Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm

QN
14/02/2021 - 13:53
Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể diễn tiến rất nhanh chóng sau khi xảy ra và đe dọa nghiêm trọng tính mạng của bệnh nhân. Vì vậy sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm cần phải được diễn ra sớm và đúng cách.

Ngày nay, cùng với vấn nạn thực phẩm bẩn gia tăng thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm cũng trở nên dễ dàng hơn. Trong khi đó, ngộ độc thực phẩm là tình trạng có thể diễn tiến hết sức nhanh chóng, gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Chính vì thế, sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm cần được diễn ra ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Các bước sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm đúng cách

1. Ngừng ăn uống nếu ngộ độc diễn ra tức thì

Thời gian để các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm xuất hiện có thể dài hay ngắn khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngộ độc. Ngộ độc thực phẩm có thể xuất hiện ngay một vài phút sau khi bắt đầu bữa ăn, cũng có thể sau bữa ăn một vài giờ cho đến hàng ngày sau đó.

Đối với các trường hợp mà bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc xảy ra sớm ngay sau khi bữa ăn được bắt đầu một vài phút (thường là do nguyên nhân độc chất gây nên) thì người bệnh nên ngưng ăn uống lại ngay lập tức. Bởi có thể chính các loại thức ăn trong bữa ăn đang sử dụng là nguyên nhân gây nên ngộ độc thực phẩm. Tiếp tục sử dụng các loại thức ăn này có thể khiến lượng chất độc được đưa vào cơ thể nhiều hơn và khiến ngộ độc thực phẩm trầm trọng hơn.

Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Người bênh nên ngừng ăn ngay nếu các biểu hiện ngộ độc thực phẩm trong ít phút ngay sau khi bắt đầu bữa ăn (Ảnh: Internet)

2. Gây nôn cho bệnh nhân

Trong sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm, gây bệnh nên bệnh nhân là một bước dễ thực hiện nhưng lại có ý nghĩa cao. Gây nôn chủ động giúp tống xuất các chất độc trong cơ thể bệnh nhân ra ngoài, giảm sự hấp thu các chất gây ngộ độc và giảm nhẹ mức độ ngộ độc thực phẩm.

Khi sơ cứu bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, gây nôn nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Gây nôn càng sớm thì lượng độc chất mà cơ thể hấp thu sẽ càng ít và lượng thải ra ngoài môi trường lại càng nhiều. Gây nôn sớm đặc biệt có ý nghĩa đối với các chất gây ngộ độc hấp thu chậm, thời gian tồn trọng trong ống tiêu hóa, dạ dày kéo dài.

Có thể gây nôn chủ động bằng cách cho bệnh nhân uống nước muối pha loãng (0,9%) sau đó sử dụng ngón tay kích thích họng người bệnh để gây nôn. Nếu không kịp chuẩn bị nước muối thì có thể cho bệnh nhân uống nước bình thường, sau đó kích thích gây nôn.

Tuy nhiên cần lưu ý rằng, nếu bệnh nhân không còn tỉnh táo, trẻ em, người có tiền sử bệnh lý về rối loạn nhịp tim,... thì không nên gây nôn khi sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm. Gây nôn trong các trường hợp này dễ gây hít sặc vào phổi tạo thành viêm phổi hít hoặc gây kích thích các phản xạ gây rối loạn nhịp tim cấp tính.

Nếu người nhà hoặc bản thân bị ngộ độc thực phẩm, bạn cần biết đến Hướng dẫn gây nôn khi bị ngộ độc thực phẩm để nhanh chóng loại bỏ thực phẩm gây ngộ độc ra khỏi cơ thể.

Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Gây nôn trong sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm giúp tống xuất chất độc ra khỏi cơ thể (Ảnh: Internet)

3. Bổ sung nước cho người bệnh

Trong sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm, bổ sung nước cho người bị ngộ độc thực phẩm đúng cách là rất quan trọng. Các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như tiêu chảy, nôn mửa,... diễn ra nhiều và kéo dài có thể khiến bệnh nhân bị mất nước và điện giải.

Bồi phụ nước và điện giải khi sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm có thể được diễn ra bằng nhiều cách như cho bệnh nhân uống nước đường có thêm chút muối (pha theo tỷ lệ 8 phần đường: 1 phần muối), sử dụng nước gạo rang, sử dụng nước dừa, sử dụng các loại nước thể thao có chứa điện giải, hoặc có thể sử dụng dung dịch Oresol để bồi phụ nước và điện giải.

Cần lưu ý điều gì khi sử dụng Oresol trong sơ cứu bệnh nhân ngộ độc thực phẩm:

- Khi pha Oresol, cần pha trong đúng thể tích nước đã khuyến cáo. Pha dung dịch quá loãng làm giảm hiệu quả bù nước và điện giải. Pha dung dịch quá đặc làm cho tình trạng rối loạn nước và điện giải nghiêm trọng hơn.

- Sử dụng hết toàn bộ gói Oresol trong một lần pha chế, không chia gói Oresol thành các phần nhỏ và pha thành nhiều lần vì không đảm bảo các tỷ lệ của các loại điện giải trong dung dịch sau khi pha.

- Chỉ sử dụng nước lọc thông thường để pha Oresol, không sử dụng các loại nước khoáng để pha dung dịch vì có thể làm thay đổi tỷ lệ các chất điện giải trong dung dịch thu được, gây hại cho bệnh nhân.

- Không thêm đường, muối, viên C sủi, nước hoa quả,... vào trong dung dịch Oresol sau khi pha để làm dung dịch dễ uống hơn vì sẽ làm thành phần của dung dịch thay đổi.

- Dung dịch Oresol đã pha chế nên được bảo quản sạch sẽ và chỉ sử dụng trong vòng 24h kể từ khi pha dung dịch, sau khi pha 24h thì nên đổ bỏ lượng dịch uống còn dư và tiến hành pha mới.

Hướng dẫn cách sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm - Ảnh 3.

Bù nước và điện giải trong sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm cần diễn ra đúng cách để đảm bảo an toàn (Ảnh: Internet)

4. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế hoặc gọi cấp cứu

Ngộ độc thực phẩm có thể diễn tiến hết sức nhanh chóng. Do đó, ngay sau khi tiến hành các bước sơ cứu cần thiết cho người bệnh thì bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Hoặc nếu không có phương tiện để đưa bệnh nhân đi thì cần phải gọi cấp cứu.

Tại cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được tiến hành thực hiện các điều trị thực thụ cho tình trạng ngộ độc thực phẩm.

5. Một số lưu ý khi sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm

Trong quá trình sơ cứu cho người bị ngộ độc thực phẩm, cần lưu ý một số các điểm sau đây để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân:

- Nếu người bệnh ngộ độc thực phẩm có các biểu hiện ngưng hô hấp - tuần hoàn (ngừng tim, ngừng thở) thì nên ngay lập tức phải tiến hành làm sạch mũi miệng cho bệnh nhân, ấn tim và hô hấp nhân tạo cho người bệnh và gọi ngay cấp cứu.

- Không tự ý sử dụng các phản ứng trung hòa để trung hòa độc chất, chẳng hạn như sử dụng acid khi uống nhầm dung dịch kiềm hay sử dụng kiềm để trung hòa acid,... Vì không thể xác định liều lượng của độc chất, nên không thể sử dụng chính xác liều lượng các chất trung hòa và dễ gây độc cho bệnh nhân.

- Khi bị ngộ độc các chất dễ gây ăn mòn như acid, kiềm,... thì không nên gây nôn cho bệnh nhân. Sự di chuyển ngược của các chất này có thể khiến các tổn thương lan rộng hơn.

- Tiêu chảy là một phản xạ bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi bị ngộ độc thực phẩm nhằm tống xuất thức ăn ra ngoài để làm sạch cơ thể. Chính vì thế tuyết đối không được tự ý sử dụng thuốc chống tiêu chảy trong sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm để tránh làm ứ đọng chất độc trong cơ thể.

Có thể thấy rằng, sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm đúng cách có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân trước khi các điều trị thực thụ được tiến hành khi bệnh nhân đến bệnh viện. Vì thế, mỗi người chúng ta nên tự trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để có thể tiến hành sơ cứu người bị ngộ độc thực phẩm ngay lập tức bằng các biện pháp chính xác nhất nếu có ngộ độc xảy ra.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm