư liệu, học hỏi kinh nghiệm lớp đàn anh và cứ rảnh là bấm máy. Để rồi, bao danh vọng của nghề đạo diễn được “nhường chỗ” bằng tình yêu với nhiếp ảnh.

Đến mùa thực tập đạo diễn, Nga cao hứng muốn “thử tài” chụp ảnh bằng cách ôm máy đi ghi hình ở sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần. Tại đây, Nga đã gặp nhà văn Ngọc Linh, lúc đó là Phó Tổng biên tập Báo Sân khấu TPHCM. Trải qua 5 năm học sân khấu, chị có thế mạnh am hiểu và đồng cảm với diễn viên nên khi bấm máy thì những khuôn hình đều lột tả rõ trạng thái, thần sắc nhân vật. Thấy ảnh Nga chụp trên sân khấu rất có chiều sâu nên nhà văn Ngọc Linh đã ngay lập tức ngỏ lời mời chị cộng tác mảng ảnh của Báo Sân khấu. “Nghề báo của tôi đến từ “lời mời” này đấy!”, chị tâm sự.

Đến cuối năm 1989, Nga chính thức về công tác tại Báo Sân khấu TPHCM. Với công việc của một phóng viên mảng điện ảnh, chị có nhiều cơ hội tiếp xúc, làm việc với giới nghệ sĩ. Chụp hình, đưa tin hoạt động sân khấu là công việc nhưng nhiếp ảnh nghệ thuật mới chính là đam mê lớn nhất. Bởi vậy, những bức ảnh báo chí chụp trên sâu khấu của chị luôn có góc độ ổn, bố cục chặt và chất lượng tốt.

Chị chia sẻ: “Đối với phóng viên ảnh thì kỹ năng chụp sân khấu là rất phức tạp, bởi thường xuyên đối mặt với ánh đèn nhiều màu sắc, khi vụt sáng, lúc tối sầm, chớp chớp. Bên cạnh đó, nhân vật luôn cử động nên nắm bắt khoảnh khắc diễn xuất cũng khó khăn. Thời bấy giờ, ảnh chụp bằng phim. Nếu chụp bằng loại ISO 100, 200 thì độ nhạy kém, nếu dùng loại ISO 400 - 800 thì có chất lượng, độ nhạy cao nhưng giá lại đắt. Mà điều gì cũng có cái giá của nó cả. Để có được những tác phẩm báo chí đẹp, tôi đã “đốt” bao nhiêu cuốn phim, thay bao nhiêu máy ảnh, tốn biết bao nhiêu tiền của. Nhiều tháng, thu nhập từ nghề có khi là con số âm. Nhưng đã say nghề báo, yêu nhiếp ảnh thì sáng tác phải làm “cho tới”, không “nửa vời” và tự bằng lòng với chính mình được. Phía sau tác phẩm luôn là những giọt mồ hôi mặn chát, là những giọt nước mắt đắng cay xen lẫn hạnh phúc”.

Sau tác phẩm là tiếng thở dài


Tác phẩm Gánh muối

Hồ Gươm


Hạnh phúc

Hàng đêm, chị không chỉ làm công việc của một nhà báo mà còn vì cái thú riêng của mình: “Săn” những khoảnh khắc đẹp trong vai diễn. Ðể rồi, vào năm 1998, Hồng Nga đã trình làng triển lãm ảnh cá nhân độc đáo cùng với tuyển tập ảnh “10 năm sân khấu trong tôi”. Chị tâm sự: “Từ sân khấu cải lương, kịch, múa, xiếc, ca nhạc, hài, thời trang, thi hoa hậu..., một đêm tôi có thể bấm máy ở 2-3 show diễn. Về đến nhà, đồng hồ luôn chỉ quá 24 giờ. Lao động miệt mài, liên tục nhiều năm nên tôi đã có một số lượng ảnh khổng lồ. Không triển lãm thì… phí lắm”.

Thế là, Nga mất hơn 3 tháng ròng lên kế hoạch, 3 đêm liền thức trắng, từ khâu biên tập ảnh, chọn và xử lý ảnh theo từng phần như: Chân dung đạo diễn; Nhà thiết kế sân khấu; Nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn tại Việt Nam; Nghệ sĩ cải lương, kịch nói, múa rối nước… đều được chị tự tay chăm chút kỹ lưỡng, tỉ mỉ. “Cuộc triển lãm đã diễn ra ở rất nhiều tỉnh/thành trong cả nước. Khi được mọi người ghi nhận công sức, cảm giác hạnh phúc, vui sướng cứ bám theo tôi nhiều ngày liền”, chị kể.

Năm 2003, chị về công tác tại tạp chí Thế Giới Ảnh và làm việc cho đến nayVới tình yêu nghề mãnh liệt, chị đã rong ruổi khắp các vùng miền để sáng tác. Chiếc máy ảnh luôn là người bạn thân thiết giúp chị lưu giữ cảm xúc khi bắt gặp những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống hằng ngày với góc nhìn đầy nữ tính. Xem các tác phẩm đoạt giải của chị như: 3 thế hệ, Tuổi xuân, Bức tranh quê ngoại, Giúp mẹ, Thiếu nữ, Duyên quan họ, Ra chợ ngày xuân, Sau giờ học, Khát vọng tự do, Nghề truyền thống…, ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm đặc biệt mà chị dành cho phụ nữ và trẻ em.

Là một người phụ nữ đa tài, chị còn sáng tác thơ. Trong tập thơ “Mơ trăng”, người ta dễ nhận thấy rằng đằng sau vẻ ngoài có phần lạnh lùng, cứng rắn của nữ nhà báo “chuyên trị” ảnh sân khấu, là người phụ nữ có tâm hồn rất lãng mạn với trái tim yếu mềm, đa sầu, đa cảm: “Trăng gõ cửa tâm hồn người con gái/Tuổi đôi mươi đẹp tựa đóa quỳnh hương”

Thơ đã giúp chị trải lòng với những gì không thể nói bằng… ảnh. Chồng mất sớm, một mình nuôi con trai khôn lớn, quãng thời gian đó đầy khó khăn nhưng chị đã bản lĩnh để vượt qua tất cả. Chị bộc bạch: “Là nhà báo, tôi thường xuyên phải đi công tác. Tình thương, sự quan tâm dành cho con trai cũng ít nhiều bị chia sẻ vì công việc. Bởi thế, phía sau tác phẩm của tôi đôi lúc là tiếng thở dài trăn trở. May mắn là con trai rất hiểu và thương tôi. 2 mẹ con đã cùng nhau vượt qua biến cố của cuộc đời bằng những bước đi vững chắc, bền bỉ nhất”.

Năm 2006, nhà báo - NSNA Hồng Nga được ghi danh vào Kỷ lục Guinness Việt Nam với danh hiệu “Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất Việt Nam”. Chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm với các NSNA trong và ngoài nước và giành được hàng trăm giải thưởng về nhiếp ảnh nghệ thuật. Đến nay, Hồng Nga đã được phong tặng tước hiệu NSNA Việt Nam (E.VATA) và NSNA thế giới (E.PIAP).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm