Huyền thoại nữ samurai xứ Phù Tang

07/04/2016 - 22:07
Nhắc đến samurai người ta thường nghĩ đến các nam võ sĩ. Tuy nhiên, trong lịch sử Nhật Bản đã xuất hiện những nữ samurai mà tên tuổi của họ được lưu danh sử sách với những chiến công lớn.

Trong những nữ samurai phải kết đến nữ tướng Tomoe Gozen - vợ của tướng quân Minamoto No Yoshinaka thuộc triều đại Heian cuối thế kỷ XII. Theo sử sách, Tomoe Gozen là một người phụ nữ có vẻ ngoài xinh đẹp, thanh tú. Không những vậy, các tài liệu lịch sử đều ghi lại rằng, bà luôn xuất hiện với dáng vẻ gan dạ phi thường và võ thuật tinh anh, là cánh tay phải đắc lực để hỗ trợ bên cạnh đức lang quân Yoshinaka trong những trận chiến.

Tác phẩm “Chuyện kể Heike” đã cuối thế kỷ XII mô tả hình ảnh Tomoe: “Tomoe đặc biệt xinh đẹp, da trắng, tóc dài, tài nghệ xuất chúng. Nàng giương được cung cứng, trên bộ hay trên lưng ngựa đều múa kiếm chọi nổi quỷ thần, sức địch nghìn người. Lại biết trị được ngựa chứng và điều khiển chúng leo lên dốc đứng. Khi lâm trận, nàng thường mang giáp dày, đao to, cung cứng ra làm đại tướng. Lần nào cũng không ai lập công lớn hơn nàng. Bây giờ trong đám bảy thớt kỵ còn lại sau khi tất cả đã chết hoặc chạy thoát, cũng vẫn có nàng...”.

Ngoài ra, bà còn là một kỵ sĩ gan dạ mà không có một con ngựa chứng nào hay một địa hình gồ ghề nào có thể làm bà chùn bước và kỹ năng kiếm thuật cùng cung thuật của bà cũng rất cao siêu. Nhiều lần bà xông pha chiến trận, tả xung hữu đột, đánh bại nhiều danh tướng dày dạn trận mạt. Bất cứ khi nào có một trận chiến sắp xảy ra, thì Yoshinaka (chồng của Tomoe) đều cử bà là đội trưởng đầu tiên của mình. “Cô ấy khoác lên mình bộ áo giáp mạnh mẽ, thanh kiếm lớn và một cây cung hùng mạnh. Cô đã có những hành động dũng cảm hơn bất kỳ các chiến binh nào khác…”.

hnh-nh-tomoe-gozen-trn-lng-nga.jpg
 Hình ảnh nữ tướng Tomoe Gozen trên lưng ngựa.

Sau thế kỷ XI, xã hội Nhật Bản kính trọng các samurai là người có học thức, giáo dục và “văn võ song toàn” hay “bút và kiếm là một”.

Từ chỗ chỉ là tay sai của các lãnh chúa và các dòng họ quý tộc, các võ sĩ này dần dần từng bước giành lấy quyền lực để lật đổ tầng lớp thống trị và lập ra chính quyền thống trị samurai đầu tiên trong lịch sử. Khi các quý tộc địa phương đã chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, lương thực, khí giới, họ liên minh với nhau với một tổ chức có phân cấp bậc, địa vị rõ ràng, đứng đầu là thủ lĩnh (Toryo). Người thủ lĩnh này đặc biệt phải là họ hàng xa của Thiên hoàng hay ít nhất cũng thuộc một trong ba dòng họ quý tộc là Fujiwara, Minamoto và Taira.

Nhờ binh lực hùng mạnh và tài lực vững chắc, đội quân của các quý tộc sau cùng đã trở thành một thế lực quân đội mới của triều đình. Quyền lực của họ càng được củng cố vững chắc sau cuộc nổi loạn Hogen vào cuối thời Heian. Cũng từ đó dẫn đến sự đối đầu của 2 gia tộc thù địch nhau Minamoto và Taira trong cuộc nổi dậy Heiji vào năm 1160.

Sau nhiều chiến thắng vang dội, tướng Taira no Kiyomori trở thành chiến binh đầu tiên vươn tới chức Thiên hoàng quân sư, thậm chí nắm trong tay chính quyền trung ương. Ông đã lập ra chính quyền thống trị samurai đầu tiên và biến Thiên hoàng thành một đấng quân vương bù nhìn.

Dù vậy, dòng họ Taira vẫn tỏ ra khoan hòa, thận trọng trong quan hệ với dòng họ Minamoto. Thay vì mở rộng và củng cố quân đội của mình, dòng họ Taira đã áp dụng chiêu “mỹ nhân kế”, đưa những phụ nữ trong gia tộc tiến cung và lợi dụng họ giành lấy quyền hành từ tay thiên hoàng. Hai dòng họ Taira và Minamoto lại tiếp tục đối đầu nhau vào năm 1180 với chiến tranh Genpei (cuộc chiến đầu tiên nổ ra giữa các dòng họ samurai)  kéo dài đến năm 1185.

Tomoe Gozen đã trải qua chiến tranh Genpei cùng chồng mình. Trong một trận đánh, bà chặt đầu một samurai đối thủ - kì tích mà ít người làm được.

Tuy nhiên, sau khi đánh đuổi nhà Taira đến tận các tỉnh miền Tây, Minamoto no Yoshinaka (chồng của Tomoe) chiếm được Kyoto nhưng lại tỏ ra hợm hĩnh, vô mưu, say mê nữ sắc, gieo rắc sự bất mãn trong đám công khanh. Bên cạnh đó, những vinh quang của Yoshinaka khi đánh bại Taira vào năm 1183 đã khiến anh họ mình là Yoritomo ganh ghét. Để tranh giành quyền lực, Minamoto no Yoritomo (anh họ của chồng Tomoe) đã ra tay tiêu diệt chồng bà. Yoritomo phái em trai mình là Yoshitsune dẫn quân đến đối phó với Yoshinaka vào năm 1184. Kết quả là Yoshinaka đã chết thảm trong cánh rừng tùng ở Awazu dưới tay những người đồng minh cũ của mình.

“Truyện kể Heike” chép lại câu chuyện về trận chiến oai hùng của Tomoe rằng: “Bây giờ họ đã tổn thất nặng nề nhưng trong số những người sống sót, Tomoe vẫn giữ vững trận địa của mình. Yoritomo cảm phục trước sự dũng cảm của vị nữ tướng xinh đẹp, ông đã muốn tha mạng cho cô.

"Vì ngươi là phụ nữ, tốt hơn bây giờ ngươi hãy tìm đường trốn thoát. Ta đã sẵn sàng để chết bởi tay kẻ thù hay do chính tay ta, nhưng Kiso Yoshinaka sẽ nhục nhã đến thế nào nếu trong trận chiến cuối cùng, ta chết cùng một phụ nữ?".

Tuy nhiên, mặc cho những lời mạnh mẽ đó, Tomoe vẫn không từ bỏ, với một tinh thần chiến đấu ngoan cường, cô trả lời: “A, với những chiến binh dũng cảm chiến đấu cùng ta, ngài Yoshinaka có lẽ sẽ thấy cái chết của ta vinh quang đến thế nào!”. Tomoe thu hút kẻ thù sang một phía và chờ đợi.

Lúc đó, Onda, một samurai dũng cảm và khỏe mạnh, cưỡi ngựa tiến về phía cô cùng ba mươi cận vệ. Không chút do dự, Tomoe lập tức lao thẳng vào đội hình kẻ thù, nhảy bổ lên người của Onda và vật lộn với hắn, kéo hắn xuống ngựa. Sau đó cô giữ chắc đầu Onda bên yên ngựa và cắt đầu hắn. Sau khi lấy được thủ cấp Onda, Tomoe cới bỏ áo giáp và cưỡi ngựa về các thị trấn phía đông”.

Có những phiên bản khác nhau về cuộc đời của Tomoe sau trận đánh cuối cùng của mình. Có chuyện kể lại rằng, sau trận đánh Awazu vào năm 1184, Tomoe đã từ bỏ thanh kiếm của mình. Nhưng cũng có câu chuyện lể rằng Tomoe đã bị đánh bại bởi Wada Yoshimori và phải trở thành vợ của samurai này. Sau khi Wada qua đời, Tomoe đã trở thành một nữ tu ở Echizen. Chính những câu chuyện khác nhau này khiến cho sự thật về Tomoe càng trở nên bí hiểm hơn.

Ngày nay, người dân ở Kyoto vẫn lưu truyền các điển tích qua những vở kịch về Tomoe tại các lễ hội truyền thống ở địa phương. Độc đáo ở chỗ, người đóng vai vị chiến binh nữ quả cảm này lại thường là các geisha danh tiếng tại vùng đất Kyoto, vốn nổi danh nhất đất Phù Tang bởi truyền thống phát triển và lưu truyền nghiệp geisha của mình.

Hình ảnh của nữ tướng Tomoe cũng trở thành nguyên mẫu cho rất nhiều các tác phẩm thuộc các bộ môn nghệ thuật khác nhau. Trong các tác phẩm văn học, thơ, kịch cũng như truyện tranh của Nhật Bản, hình ảnh của nữ tướng Tomoe luôn xuất hiện với dáng vẻ cuốn hút đặc biệt.

Đó là bởi Tomoe đã kết hợp được vẻ duyên dáng của phụ nữ với sự anh dũng phi thường của một samurai nữ mang trong mình sứ mệnh bảo vệ, vốn chỉ thuộc về phái nam. Cũng chính bởi vậy, khi đứng bên cạnh những chiến binh samurai oai dũng, Tomoe và những nữ samurai hiếm hoi của xứ sở mặt trời mọc vẫn tiếp tục là những huyền thoại bí ẩn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm