NSND Lệ Thủy: Cô đào cải lương không tuổi

15/08/2015 - 15:19
Cuộc đời thường không cho ai tất cả, nhưng NSND Lệ Thủy may mắn đứng ngoài quy luật ấy. Cô ăn cơm nghiệp Tổ từ thuở ấu thơ cho đến lứa tuổi "tri thiên mệnh".

Không được gọi bằng “bà”

NSND Lệ Thủy có giọng nói trầm và hơi khàn. “Nghe cô nói như đàn ông phải không?”, nữ nghệ sĩ tự trào. Trước khi vào câu chuyện, Lệ Thủy yêu cầu không được gọi bằng “bà”, cả trong bài viết lẫn ngoài đời. Bởi lẽ, hàng đêm cô vẫn diễn. Bởi lẽ nghệ sĩ Diệp Lang đã phải thốt lên: “Vào các vai trẻ ở lứa tuổi không còn trẻ nữa, mà vẫn duyên dáng và coi được, thì chỉ có Lệ Thủy mà thôi”.

Coi như chừa ra cho nghiệp diễn

Ngày nhỏ, tôi đi coi tivi ở nhà hàng xóm. Tới vở Tô Ánh Nguyệt, thấy đôi mắt đầy sức ám ảnh của người thủ vai, cả chục người ngồi xem đều tặc lưỡi: “Cô đào này có giống cuộc đời nhân vật không mà diễn hay quá?”. Giờ hỏi lại Lệ Thủy, nghe được nhiều chuyện còn thú vị hơn cả vai diễn. Lệ Thủy kể, mỗi khi nhập vai, cô luôn tự coi mình chính là Tô Ánh Nguyệt. Thử nghĩ coi, thời phong kiến, 1 thiếu nữ yêu phải người đàn ông có vợ. Rồi mang bầu, đành phải lầm lụi từ bỏ gia đình ra đi. Đến khi gặp nhau, thấy người mình từng yêu thương ấy đang ngồi kế vợ, lại nói những lời cạn tình cạn nghĩa thì đâu dám ngẩng mặt lên nhìn thẳng. “Ánh nhìn của Tô Ánh Nguyệt khi đó, tôi phải nhập tâm hết sức. Một ánh nhìn lén lút và đau đớn. Không lén lút sao được khi mình là người thứ 3 sai trái. Không đau đớn sao được khi trao tình cho người đàn ông hèn nhát”, NSND Lệ Thủy kể. Bởi những tình tiết rất đàn bà ấy, mà trái tim người nghệ sĩ rung động mãnh liệt, nước mắt cứ thế mà chảy mãi.

Khác với Tô Ánh Nguyệt, cuộc đời của Lệ Thủy lại vô cùng xuôi chèo mát mái, cả về đường tình duyên lẫn nghề nghiệp. Năm 13 tuổi, Lệ Thủy theo gánh hát Kim Chung đi lưu diễn khắp nơi, người mẹ cũng “cắt cử” cô chị họ đi theo đứa con gái đầu lòng của bà để chăm lo cơm nước và chuẩn bị phục trang. Thời điểm đó, các anh chàng cả trong đoàn lẫn ngoài đoàn đều theo cô đào chánh tán tỉnh sát sạt. Nhưng “chỉ cần tôi liếc mắt đưa tình một cái là bà dì biết ngay”, nghệ sĩ kể lại. Như người giữ cửa tròn trách nhiệm, bà dì cực kỳ khó tính.

Bà dạy Thủy: “Người nào gửi thơ mà không có “con cò” (con tem dán trên bì thư, cách gọi của người miền Tây xưa - NV), chỉ gửi thơ tay thôi, nghĩa là người đó không muốn mối quan hệ nhiều người biết. Mà như vậy, là đàn ông chẳng đàng hoàng. Họ sẽ không bao giờ muốn cưới con đâu. Còn người nào tặng các món đồ có giá trị, nghĩa là họ đã có địa vị xã hội, có tiền rồi. Mà thường những ông có tiền và có địa vị rồi là đã có vợ có con. Là nghệ sĩ mà để các bà vợ đánh ghen, tạt acid thì sao con có thể lên sân khấu hát được nữa!”. Nghe bà dì nói vậy, Thủy sợ quá. Bao nhiêu chàng trai hào hoa, công tử, có tiền có bạc đều bị cô khước từ. Lệ Thủy chỉ chuyên tâm vào chuyện ca hát và thâu âm.

Kiếm tiền nuôi cả gia đình

Là con gái lớn trong gia đình có tới 8 chị em, Lệ Thủy bước vào con đường nghệ thuật cực kỳ sớm. Năm Thủy 3 tuổi, bà má gánh gồng đưa cô lên Sài Gòn để làm giúp việc cho các gia đình khá giả. Cậu em trai kế và ông ba thì vẫn ở lại dưới quê Vĩnh Long. Vì có con nhỏ nên má Thủy không được các gia đình mướn làm, sợ bấn bíu trẻ nít. 2 má con đang chưa biết làm sao giữa đất Sài Gòn nhộn nhịp thì dịp may tới khi có người bà con bên Q.8 rủ sang làm bánh giao cho các mối hàng lớn. Thủy lớn dần lên, công việc làm bánh của má ổn định nên mua được căn nhà nhỏ, cả gia đình đoàn tụ.

