Theo đó, Italia có thể sớm trở thành nước phương Tây đầu tiên thực hiện chính sách "nghỉ phép kinh nguyệt" chính thức cho phụ nữ đi làm. Hạ viện nước này đã bắt đầu thảo luận về dự thảo, nếu được chấp thuận thì sẽ yêu cầu các công ty áp dụng chế độ nghỉ phép 3 ngày/tháng cho chị em khi tới 'kỳ đèn đỏ'. Một số hãng truyền thông địa phương đã đánh giá cao việc này, coi đây là một bước đi tích cực để giúp đỡ các phụ nữ làm việc. Tờ Marie Claire mô tả “đây là chuẩn mực của tiến bộ và bền vững xã hội".
Tuy nhiên, dự thảo cũng vấp phải nhiều chỉ trích, trong đó có cả phụ nữ.
Một số người lo ngại rằng, đạo luật nếu được thông qua có thể gây trở ngại cho giới nữ khi họ phải vật lộn và rất khó khăn mới tham gia lực lượng lao động. Nếu phụ nữ được nghỉ phép nhiều hơn, tác giả Lorenza Pleuteri viết trong tạp chí Donna Moderna, thì “chủ lao động sẽ có xu hướng thuê nam giới nhiều hơn”.
Về lý thuyết, Italia được coi là quốc gia có luật lao động thân thiện với nữ giới. Phụ nữ có 5 tháng nghỉ thai sản và nhận được 80% lương trong giai đoạn này. Sau đó, cả cha mẹ của trẻ có quyền nghỉ phép thêm 6 tháng tùy chọn và được thanh toán 30% lương.
Nếu đạo luật mới này được chấp thuận, phụ nữ đi làm sẽ được hưởng chế độ nghỉ phép 3 ngày/tháng khi có kinh nguyệt. Ảnh minh họa |
Song, trên thực tế, phụ nữ Italia đang phải vật lộn để tham gia thị trường lao động khó khăn hơn so với nhiều phụ nữ ở các nước phát triển khác. Quốc gia này có tỉ lệ nữ tham gia lao động thấp nhất ở châu Âu với 61% so với mức trung bình của châu lục là 72%.
Điều này là do một phần các chủ lao động không muốn thuê nhân công là nữ cũng như chịu các ràng buộc giữ lại công việc sau khi họ sinh con. Theo một báo cáo của Cục thống kê quốc gia Italia, gần 1/4 nữ nhân công bị sa thải khi mang thai hoặc sau lúc sinh con dù việc này là trái phép.
Thêm luật nghỉ phép cho phụ nữ khi tới chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạo cớ để các nhà tuyển dụng không thuê họ ngay từ đầu.
Nhà kinh tế học Daniela Piazzalunga giải thích: “Không loại trừ nếu luật được thông qua sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực: Nhu cầu lao động nữ trong số các công ty có thể giảm hoặc phụ nữ chịu mức lương thấp hơn nữa”.
Nếu chính sách 'nghỉ phép kinh nguyệt' được áp dụng, rất có thể sẽ dẫn đến hậu quả tiêu cực: Nhu cầu lao động nữ trong số các công ty có thể giảm, hoặc phụ nữ chịu mức lương thấp hơn nữa. Ảnh minh họa |
Theo báo Rome’s Il Messaggero, dự luật có thể được thông qua trong vài tháng tới. Ở một số nước đã có luật tương tự như Nhật Bản, Hàn Quốc. Một số công ty tư nhân trong đó có hãng Nike cũng đã áp dụng chế độ nghỉ kiểu này cho nữ nhân viên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không nhất trí về việc chu kỳ kinh nguyệt sẽ tạo ra vấn đề với kinh tế hay lao động, trong khi đó lại khiến khoảng cách lương 2 giới trở nên lớn hơn.