pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hút thuốc lá và nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
Ảnh minh họa
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng viêm mạn tính đường thở làm các phế quản dày lên, xơ hóa, tăng tiết đờm gây hẹp phế quản dẫn đến hạn chế lượng không khí đi vào và đi ra khỏi phổi... Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có biểu hiện ho, khạc đờm kéo dài, khó thở mạn tính tăng dần. Ban đầu là khó thở khi gắng sức sau khó thở khi đi lại, khi làm việc nhà, nặng hơn nữa là khó thở trong khi ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Văn Thành - Bệnh viện Phổi Trung ương - có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Nguyên nhân hàng đầu là do hút thuốc lá, thuốc lào, bao gồm cả người hút thuốc và những người hút thuốc lá thụ động.
- Ngoài ra là do yếu tố di truyền, người thiếu hụt men Alpha 1- antitrypsin sẽ khởi phát bệnh sớm hơn, thường trước tuổi 40, đặc biệt nếu có hút thuốc lá.
- Các loại bụi nghề nghiệp và các chất hóa học thường gặp ở thợ hàn, công nhân luyện kim, nhà máy sợi.
- Ô nhiễm không khí từ khí thải công nghiệp, xe hơi và ô nhiễm trong nhà từ khói từ bếp than, bếp củi để đun nấu, sưởi ấm ở những nơi thông khí kém.
- Các yếu tố khác như nhiễm trùng tái phát từ khi còn nhỏ, suy dinh dưỡng, tình trạng kinh tế xã hội cũng liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính diễn tiến âm thầm sau nhiều năm tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ nhưng chỉ khi nào người bệnh thấy khó thở mới đi khám.
Theo bác sĩ Vũ Văn Thành, bệnh này có thể chẩn đoán dễ dàng bằng đo chức năng hô hấp. Do đó, những người trên 40 tuổi, đã hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào, hay sống trong môi trường ô nhiễm khí thở… Nếu kèm theo có các dấu hiệu như ho, khạc đờm mạn tính, có những đợt nhiễm trùng hô hấp tái diễn; khó thở tiến triển tăng dần theo thời gian, tồn tại liên tục; tăng lên khi gắng sức và sau mỗi đợt nhiễm khuẩn hô hấp,… cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa hô hấp để đo chức năng hô hấp xác định bệnh.
"Nếu có các dấu hiệu như trên, cần bỏ hút thuốc lá, thuốc lào. Nếu đang hút thuốc lá, thuốc lào thì đây là việc quan trọng đầu tiên nên làm, đồng thời tránh xa nơi có khói thuốc. Nếu tiếp tục hút thuốc, bệnh sẽ càng ngày càng trầm trọng hơn do hệ thống niêm mạc ở đường dẫn khí dần bị teo đi, hạn chế khả năng tống thải đờm dịch ra ngoài. Mặt khác, tiếp tục hút thuốc sẽ hạn chế hiệu quả của các thuốc điều trị. Đến bệnh viện hay liên lạc với bác sĩ ngay nếu tình trạng xấu đi như khó thở khi nói chuyện, đi lại khó khăn; môi hay móng tay tím tái; nhịp tim, mạch rất nhanh hay không đều; thuốc thường dùng không còn tác dụng đủ lâu, hay không còn tác dụng", bác sĩ Vũ Văn Thành khuyến cáo.
Theo lời khuyên của bác sĩ, quan trọng nhất là hãy cai thuốc lá. Cai thuốc lá có thể giảm nguy cơ tử vong và bệnh tật liên quan đến thuốc lá. Ví dụ bệnh lý ung thư, nguy cơ tương đối của ung thư phổi, hầu họng, ung thư khoang miệng, thực quản, tụy tạng, bàng quang giảm dần dần và đạt ở mức ngang với người không hút thuốc là sau 10 năm. Nếu cai thuốc sau nhồi máu cơ tim thì nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát giảm 50%; nguy cơ tử vong giảm 50% vào 1 năm, mất hẳn nguy cơ tim mạch có liên quan thuốc lá vào 5 năm.
Bỏ thuốc lá, nguy cơ nhiễm trùng phổi giảm và tốc độ suy giảm chức năng hô hấp theo tuổi trở về dần tới mức sụt giảm của người không hút thuốc. Đối với vợ chồng, ngưng hút thuốc trước hoặc trong 3-4 tháng đầu của thai kỳ giúp giảm nguy cơ sinh con nhẹ cân.