Lệ Thủy bị thất học sớm, vì chuyện thờ ơ của người lớn. “Thời đó, căn nhà dưới quê của ba má tôi bị cháy sạch nên giấy khai sinh không còn. Lúc tôi mới vô học thì nhà trường cho nợ tạm. Nhưng đến khi thi thì phải nộp giấy khai sinh. Nhà nghèo thường chẳng để ý tới ba cái chuyện giấy tờ này. Vậy là tôi nghỉ học”.

Một lần tình cờ, người nghệ sĩ nghiệp dư trong xóm là ông Tư Long nghe thấy Thủy ca rất hay bèn kêu đầu quân vô đội văn nghệ, sau đó gửi cô bé đi học ở nhiều ông thầy khác. Lệ Thủy được học bài bản về cải lương với những ngón nghề của nhiều người, trong đó đáng nói nhất là nhạc sĩ Tám Đen.

13 tuổi, Thủy bắt đầu đi theo đoàn hát chuyên nghiệp. Ở lứa tuổi này rất lỡ cỡ trong biểu diễn: đóng vai con nít thì cũng khó mà đóng đào đẹp lại càng khó hơn. Lần đầu tiên đi diễn xa nhà ở Nha Trang và Đà Lạt, “phải nói chính xác là buồn thúi ruột. Ngủ khi trên sân khấu, có khi ở dưới gầm sân khấu. Tôi cứ lén khóc hoài. Buồn quá tính không đi diễn nữa, nhưng nếu không đi làm thì lấy đâu ra tiền để phụ giúp ba má nuôi các em. Vậy là đành tiếp tục rong ruổi”, Lệ Thủy nhớ lại. Chỉ sau 2 năm, Lệ Thủy từ đào nhì chuyển phắt lên đào chánh. Và tiếng tăm bắt đầu lan tỏa khắp nơi cùng chốn.

Gửi đa đoan vào vai diễn

Viết về NSND Lệ Thủy vô cùng khó, với cá nhân tôi. Các bài báo viết về cô nhiều không thể đếm xuể. Người được trả lời phỏng vấn cũng đã quá quen với các câu hỏi trùng lắp. Đôi khi, dù không cố tình, nhưng nếu nhân vật cứ phải nghe những câu hỏi giống nhau, cảm giác chắc ức chế lắm. Dù vậy, nghệ sĩ Lệ Thủy vẫn kể từng chi tiết mà cô đã lưu trong bộ nhớ của mình. Thậm chí cả những tiểu tiết ít người nhắc tới.

Ví như tôi hỏi: “Nhà ba mẹ của cô nghèo khó như vậy, có thời gian ông bà ly tán để kiếm kế sinh nhai. Vậy họ có thường cằn nhằn với nhau không?”. Nghe vậy, nghệ sĩ cười lớn: “Câu này ít ai hỏi nè. Ông bà thân sinh ra tôi đặc biệt ở điều đó. Họ nghèo tới mức phải nhờ người bà con nuôi dùm đứa con trai, là em kế tôi, nhưng lại có cuộc hôn nhân vô cùng hạnh phúc. Có thể vì sống trong gia đình như vậy nên tôi cũng được hưởng lây sự vẹn toàn, dù đời nghệ sĩ nhiều đa đoan và nặng sự đào hoa”.

Năm 27 tuổi, Lệ Thủy lấy chồng trong sự ưng bụng của bà dì nghiêm khắc. Người đàn ông may mắn đó quê gốc ở miền Trung nhưng được ba mẹ mua cho căn chung cư trong Sài Gòn để học hành. Nhờ vậy, làm hàng xóm của cô đào chánh nổi danh khắp Nam kỳ và Trung kỳ thời ấy. Quen nhau 2 năm, Lệ Thủy làm đám cưới trước con mắt ngẩn ngơ của nhiều chàng trai hâm mộ.

NSND Lệ Thủy sở hữu giọng kim pha thổ vô cùng đặc biệt: trong đục có thanh, trong thanh có đục. Khi cần lên cao, đặc biệt những từ mang dấu sắc ở cuối câu hát, giọng của Lệ Thủy cực kỳ thanh tao. Nhờ vậy, khi nhập các vai trẻ so với tuổi khá nhiều, nhưng sự chênh lệch vẫn không tới mức khiến khán giả khó chịu. Tuổi tác không là rào cản mạnh đối với người nghệ sĩ tài danh này.

Cải lương chủ yếu nặng về bi, chứ ít khi diễn hài. Hay ở chỗ, cuộc đời NSND chuyên ca cải lương Lệ Thủy, đi qua nhiều biến cố của đất nước nhưng cô vẫn quyết ở lại để cống hiến tiếng hát cho khán giả trong nước sau khi Sài Gòn giải phóng. Rời khỏi ánh đèn sân khấu, nghệ sĩ nổi tiếng này lại chăm chút cho từng góc nhà với niềm yêu thương thật xinh xẻo mà rất đỗi bình dị trong gia đình.

Bao nhiêu đào hoa và đa đoan, cô đã gửi trọn trong từng vai diễn hết rồi!



Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm