Howard Schultz - Đặt trái tim vào cốc cafe

28/10/2015 - 15:45
Howard Schultz (19/7/1953) được biết đến với vai trò Chủ tịch và Giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng cà phê nổi tiếng thế giới Starbucks.

17.009 cửa hàng trên khắp 55 quốc gia và vùng lãnh thổ, Starbucks xếp vị trí thứ 8 trong danh sách “Những công ty Mỹ được hâm mộ nhất trên thế giới” và được xem là thương hiệu đã góp phần làm nên văn hóa thưởng thức cà phê trên thế giới. Mỗi ngày có hàng chục triệu người đặt cốc cà phê Starbucks trên bàn làm việc của họ. Nhà văn nổi tiếng J.K Rowling nói rằng bà đã hoàn thành Harry Potter trong các quán cà phê Starbucks.

2.jpg

Howard Schultz và cốc cà phê Starbucks nổi tiếng của ông

  1. Đặt trái tim vào chiếc cốc

Cuốn sách Howard tự viết về con đường thành công của mình có tên “Đặt trái tim vào chiếc cốc” trong đó khẳng định, từ tâm niệm của mình, Starbucks với Howard không chỉ là câu chuyện về những cốc cà phê “Đó là nơi nắm bắt trái tim bạn, trí tưởng tượng của bạn. Starbucks không có bằng sáng chế về bất cứ điều gì nên bất cứ thứ gì chúng tôi làm đều có thể được sao chép bởi bất cứ ai khác. Nhưng bạn thực sự không thể sao chép trái tim và linh hồn đặt trong đó”. Sinh ra là người con cả trong gia đình có bố mẹ sống bằng trợ cấp của chính phủ, Howard đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Tốt nghiệp trung học, cậu bé trong gia đình Schultz nhận học bổng bóng đá của trường đại học Michigan. Tốt nghiệp đại học, Howard lại mơ ước được làm việc trong ngành kinh doanh và maketing. Làm việc trong quán cà phê nhỏ có tên Starbucks do ba nhà khoa học là giáo sư Anh ngữ Baldwin, giáo sư lịch sử Zev Siegl và nhà văn Gordon Bowker sáng lập nên như một nơi tụ tập, hội họp bạn bè, Howard thực sự yêu ngành kinh doanh cà phê. Tình yêu với cửa hàng cà phê đã khiến Howard mở cửa hàng cà phê của riêng mình ở Seattle và thực hiện chuyến đi đến Milan – Ý để tìm hiểu về các quán cà phê espresso với không gian văn hóa riêng biệt. Sự thành công bước đầu của Howard đã giúp ông mua lại Starbucks và phát triển nó thành tập đoàn cà phê danh tiếng khắp thế giới như ngày nay. Điều đặc biệt của Starbucks là “Đó là không gian để gặp gỡ, chia sẻ, sáng tạo. Đó là một nét văn hóa thưởng thức mà trung tâm của nó là tách cà phê”. Để xây dựng văn hóa thưởng thức bên cạnh tách cà phê Starbucks, Howard chỉ có bí quyết đơn giản là “Bạn cần tận tâm hơn cả những gì người khác cho là cống hiến. Chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với những gì người khác nghĩ là an toàn. Mơ mộng nhiều hơn những gì người khác thấy là thực tế. Mong đợi nhiều hơn những gì người khác nghĩ là có thể. Đặt trái tim vào giấc mơ của bạn và từ kinh nghiệm của riêng tôi cho thấy rằng, bạn có thể bắt đầu từ chỗ không có gì và đạt được thậm chí vượt ra ngoài những giấc mơ của chính bạn”.

  1. Sức mạnh từ một cuộc sống cân bằng

Nói về thành công, Howard nhấn mạnh “Đó không phải là một con đường bằng phẳng và bạn phải có khả năng chịu đựng tuyệt vời để vượt qua”. Trên thế giới, Starbucks đã trở thành hình mẫu cho mô hình công ty với sức chịu đựng mạnh mẽ trong khủng hoảng. Năm 2010-2011, trong khi khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng đến hầu hết các tập đoàn kinh tế lớn thì Starbucks vẫn mở thêm 900 cửa hàng cà phê trên thế giới. Thành tích đó được tạp chí Fortune vinh danh Howard Schultz là  “CEO thành công nhất thế giới 2011” bởi những giải pháp về kinh doanh và việc làm của ông trong tình hình kinh tế khó khăn. “Tôi luôn cố gắng để về nhà ăn tối với gia đình hàng ngày. Tôi đã học được rằng, một cuộc sống riêng cân bằng giúp mỗi cá nhân cống hiến nhiều hơn cho xã hội, tăng thêm giá trị cho công ty để sẵn sàng đối mặt với những tình thế khó khăn. Khao khát chiến thắng, sức chịu đựng có được từ một cuộc sống cân bằng đó tôi đã học được từ những vận động viên hàng đầu”.

22.jpg

Cốc cà phê Starbucks nổi tiếng thế giới

  1. Đối xử với nhân viên nhiều hơn mong đợi cho họ

“Cách chúng tôi xây dựng công ty là biến nó thành thành công của mọi người. Tôi muốn xây dựng một công ty mà cha tôi đã không bao giờ có cơ hội để làm việc. Nếu bạn đang xây dựng một công ty bằng tất cả tâm huyết của mình, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bạn không thể làm điều đó một mình”. Suốt tuổi thơ nghèo khó của mình, Schultz bị ám ảnh bởi những vất vả của người cha khi liên tục phải chịu đựng mức lương thấp, chế độ đãi ngộ kém và khả năng mất việc thường trực. Từ những hình ảnh đó, Howard muốn xây dựng một công ty với thành công không chỉ cho ông mà cho tất cả nhân viên của mình. Theo Fortune, Starbucks chỉ đứng thứ 8 trong danh sách những công ty được ngưỡng mộ nhất của nước Mỹ nhưng lại đứng thứ 2 trong số những công ty tốt nhất vì lợi ích của nhân viên. Nhân viên của Starbucks cho dù chỉ làm bán thời gian cũng được hưởng những lợi ích sức khỏe toàn diện, kế hoạch lương hưu và lựa chọn những cổ phiếu ưu đãi của công ty. Howard nổi tiếng với triết lý “Bạn làm sao có thể khiến nhân viên của mình đáp ứng hơn cả mong đợi của khách hàng nếu như bạn không đáp ứng vượt quá mong đợi của nhân viên”, tạo ra cho Starbucks hệ thống nhân viên hết sức trung thành và tận tâm để cùng xây dựng Starbucks vững mạnh như ngày hôm nay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm