pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hụt hẫng, trầm cảm sau khi chồng mất
Ảnh minh họa
Anh mắc bệnh hiểm nghèo, khi phát hiện đã ở giai đoạn cuối. Hai tháng đầu bệnh chưa phát triển nặng, chị chủ động tích cực tổ chức những bữa cơm sum họp gia đình, bạn bè. Chị cũng thuyết phục anh để có những chuyến đi dã ngoại cả nhà và có khi, chỉ anh và chị. Trước nay, anh vẫn chiều theo ý vợ nên vợ làm thế nào, anh theo thế. Cứ nghĩ, khi sức khoẻ của anh bước vào giai đoạn "báo động", chị sẽ phải là người làm công tác tư tưởng cho anh nhưng không ngờ, anh lại là người chủ động nói với chị điều ấy.
Anh bảo, anh luôn lắng nghe cơ thể mình nên anh biết, giờ anh như cái cây bị sâu đục thân, ruỗng dần cho đến một lúc nào đó không gắng gượng được nữa. Anh sẽ cố gắng để anh chị có những ngày ấm áp bên nhau.
Anh chị thống nhất với nhau, tạm thời chưa nói cho gia đình, người thân hai bên cùng các con biết. Trong thời gian này, bên cạnh việc thực hiện phác đồ tư vấn, điều trị của bác sĩ, anh chị sẽ cùng nhau hoàn thiện những việc cần làm, tránh phiền toái về sau như giấy tờ nhà đất, xe cộ; nhất quán đường đi nước bước những dự tính còn dang dở. Nghe lời khuyên của bác sĩ, thời gian này anh chưa đau nên chị cố gắng coi anh là một người bình thường, chăm sóc anh kỹ càng hơn, nhắc nhở anh uống thuốc đúng giờ nhưng không đề cập đến bệnh tật. Chị tin, những suy nghĩ tích cực, tư duy lạc quan sẽ hơn ngàn lần các loại thuốc.
Khi anh phát hiện bệnh, bác sĩ cho chị hay, thông thường, thời gian đối với những bệnh nhân ở giai đoạn của anh chỉ kéo dài khoảng 5 tháng là cùng, tuỳ thể trạng, tinh thần, nghị lực của mỗi người. Chị nghe mà tai ù đi, thấy trời đất quay cuồng. Chị biết, trọng bệnh của anh không có thuốc nào chữa khỏi nên dù hoang mang, trái tim như bị bóp nghẹt, thì vẫn phải chấp nhận thực tế. Lâu nay, chị học cách chấp nhận và đương đầu, vì sự thật là, điều đã xảy ra thì làm sao thay đổi được.
Từ khi anh bệnh, cuộc sống gia đình bị đảo lộn cả về kinh tế đến sinh hoạt hằng ngày. Chị căng mình lo khoản nọ, khoản kia để cân đối chi tiêu, thuốc men... Nhiều lúc mệt mỏi, tủi thân, nghĩ đến những ngày sẽ không có anh, chị lao vào nhà vệ sinh vừa xả nước vừa khóc. Chị không cố kìm chế và dồn nén nỗi đau vào trong mà hễ lúc nào muốn khóc là chị oà lên khóc thật to. Chị khóc cho tan ẩn ức, buồn đau, nhẹ lòng rồi lại lau khô mắt, cố nở nụ cười, lấy lại cân bằng với mọi người xung quanh…
Đang yên đang lành có anh gánh vác, giờ việc lớn việc nhỏ trút cả lên vai chị. Nào làm tâm lý cho các con, ổn định tư tưởng cho ông bà nội ngoại của lũ trẻ, làm "bác sĩ" gia đình cho anh…, đôi khi, mọi thứ cứ rối tinh rối mù cả lên. Chị bảo, đêm nằm bên cạnh, đang ôm anh thật đấy nhưng trong đầu, chị đã phải sắp đặt hết những việc cần/phải làm khi "chuyến tàu" trần gian đưa anh về ga cuối.
Gần một năm sau ngày phát hiện bệnh, anh nhẹ nhàng từ giã mẹ con chị. Mất anh, trái tim tê dại vì đau nhưng chị vẫn tự an ủi, so với dự tính của bác sĩ, anh còn "bám trụ" bên mẹ con chị thêm được mấy tháng nữa. Chị không than thân trách phận mà luôn chọn lối tư duy tích cực, để thấy mình còn may mắn hơn vô vàn người khác.
Những ngày bắt đầu trang đời không có anh, người này thì tỏ ra thương cảm cho chị, người khác lại xì xào sau lưng, rằng chị "dễ quên", chồng vừa chết mà đã ăn diện như không có chuyện gì xảy ra. Nghe những điều ấy, chị không tức tối, ấm ức hay bận lòng. Dù không còn anh song hành bên cạnh thì chị vẫn phải tiếp tục sống và lo cho bọn trẻ mà! Không giờ phút nào hình ảnh anh không hiển hiện trong tâm trí chị. Nhưng nỗi buồn riêng của chị, làm sao chị có thể mang nỗi buồn riêng làm ảnh hưởng đến không gian sống của người xung quanh!
Dù đêm đêm vẫn khóc thầm một mình nhưng chị ổn định cuộc sống gia đình và tâm lý cho các con rất nhanh sau sự ra đi của bố chúng. Chị nghĩ, mình không chủ động đương đầu và đón nhận thì làm sao hạnh phúc được!